Cựu giám đốc trung tâm đăng kiểm Thái Bình nói không nhận hối lộ

(PLO)- Bị cáo Lưu Minh Hải, cựu Giám đốc Công ty CP đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình nói rằng không trực tiếp tiếp xúc với những người đến đăng kiểm cũng như không chỉ đạo việc phân chia tỷ lệ tiền từ "nguồn thu ngoài", không nhận hối lộ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-1, TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ, xảy ra tại Công ty CP đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình.

Ba bị cáo gồm Lưu Minh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty; Bùi Ngọc Diệp, phó giám đốc và Tô Hồng Dương, đăng kiểm viên cùng bị xét xử về tội nhận hối lộ.

Cựu giám đốc phủ nhận cáo buộc

Bị cáo Lưu Minh Hải là người được xét hỏi đầu tiên và phủ nhận việc nhận hối lộ.

Bị cáo Hải cho biết, tại Trung tâm kiểm định xe cơ giới, bị cáo chỉ giao công việc cho các nhân viên, không trực tiếp tiếp xúc với những người đến đăng kiểm, cũng như không chỉ đạo việc phân chia tỷ lệ tiền từ “nguồn thu ngoài”.

Giải thích về động cơ chấp nhận “nguồn thu ngoài”, bị cáo Hải cho rằng nếu không đồng ý làm nhanh cho khách, khách sẽ đi trung tâm đăng kiểm khác để làm.

Ba bị cáo hầu toà trong vụ nhận hối lộ tại trung tâm đăng kiểm Thái Bình
Ba bị cáo hầu toà trong vụ nhận hối lộ tại trung tâm đăng kiểm Thái Bình. Ảnh: NS

Khi được hỏi về việc sợ mất khách mà để cấp dưới làm sai quy định, bị cáo Hải cho rằng: “Chỉ là anh em báo lên rằng sẽ làm nhanh cho khách nên bị cáo đồng ý, không biết là ở dưới làm sai” và khẳng định một lần nữa không nhận hối lộ.

Tới lượt mình, Bùi Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Công ty và Tô Hồng Dương, đăng kiểm viên thừa nhận cáo buộc đã truy tố.

Bị cáo Diệp khai, với vai trò Phó Giám đốc công ty, hàng ngày bị cáo nhận trách nhiệm chỉ đạo, phân công các đăng kiểm viên thực hiện các công đoạn kiểm định. Các chủ xe đến đăng kiểm chỉ cần mang đăng ký xe, đăng kiểm đến bộ phận hồ sơ để đăng ký.

Theo bị cáo, đối với những xe cải tạo, chủ xe cần trao đổi với đăng kiểm viên về nhu cầu, sau đó, bị cáo sẽ tư vấn cách lắp đặt, liên hệ với anh Bùi Văn Lưu (Phó Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật và dịch vụ TKT) để làm thủ tục thiết kế... Chi phí để làm các thủ tục trên là 5 triệu đồng/xe.

Diệp sau đó đưa toàn bộ cho anh Lưu và bị cáo Hải không nắm được nội dung này. Theo Diệp, tất cả các bản thiết kế đều có chữ ký và con dấu của Công ty TKT.

Ở phần xét hỏi bị cáo Dương, bị cáo khai rằng tại công ty bị cáo giữ vai trò là đăng kiểm viên, ai đến có nhu cầu cải tạo xe bị cáo tiếp nhận hồ sơ. Bị cáo cũng thừa nhận đã thu thêm tiền phí cải tạo xe và đều nộp về công ty, không sử dụng riêng.

VKS đề nghị án với các bị cáo

Kết thúc xét hỏi, đại diện viện kiểm sát cho rằng hành vi của các bị cáo đã phạm tội nhận hối lộ với tình tiết phạm tội nhiều lần. Kiểm sát viên đề nghị tòa phạt bị cáo Hải từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù; Diệp từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù; Dương từ 2 đến 2 năm 6 tháng.

Tại phần bào chữa cho các bị cáo, luật sư của bị cáo Hải cho rằng thân chủ của mình không phải là người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. “Bị cáo Hải chỉ có thể phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu trong doanh nghiệp với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chứ không phải tội nhận hối lộ theo như cáo buộc của Viện Kiểm sát” – quan điểm của luật sư.

Theo luật sự, Hải không phải đăng kiểm viên nên không phải lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm theo quy định tại Nghị định 139/2018. Công ty CP đăng kiểm Thái Bình cũng phân công, Hải phụ trách chung còn bị cáo Diệp phụ trách công tác kiểm định, nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận cho phương tiện.

Cũng theo LS, bị cáo Diệp, Dương đã thực hiện hành vi, phương thức phạm tội từ trước khi bị cáo Hải điều hành công ty. Vì vậy, Hải không phải là người chủ mưu, cầm đầu như kiểm sát viên quy kết. Hải do tin tưởng bị cáo Bùi Ngọc Diệp đồng thời nghĩ tiền chênh lệch là dịch vụ làm ngoài nên mới đồng ý cho thu khoản tiền nhiều hơn quy định với mong muốn giữ khách và tăng thêm thu nhập cho nhân viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm