UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Huyện lỵ Hòa Vang, tỉ lệ 1/2.000. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đề nghị các ngành sớm công bố rộng rãi quy hoạch đến người dân.
Tại Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Hòa Vang có tổng diện tích hơn 73.000 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 430.000 người.
2 tiểu vùng dân cư, 1 tiểu vùng sinh thái
Quy hoạch xác định, Đà Nẵng phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc TP Đà Nẵng. Trung tâm hành chính thị xã Hòa Vang dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.
Đà Nẵng phân vùng không gian cho Hòa Vang gồm hai tiểu vùng dân cư nông thôn, một tiểu vùng sinh thái.
Tiểu vùng Đông Bắc gồm bốn xã: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn. Khu vực phát triển trọng tâm nằm tại phía Đông khu công nghệ cao (CNC) và dưới chân núi Bà Nà.
Tiểu vùng Đông Nam gồm bảy xã: Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước. Trung tâm tiểu vùng đồng thời là huyện lỵ huyện Hòa Vang đặt tại xã Hòa Phong.
Tiểu vùng sinh thái phía Tây bao gồm khu vực rừng, núi và đồi phía Tây thuộc các xã: Hoà Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Phú, Hoà Khương.
Đà Nẵng tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống.
Đồng thời tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho giai đoạn sau năm 2030, sau năm 2045.
Khu vực nông thôn của Đà Nẵng tập trung tại huyện Hòa Vang. Trong đó, khu dân cư nông thôn, các làng nghề truyền thống sẽ được Đà Nẵng cải tạo, chỉnh trang.
Đà Nẵng chú trọng bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, địa hình, không gian xanh tự nhiên tại Hòa Vang. Tập trung phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng của Đà Nẵng.
Đến năm 2030, Đà Nẵng dự kiến kêu gọi đầu tư, phát triển bốn sân golf tại huyện Hòa Vang.
Cụ thể là Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch hồ Hòa Trung (200 ha), Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Liên - Hòa Bắc (200 ha), Khu phức hợp khách sạn - sân golf Hòa Phong - Hòa Phú (551 ha) và Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Phú - Hòa Nhơn (cuối tuyến Bà Nà - Suối Mơ, 270 ha).
Bốn vùng chức năng tạo dư địa phát triển
Đà Nẵng tổ chức bốn vùng chức năng cho Hòa Vang. Vùng công nghiệp CNC sẽ định hướng phát triển công nghiệp CNC, công nghệ thông tin tập trung, công nghiệp hỗ trợ thông qua việc khai thác lợi thế các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, khu CNC có sẵn.
Vùng phát triển dân cư sẽ hình thành cụm dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ tại các tiểu vùng Đông Bắc, Đông Nam, đáp ứng nhu cầu ở của người lao động.
Tại vùng du lịch sinh thái, Đà Nẵng phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và cộng đồng với trọng điểm là các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Khương và Hòa Bắc.
Còn vùng nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ khai thác vùng sản xuất tại các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn. Qua đó phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, ứng dụng CNC kết hợp với loại hình du lịch nông nghiệp.
Đà Nẵng xác định xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là khu vực khó khăn. Phấn đấu hàng năm giảm 30-40% tổng số hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều từng giai đoạn.
Đến năm 2025, Đà Nẵng xây dựng Hòa Bắc trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch.
Đến năm 2030, Hòa Bắc trở thành xã có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đạt chuẩn đô thị loại V. Đây là điểm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng chất lượng cao của Đà Nẵng.