Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của nhóm ba ngân hàng gồm: Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), Đại Dương (OceanBank) và Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng. Những ngày qua, câu chuyện mua ngân hàng với giá 0 đồng lại nóng lên tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm.
Để có cái nhìn rộng hơn về vấn đề mua ba ngân hàng với giá 0 đồng, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.
Không phải là giải pháp tối ưu
. Phóng viên: Những cái được, mất sau khi NHNN quyết định mua ba ngân hàng với giá 0 đồng là gì, thưa ông?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh):Khi ba nhà băng này đã mất sạch vốn mà không bổ sung được để đáp ứng đủ mức vốn pháp định nên bắt buộc NHNN phải mua lại để khắc phục khó khăn, yếu kém. Cái được trước tiên của cách làm “sáng tạo” này là giúp cho hệ thống ngân hàng tránh được cú sốc và bảo vệ tài sản của người gửi tiền, ổn định chính trị, xã hội. Bởi vốn chủ sở hữu của cả ba ngân hàng thời điểm đó đã âm rồi, đã rơi vào trạng thái phá sản kỹ thuật rồi.
Tôi cho rằng nếu thời điểm đó không có giải pháp cứu ba nhà băng trên thì sẽ kéo theo nguy cơ khách hàng đến rút tiền hàng loạt. Và điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự đổ vỡ ngay chính tại ba ngân hàng nói trên mà có thể còn kéo theo cả hệ thống các tổ chức tín dụng vào cuộc khủng hoảng.
Còn cái mất thì dễ dàng nhìn thấy ngay là đối với các cổ đông của những nhà băng này và cũng thiệt hại cho cả Nhà nước nữa. Đặc biệt phần đông các cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng chịu thiệt hại nặng nhất, vì thực tế họ đâu có được biết tường tận các cổ đông lớn đã sử dụng vốn của họ như thế nào.
. Liệu rằng việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng có phải là giải pháp tối ưu?
+ Tôi cho rằng đó là biện pháp “cấp cứu” để tránh nguy cơ đổ vỡ toàn hệ thống vào thời điểm cách đây ba năm. Cách làm này chưa có tiền lệ ở Việt Nam và hình như thông lệ quốc tế cũng chưa có.
Để đánh giá giải pháp mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng có phải là biện pháp tối ưu nhất hay không, tôi cho rằng đây không phải là biện pháp tối ưu nhất. Bằng chứng là trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua hồi tháng 11-2017 đã không còn biện pháp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng với ngân hàng yếu kém nữa.
Người dân nên chọn những ngân hàng tốt để gửi tiền thay vì cứ thấy lãi suất huy động cao là gửi. Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại VNCB. Ảnh: TL
Nhiều giải pháp xử lý nhà băng yếu kém
. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vào tháng 10-2017, sau hai năm được NHNN mua lại 0 đồng, hoạt động kinh doanh của ba nhà băng trên vẫn chưa được cải thiện... Vậy theo ông, cần phải có biện pháp xử lý tiếp theo như thế nào để tìm lối ra cho ba nhà băng 0 đồng?
+ Với kết luận của Kiểm toán Nhà nước như thế thì chúng ta cũng chưa thể nắm được thực trạng tình hình kinh doanh thực sự của các ngân hàng đó hiện nay đang như thế nào. Do đó tôi cho rằng cần phải được kiểm toán độc lập lại một lần nữa để thẩm định lại tình trạng sức khỏe của ba ngân hàng mua 0 đồng hiện tại đã phục hồi như thế nào, vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, hiện nay đã có lãi chưa hay tiếp tục thua lỗ.
Sau khi có kết luận của những đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín thì cơ quan quản lý sẽ đi đến một kết luận hoặc giữ lại hoặc đưa vào lộ trình cho phá sản là hợp lý.
. Thưa ông, trên thế giới họ xử lý như thế nào khi các ngân hàng thua lỗ, yếu kém?
+ Thế giới thường chỉ có ba cách xử lý ngân hàng thua lỗ, yếu kém. Đó là cho sáp nhập; quốc hữu hóa bằng cách bỏ tiền ngân sách ra mua lại theo giá thị trường, có thẩm định giá tài sản và đàm phán giá “thuận mua vừa bán” giữa cổ đông với bên mua lại. Cách thứ ba là cho phá sản, thanh lý tài sản để trả tiền cho người gửi và cổ đông.
Chẳng hạn ở Mỹ trước khi cho phá sản ngân hàng, cơ quan quản lý tiến hành thanh tra, giám sát nhà băng yếu kém xem lý do nào dẫn đến nợ xấu cao, chất lượng tài sản suy giảm, ăn mòn vào vốn tự có… Trường hợp nhà băng đó không bổ sung thêm vốn được mà hệ số an toàn vốn tiếp tục giảm xuống 5% họ sẽ bị cảnh cáo rất nặng nề. Và khi tỉ lệ an toàn vốn từ 5% xuống 3% thì bất cứ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể đến đóng cửa nhà băng đó chứ không cần để tỉ lệ này âm. Đóng cửa nghĩa là cho phá sản hay bán nhà băng này cho nhà băng khác.
Phải quan tâm đến lợi ích cổ đông TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, cho rằng khi mua lại ba ngân hàng với giá 0 đồng, quyền lợi của cổ đông sẽ ra sao dường như đã không được đề cập tới. Trong khi cổ đông bỏ tiền vào ngân hàng thì họ cần được biết vốn của mình được hay mất bao nhiêu tiền. “Mặt khác, dù giải pháp phá sản là giải pháp cuối cùng nhưng để không gây đổ vỡ hệ thống thì phải có những quy định chặt chẽ. NHNN cần phải ngồi lại với các cơ quan có liên quan để đưa ra thông tư hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục phá sản trong lĩnh vực ngân hàng” - TS Tín đề nghị. |
Cho phá sản là đúng
. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 đã bỏ quy định mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng, thậm chí cho phá sản nhà băng yếu kém. Theo ông, việc cho phá sản ngân hàng liệu có cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế?
+ Cho phá sản ngân hàng yếu kém là chủ trương đúng. Tôi không tin là khi cho phá sản một ngân hàng yếu kém nào đó sẽ gây đổ vỡ dây chuyền dù có thể người gửi tiền sẽ phải chịu thiệt hại nhưng thiệt hại đó là điều bình thường trong nền kinh tế thị trường.
Bởi người gửi tiền vào ngân hàng cũng cần hiểu rằng có rủi ro, không có một hình thức đầu tư nào lại không có rủi ro. Do đó những người gửi tiền phải nhận thức được rủi ro của mình để “chọn mặt gửi vàng”, tức là chọn những ngân hàng tốt để gửi tiền chứ không phải ngân hàng nào cũng gửi hoặc cứ thấy nhà băng nào có lãi suất huy động cao là gửi.
. Không ít người lo ngại cho phá sản ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ. Ý kiến của ông?
+ Một tổ chức kinh tế yếu kém, làm ăn bết bát mà mình cứ “bơm máu” cho nó sống thực vật thì đến lúc nào đó nó cũng kiệt quệ thôi mà rồi hao tổn chi phí lại càng lớn. Giai đoạn vì lo sợ cho phá sản nhà băng sẽ gây khủng hoảng hệ thống đã qua rồi.
Chính việc cho phá sản những ngân hàng yếu kém sẽ làm cho hệ thống tài chính ngân hàng lành mạnh hơn, phát triển bền vững hơn. Bởi nếu không cho phá sản những ngân hàng yếu kém thì cũng sẽ làm cho người dân không nhận biết được đâu là ngân hàng khỏe mạnh thực sự, đâu là ngân hàng yếu kém để gửi tiền vào.
. Xin cám ơn ông.
Vô cùng khó khăn thời điểm mua 0 đồng Tại thời điểm bị NHNN mua lại bắt buộc giá 0 đồng, cả ba nhà băng GPBank, OceanBank và VNCB đều đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Theo đó, tại VNCB, thời điểm bị mua lại nhà băng này đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 27.000 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 24.000 tỉ đồng. OceanBank cũng có khoản nợ xấu lên tới hơn 15.000 tỉ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ và lỗ lũy kế gần 10.200 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn hai lần. Còn GPBank, tại thời điểm ngày 2-4-2015, tổng số lỗ lũy kế của nhà băng này lên đến 12.280 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỉ đồng. Dư nợ cho vay giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỉ đồng, trong đó có tới 45,37% là nợ xấu.
Ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới Sau khi mua lại ba ngân hàng 0 đồng, NHNN đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vào tháng 10-2017 cho thấy thực trạng tài chính của ba nhà băng này sau hai năm được mua lại 0 đồng vẫn chưa được cải thiện. Hoạt động kinh doanh của ba ngân hàng này tiếp tục thua lỗ, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng cao…“Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm” - Kiểm toán Nhà nước cảnh báo. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tái khẳng định: Hiện NHNN đang ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập, hợp nhất thông qua việc yêu cầu ba ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại. “Các nhà đầu tư bỏ vốn thực để đầu tư, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tỉ lệ an toàn theo quy định của pháp luật” - thống đốc nói. |