Đại gia Thái Lan lại thâu tóm bia Sài Gòn

Bộ Công Thương vừa thông báo đến ngày 11-12 có một nhà đầu tư đã đăng ký mua số lượng lớn cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Đại gia Thái liên tục thâu tóm doanh nghiệp Việt

Nhà đầu tư trên là Công ty TNHH Vietnam Beverage, một doanh nghiệp (DN) thuộc sở hữu của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Nhà đầu tư này đăng ký mua 25% cổ phần trong tổng số 53,59% tỉ lệ cổ phần mà Bộ Công Thương đang nắm giữ tại Sabeco.

Giá khởi điểm chào bán của Sabeco là 320.000 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Sabeco đạt 205.000 tỉ đồng, tương đương 9 tỉ USD. Như vậy nếu mua tối thiểu 25% cổ phần của Sabeco, Vietnam Beverage sẽ phải chi ra khoảng 2,25 tỉ USD, tương đương hơn 51.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư có thể cao hơn theo tỉ lệ chào mua thực tế cũng như mức giá trả.

Các ngành nghề chính khi thành lập của Công ty Vietnam Beverage là bán buôn, bán lẻ, dịch vụ đồ uống… Đại diện theo pháp luật, giám đốc của công ty là Michael Chye Hin Fah. Ông Michael hiện cũng là thành viên HĐQT của Vinamilk và giám đốc phụ trách Fraser and Neave Ltd (công ty mẹ của F&N Dairy Investments Pte Ltd) - tập đoàn đồ uống nổi tiếng của Thái Lan.

Đáng chú ý, F&N là quỹ đầu tư do tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát. Với khối tài sản hiện được Forbes định giá 19,1 tỉ USD, vị tỉ phú này đang là người giàu thứ ba tại Thái Lan. Doanh nhân này năm nay 73 tuổi, sinh ra trong một gia đình gốc Hoa.

Đại gia Thái Lan chi hàng tỉ USD để thâu tóm “người đẹp” bia Sài Gòn. Ảnh: TÚ UYÊN

Thời gian gần đây F&N cũng miệt mài gom cổ phiếu Vinamilk. Vị tỉ phú này không giấu giếm ý định khi muốn bỏ ra tiếp 200 triệu USD để nâng tỉ lệ sở hữu cổ phiếu tại Vinamilk, qua đó để nắm quyền quyết định tại DN sữa lớn nhất Việt Nam cũng như thâm nhập thị trường đồ uống nước ta.

Như vậy, các thương vụ mua bán, sáp nhập hoành tráng nhất trong thời gian qua, bao gồm cả vụ chi hơn 2,2 tỉ USD để gom cổ phiếu bia Sài Gòn, đều thấp thoáng bóng dáng các tỉ phú và tập đoàn hàng đầu Thái Lan.

Không để thao túng trong quá trình thoái vốn

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Sabeco là DN có lượng vốn hóa lớn nên việc thoái vốn, cổ phần hóa phải có lộ trình từng bước để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho DN, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước và cho nhà đầu tư.

“Việc thoái vốn cũng phải tính đến khả năng hấp thụ của thị trường, có tính đến lợi cho người lao động, giữ thương hiệu cho DN... Quá trình thoái vốn sẽ đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch” - ông Hưng khẳng định.

Liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng thừa nhận do có vốn hóa lớn nên sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng với Sabeco. Tuy nhiên, quy định hiện nay chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không quá 49%. Cùng với đó, nhà đầu tư trong nước cũng không được phép nắm giữ vượt quá tỉ lệ được cho là thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh.

“Ngoài Bộ Công an, chúng tôi còn đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham gia giám sát chặt chẽ để không xảy ra sai sót, vi phạm, thao túng, lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa tại Sabeco” - Thứ trưởng Hưng cho hay.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương, cũng khẳng định trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% thì phải báo cáo ban tổ chức chào bán cạnh tranh. Đồng thời công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán bảy ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua… Qua đó để đảm bảo công khai, minh bạch.

Lo núp bóng để thâu tóm

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thoái vốn sẽ mang lại nguồn tiền lớn cho ngân sách nhà nước nhưng cũng bày tỏ lo ngại thị trường tiêu dùng Việt nói chung và Sabeco đang rơi vào DN ngoại. Do đó Nhà nước cần lựa chọn nhà đầu tư phù hợp bởi vấn đề không chỉ ở việc bán được giá cao nhất mà còn là phát triển thương hiệu trong nước.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, từng cảnh báo nếu để cho nước ngoài kiểm soát hoàn toàn rất có thể dẫn tới thất thoát tài sản công. Họ còn có thể chuyển giá khi liên kết với các công ty ở nước ngoài trong hệ thống. Cho nên nếu thực hiện thoái vốn không khéo sẽ rơi vào tình huống bán rẻ mà còn không thu được thuế.

Bên cạnh đó, không ngoại trừ khả năng có “cá mập” đang muốn mua trọn lô cổ phiếu thoái vốn của Sabeco nên thành lập nhiều pháp nhân để hợp pháp hóa các quy định thoái vốn của Nhà nước.

Nhà nước có thể thu 9 tỉ USD

Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức họp báo công bố thông tin về bán vốn nhà nước tại Sabeco. Theo đó, Bộ sẽ chào bán 53,59% cổ phần nhà nước tại DN này, tương đương 343,66 triệu cổ phần, với giá khởi điểm là 320.000 đồng. Ngày chào bán là 18-12-2017.

Trên thị trường chứng khoán, giá mỗi cổ phiếu của Sabeco (mã CK: SAB) liên tục tăng. Ví dụ chốt phiên giao dịch ngày 1-12, mỗi cổ phiếu SAB ở mức 330.000 đồng, tăng 10.000 đồng so với giá chào bán 320.000 đồng. Theo tính toán của Bộ Công Thương, với mức giá thị trường như trên, dự tính nếu bán hết 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco, tổng giá trị thu về có thể lên tới 9 tỉ USD.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng phải ưu tiên bán cho các DN Việt có tiềm lực. Ngoài ra cũng phải lưu ý trường hợp đại gia nước ngoài lách để cho một DN Việt khác đứng mua.

“Nhiều trường hợp công ty Việt đổ tiền đầu tư rất lớn nhưng không thể lý giải về nguồn vốn từ đâu ra, có thể có “ai đó” ẩn ở phía sau để tiến hành mua cổ phần của DN nhà nước. Đến một ngày nào đó, DN này biến đi và trở thành một DN ngoại hoàn toàn” - bà Lan nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cũng nhìn nhận với số lượng cổ phần của Sabeco được bán ra có thể lên tới 53,59% vốn điều lệ, cho phép nhà đầu tư kiểm soát hoạt động kinh doanh của DN này. Thậm chí kể cả khi mua được số lượng cổ phần ở mức trên 25% hay trên 35%, theo Luật DN, nhà đầu tư đã có quyền chi phối đáng kể hoạt động của công ty với quyền phủ quyết các quyết định quan trọng về phê duyệt phương án kinh doanh hay bán tài sản.

“Các đại gia có thể áp dụng chiêu thức như sử dụng nhiều pháp nhân do một nhà đầu tư núp bóng để mua cổ phần; liên kết để tạo lợi thế chi phối hay như nhà đầu tư nước ngoài đội lốt DN nội để chiếm cổ phần cao hơn quy định” - ông Long cảnh báo.

Cũng theo vị chuyên gia này, tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt ở những lĩnh vực thế mạnh như bán lẻ, bia, sữa… được nhà đầu tư ngoại dòm ngó từ lâu, nhất là các đại gia đến từ Thái Lan. Họ bỏ ra một khoản tiền lớn để mua những thương hiệu mạnh, có giá trị.

“Điều này tiết kiệm được thời gian đầu tư ban đầu cho thương hiệu. Quan trọng hơn những thương hiệu này có hệ thống phân phối rộng khắp, tạo được uy tín với người tiêu dùng. Đó cũng là cách đơn giản, hiệu quả nhất để các đại gia ngoại bước chân vào thị trường Việt Nam” - ông Long phân tích.

Siêu thị, bia, sữa… lần lượt vào tay người Thái


Ông Charoen Sirivadhanabhakdi.

Các tỉ phú và tập đoàn hàng đầu Thái Lan liên tục thâu tóm DN Việt. Điển hình là Tập đoàn Central của gia đình giàu nhất Thái Lan Chirathivat đã chi 1,05 tỉ USD để thâu tóm toàn bộ 33 siêu thị, trung tâm thương mại của chuỗi Big C Việt Nam. Central Group cũng chi hơn 100 triệu USD thâu tóm nhà bán lẻ số một trên thị trường điện máy là Nguyễn Kim.

Tập đoàn TCC thuộc sở hữu của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của tập đoàn Metro Cash & Cary tại Việt Nam gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan, trị giá tương đương 848 triệu USD. Trước khi mua lại Metro, tập đoàn này đã tham gia kinh doanh siêu thị tại Việt Nam khi đầu tư vào hệ thống FamilyMart. Hiện FamilyMart đã được đổi tên thành B’s mart.

Ngoài ra, tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi được biết đến có nhiều khoản đầu tư tại Việt Nam như nắm cổ phần một công ty xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng.

Không cạnh tranh nổi sẽ “chết”

Theo TS Ngô Trí Long, khi các thương hiệu Việt vào tay người Thái hay một đại gia ngoại nào đó thì hàng hóa của Việt Nam sẽ khó vào. Ví dụ sau khi thâu tóm hàng loạt siêu thị, người Thái đẩy hàng Việt ra và đưa hàng Thái vào.

Đặc biệt, hiệp định thương mại tự do ASEAN sẽ tạo điều kiện cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới. Hàng Thái lấn sân tạo ra sức ép cho DN Việt phải cải cách, cạnh tranh và vươn lên. Nếu không có cạnh tranh, DN sẽ “chết”.

“Thị trường bán lẻ, bia, sữa, hàng tiêu dùng là mảnh đất tiềm năng, màu mỡ ở Việt Nam, có khả năng sinh lời lớn. Nếu DN Việt không nhanh chân, không chịu nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ thua cuộc trên sân nhà” - ông Long nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới