Ngày 30-3, ông Lê Văn Hữu, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cùng cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chín dù tuổi cao sức yếu nhưng đã trực tiếp đến hiện trường vụ phá rừng để giao đất cho dự án nuôi bò tại hai tiểu khu 310, 311 (huyện Sông Hinh, Phú Yên). Sự vụ này báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh liên tiếp mấy ngày qua.
“Rừng già, gỗ dày vầy mà kêu 80% cỏ tranh?”
Chứng kiến cảnh hàng trăm hecta rừng tự nhiên đang bị tàn sát, hai vị cựu lãnh đạo tỉnh không giấu được nỗi đau xót. Ông Hữu bức xúc nói: “Rừng già thế này mà chặt phá không thương tiếc! Tôi đã đề nghị với bí thư Tỉnh ủy nên chỉ đạo tạm dừng ngay dự án này”.
Trước thực tế rành rành, ông Hữu khẳng định đây không phải là rừng nghèo mà là rừng tái sinh, phát triển rất tốt, phần nhiều là cây gỗ lớn. “Không thể chặt phá rừng này để trồng cỏ! Tôi từng công tác lâu năm ở miền núi, đây là lần đầu tiên tôi thấy việc phá rừng để trồng cỏ nuôi bò vì chưa bao giờ có. Phá rừng thế này là không thể chấp nhận”. Ông Hữu nói thế và cho hay ông sẽ có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo tỉnh. “Nếu lãnh đạo tỉnh không dừng lại dự án này thì chúng tôi sẽ kiến nghị lên Thủ tướng” - ông Hữu nhất quyết nói.
Cùng lúc đó, ông Chín cũng gọi điện thoại cho ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, để phản ánh thực tế đau lòng này. “Tôi đã nói với chủ tịch UBND tỉnh rằng các anh nghe cấp dưới báo cáo lại khu rừng đó 80% diện tích là cỏ tranh là sai rồi. Thực tế rừng này dày, còn tốt lắm! Lãnh đạo nào của tỉnh nói 80% diện tích là cỏ tranh là càng tầm bậy” - ông Chín bức xúc.
Ông Chín cũng đặt vấn đề với chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vì sao chưa có phương án trồng rừng thay thế mà tỉnh lại cho đi chặt phá rừng. “Có gì mà nôn nóng vậy! Hãy tạm dừng dự án này, kiểm tra lại rồi tìm vị trí khác mà làm sau cũng đâu có muộn!” - ông Chín nói.
Giữa tiếng ầm ầm của hàng chục cưa lốc đang thi nhau triệt hạ rừng, ông Chín tiếp: “Rừng dày như thế này mà phá bỏ đi để trồng cỏ là hết sức khó hiểu! Có lẽ chỉ có tỉnh Phú Yên làm kiểu lạ đời này chứ không ai đi làm như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chính thức với lãnh đạo tỉnh. Nếu lãnh đạo tỉnh không chịu nghe, vẫn khăng khăng cho làm thì buộc chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh lên cấp cao hơn với trách nhiệm là những đảng viên, nguyên lãnh đạo tỉnh…”.
Ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên (đi đầu) và ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (thứ hai) đi thị sát các khu rừng bị xóa sổ để nuôi bò. Ảnh: P.NAM
Việc phá rừng tự nhiên để giao đất cho dự án nuôi bò đang gây ra nhiều bức xúc cho các cựu lãnh đạo, người dân Phú Yên và nhân dân cả nước. Ảnh: P.NAM
“Nhất quyết phải đưa dự án đến vị trí khác”
Sau khi trực tiếp đi thị sát hai tiểu khu rừng được giao cho doanh nghiệp nuôi bò, ông Lê Văn Hữu khẳng định: “Tôi rất am hiểu khu vực rừng này. Đây chính là đầu nguồn của thủy điện Sông Hinh, giáp với mấy con sông. Khu vực này trước đây chính là rừng phòng hộ đầu nguồn. Nếu ai chuyển đổi diện tích rừng này sang rừng sản xuất là không đúng. Vì khu rừng này cách lòng hồ thủy điện Sông Hinh chỉ 20 m, độ dốc cao, lại là rừng già, hoàn toàn không có cỏ tranh, cây bụi gì như lãnh đạo tỉnh nói”.
Ông Chín nói: “Có dự án đầu tư vào tỉnh, chúng tôi mừng lắm! Nhưng đem rừng này đi đổi trồng cỏ thì chỉ có Phú Yên. Làm như thế chúng tôi bức xúc quá!”.
Hai vị nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Yên đều cho rằng hết sức khó hiểu về quyết định của tỉnh cho làm dự án nuôi bò tại khu vực rừng trên. “Phú Yên còn rất nhiều nơi để làm đồng cỏ nhưng vì sao chủ đầu tư chỉ chọn khu vực hai tiểu khu rừng phòng hộ đầu nguồn này?” - ông Hữu bức xúc.
Ông Chín tiếp lời: “Dự án này có thể tiếp tục nhưng nhất quyết phải chọn vị trí khác. Chúng ta không thể để chặt phá rừng già, tốt như thế này để trồng cỏ được!”.
80% diện tích là cỏ tranh? Trước đó, ngày 28-3, trao đổi với báo chí về việc xóa hàng trăm hecta rừng tự nhiên tại hai tiểu khu 310, 311 để giao đất cho dự án nuôi bò, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nói: “Chúng ta đang đổi giữa một mảnh đất rừng trên 80% diện tích là cỏ tranh để đổi lấy những đồng cỏ xen lẫn rừng thì việc chúng tôi nói là xứng đáng. Mặt khác, hai tiểu khu 310, 311 vốn đã khai thác trắng để làm lòng hồ thủy điện Sông Hinh và nó được tái sinh”. Ông Thế cũng cho rằng: “Nhìn tổng quan, hơn 70% diện tích tự nhiên của Phú Yên là đất rừng, đồi. Nếu muốn lựa chọn vị trí khác thì không có”. Theo ông Thế, việc đổi một rừng thưa với cỏ tranh, cây bụi để lấy một băng rừng cộng với đồng cỏ thì việc đánh đổi là phù hợp. ________________________ Tôi rất hoan nghênh báo Pháp Luật TP.HCM đã phát hiện, liên tục phản ánh vụ việc bất thường này. Chúng tôi rất ủng hộ báo chí trong việc đấu tranh để bảo vệ môi trường sống, giữ gìn tài nguyên. Ông LÊ VĂN HỮU, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên |