Cựu thành viên HĐQT ngân hàng SCB thắc mắc vì sao không được hưởng án treo

(PLO)- Bị cáo Trần Thuận Hòa, cựu thành viên HĐQT ngân hàng SCB nói trong vụ án một số bị cáo khác có vị trí, vai trò cao hơn mình nhưng được hưởng án treo, trong khi đó mình không được. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Chiều 6-11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi.

Đại diện VKS và luật sư xét hỏi đối với nhóm bị cáo thuộc nhóm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Người khác được hưởng án treo sao bản thân không được?

Bị cáo Trần Thuận Hòa (cựu thành viên HĐQT ngân hàng SCB) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt bốn năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bị cáo này đã đồng ý cho 71 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay tại ngân hàng SCB, gây thiệt hại 2.371 tỉ đồng.

Trả lời đại diện VKS, bị cáo này giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đáng chú ý, ông Hòa trình bày một số bị cáo trong HĐQT của ngân hàng có quyền hạn, vị trí cao hơn bị cáo nhưng được cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm i, khoản 2, Điều 51 BLHS (phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng).

Ví dụ như: bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn (Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB); Nguyễn Thị Phương Loan (thành viên HĐQT ngân hàng SCB); Võ Thành Hùng (Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB). Ba người này đều được tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Trong khi bị cáo bị tuyên phạt 4 năm tù nên cảm thấy đối xử chưa công bằng.

ngân hàng SCB
Trong phần xét hỏi đại diện VKS cho biết bị cáo nào có thiện chí khắc phục hậu quả thì nhanh chóng thực hiện và nộp chứng cứ để VKS và HĐXX xem xét. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngoài ra, bị cáo Hòa cũng cho biết mặc dù bản án cấp sơ thẩm không tuyên buộc nộp tiền khắc phục hậu quả nhưng vẫn tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả. Từ đó, bị cáo này xin VKS và HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá.

Đại diện VKS cũng cho biết đối với bị cáo Hòa cũng như tất cả các bị cáo khác về nhóm tội danh này, bản án cấp sơ thẩm không tuyên buộc các bị cáo phải khắc phục hậu quả nhưng vẫn chủ động nộp tiền khắc phục, điều này thể hiện sự ăn năn hối cải. Do đó, trong phiên tòa phúc thẩm này nếu như có bị cáo nào có thiện chí nộp tiền khắc phục hậu quả thì thực hiện và nộp chứng cứ lên HĐXX và VKS để xem xét.

Chủ tịch Công ty dầu khí xin miễn 500 triệu đồng án phí

Tại bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần dầu khí Đông Phương) bị tuyên phạt năm năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đồng thời bản án sơ thẩm cũng xác định bị cáo này sử dụng 35 pháp nhân liên quan đến công ty Đông Phương để tạo lập 37 hồ sơ vay 1.720,88 tỉ đồng trái quy định tại ngân hàng SCB để bị cáo được sử dụng 11 khoản vay (443,6 tỉ đồng) nhằm chi phí cho hoạt động của công ty Đông Phương.

Do đó, tòa sơ thẩm buộc bị cáo Nguyễn Thanh Tùng và công ty dầu khí Đông Phương phải bồi hoàn lại số tiền 443,6 tỉ đồng cho ngân hàng SCB.

Tại tòa, bị cáo Tùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin xem xét lại phần trách nhiệm dân sự, án phí.

Cụ thể, bị cáo khai số tiền 443,6 tỉ đồng vay tại ngân hàng SCB là số tiền dùng để Công ty dầu khí Đông Phương nộp vào ngân sách Nhà nước, bị cáo không sử dụng mục đích cá nhân nên xin xem xét không tuyên buộc bị cáo phải nộp số tiền này. Đồng thời kéo theo đó là không tuyên buộc bị cáo phải nộp số tiền hơn 500 triệu đồng án phí sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Bản tin trưa 17-2: Thi thể nữ giới dạt vào bờ biển Ninh Thuận; Chìm thuyền trên sông Gianh, 1 người tử vong

Bản tin trưa 17-2: Thi thể nữ giới dạt vào bờ biển Ninh Thuận; Chìm thuyền trên sông Gianh, 1 người tử vong

(PLO)- Bị phản ứng vì chọc ghẹo cô gái, quay qua đập phá quán ở Tân Bình, TP.HCM; Thi thể nữ giới dạt vào bờ biển Ninh Thuận; Chìm thuyền trên sông Gianh, 3 người kịp bơi vào bờ, 1 người tử vong; Bộ GD&ĐT: Bỏ xét tuyển sớm, công bố quy chế tuyển sinh trong tháng này; Nhận định diễn biến giá vàng thế giới sau làn sóng chốt lời.

Đọc thêm

Luật Báo chí sửa đổi: Lần đầu tiên nêu mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông tại Việt Nam

Luật Báo chí sửa đổi: Lần đầu tiên nêu mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông tại Việt Nam

(PLO)- Theo tờ trình của Bộ TT&TT, cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông được phép có một số cơ quan báo chí trực thuộc; được có cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp; được phép có doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.