Sáng 5-1, tại huyện Lai Vung - thủ phủ trồng quýt hồng của Đồng Tháp, lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023 chính thức khai hội.
Đây là sự kiện nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quýt hồng cũng như giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm từ quýt hồng Lai Vung. Qua đó góp phần phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương huyện Lai Vung.
Điểm nổi bật của Lễ hội là các hoạt động trải nghiệm không gian sản xuất quýt hồng, hội thảo "Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng", tọa đàm “Quýt hồng - Tiềm năng của địa phương và cơ hội cho mọi khách hàng”, phim tư liệu “Vương quốc quýt hồng đất Lai Vung", hội thi “Vườn quýt hồng kiểu mẫu”, hội thi “Cây quýt hồng đẹp”.
Các đại biểu cắt băng khai mạc lễ hội quýt hồng Lai Vung. Ảnh: HD |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, Lai Vung được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt quanh năm với lượng phù sa dồi dào nên từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt, đặc biệt là quýt hồng - đặc sản nổi tiếng cả nước.
Với hơn 300 ha Quýt hồng, trong đó diện tích đang cho trái trên 200 ha, nhà vườn Lai Vung đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ quýt hồng bội thu năm nay. Đến Lai Vung trong những ngày này, có thể thấy không khí tất bật của các nhà vườn trồng quýt hồng đang chuẩn bị để kịp phục vụ thị trường Tết.
Du khách cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh “Bé Quýt” vui, khoẻ, xinh tươi xuất hiện trên hệ thống nhận diện của Lễ hội, các biển chỉ dẫn, không gian công cộng, cả trong ứng dụng Zalo và đang trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Đất Lai Vung.
Lễ hội nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quýt hồng cũng như giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm từ quýt hồng Lai Vung |
Quýt hồng và nem là 2 đặc sản nổi tiếng của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp |
Khách tham quan thích thích với không gian trưng bày quýt hồng |
Hiện nay, Lai Vung đã và đang chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, tạo ấn tượng trong lòng du khách về một vùng đất hiền hoà, với những con người nghĩa tình, năng động và sáng tạo. Tất cả đã góp phần định vị ngày càng rõ nét hình ảnh quê hương đất quýt hồng.
Theo chủ tịch huyện Lai Vung, cây quýt hồng được trồng ở đất Lai Vung đầu thế kỷ 20. Ban đầu từ một loại quýt bình thường, nhưng khi được trồng trên đất Lai Vung, thì giống quýt này trở nên đặc biệt và diện tích quýt hồng tăng liên tục hằng năm.
Đỉnh điểm phát triển từ khoảng 2010-2016, mỗi năm tăng bình quân gần 100 ha nâng tổng diện tích lên gần 1.000 ha với sản lượng bình quân khoảng hơn 30.000 tấn, mang lại giá trị gần 1.000 tỷ đồng hằng năm.
Lai Vung hiện có 200 ha quýt cung ứng thị trường Tết Nguyên đán năm 2023 |
Tuy nhiên, các vùng quýt hồng truyền thống xuất hiện hiện tượng vàng lá thối rễ, héo xanh, tỷ lệ bệnh tăng dần qua các năm. Đến năm 2017 bệnh tăng vọt về mức độ nên diện tích quýt hồng của huyện giảm liên tục và còn không đầy 200 ha. Năm 2019 với tình trạng bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh cấp độ nặng, và nhiều người trồng quýt hồng Lai Vung đã gặp rất nhiều khó khăn.
Không chấp nhận để cho cây quýt hồng - đặc sản của địa phương - ngành hàng từng một thời đóng góp lớn cho kinh tế của huyện nhà bị mất đi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lai Vung đã quyết tâm xây dựng Đề án nhằm bảo tồn cây quýt hồng và đến nay đã mang lại hiệu quả.
Gần 200 ha bị nhiễm bệnh nay đã hồi phục và dần cho năng suất cao trở lại, một số vườn cây bệnh nặng bị đốn bỏ nay đã bắt đầu trồng lại và hiện đang sinh trưởng tốt.