Đại học Nam Cần Thơ: Mô hình doanh nghiệp trong trường học

(PLO)- Mới đây, nhân sự kiện 20 thành lập TP Cần Thơ, TS-LS Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nam Cần Thơ được lãnh đạo TP Cần Thơ tuyên dương, vinh danh là một trong những người có đóng góp lớn sự phát triển của thành phố.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Được biết, sau 10 năm thành lập và phát phát triển, Trường ĐH Nam Cần Thơ vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó, nhà trường ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế, trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao dân trí của TP Cần Thơ và khu vực.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS-LS Nguyễn Tiến Dũng cho biết ông nhớ rất rõ những khó khăn, vất vả lúc Trường ĐH Nam Cần Thơ mới đi vào hoạt động. Để được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen, cùng với những quả ngọt như hôm nay, tập thể nhà trường đã nỗ lực không ngừng mỗi ngày trong suốt hơn mười năm qua.

Luật sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Trường ĐH Nam Cần Thơ.jpg
Luật sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Trường ĐH Nam Cần Thơ.

Đến với giáo dục như một cái duyên

. Phóng viên: Hơn 20 năm trước ông đã có những dự án đầu tư về giáo dục tại TP.HCM, phải chăng đây là kinh nghiệm, là tiền đề để TS-LS Nguyễn Tiến Dũng quyết định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại TP Cần Thơ nói chung và ĐBSCL nói riêng?

+ TS-LS Nguyễn Tiến Dũng: Đúng như vậy. Như một cái duyên, hơn 20 năm trước tôi tiếp cận giáo dục từ những hoạt động đào tạo các khóa quản lý ngắn hạn dành cho các nhà quản lý doanh nghiệp. Sau đó thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói riêng. Đầu năm 2010, với tâm huyết của những nhà giáo đến từ TP.HCM, cùng các cán bộ, nhà giáo tại TP Cần Thơ, sau ba năm khẩn trương xúc tiến các thủ tục, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã chính thức được thành lập theo Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường ĐH Nam Cần Thơ đẩy mạnh hợp tác Quốc tế.jpg
Trường ĐH Nam Cần Thơ đẩy mạnh hợp tác Quốc tế.

. Được biết, TS-LS Nguyễn Tiến Dũng quê ở Miền Trung nhưng vì sao lại quyết định đầu tư giáo dục tại Miền Tây từ hơn 15 năm trước, phải chăng vùng đất ĐBSCL có điều gì hấp dẫn với ông?

+ TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL, được quy hoạch phát triển và xây dựng như một đô thị trung tâm của khu vực, với ưu thế đang trên đà tăng trưởng nhanh và phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ… Tuy nhiên Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung vào những năm 2000 vẫn là “vùng trũng” về giáo dục. Khu vực này chưa phát triển mạnh về xã hội hoá giáo dục. Số trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề còn ít so với tổng dân số toàn vùng, chưa đủ khả năng để thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng học tập rất lớn của nhân dân.

Bên cạnh đó, một vấn đề nữa là việc thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật – công nghệ cao, đặc biệt là đội ngũ cử nhân, kỹ sư thực hành đang là nguyên nhân gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng và từng tỉnh trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ du lịch và đầu tư nước ngoài.

Chất lượng đào tạo không nằm ở trường tư hay trường công

. Khoảng hơn 10 năm về trước, thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nhiều trường ĐH tư được cấp phép thành lập, đến nay, giáo dục tư đã góp phần rất lớn về đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với ĐH Nam Cần Thơ sau 11 năm phát triển đã đóng góp không nhỏ về nguồn lực cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn quan niệm phân biệt chất lượng trường công - trường tư. Cá nhân TS-LS Nguyễn Tiến Dũng có suy nghĩ gì về vấn đề này?

+ Theo tôi quan niệm trên là không chính xác. Chất lượng đào tạo không nằm ở trường tư hay trường công, nó phụ thuộc vào những yếu tố như: Chương trình đào tạo, môi trường học tập, nghiên cứu, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất trang thiết bị và đặc biệt là ý thức học tập của người học.

Minh chứng cho chất lượng trong các trường đại học thuộc top 100 theo bảng xếp hạng đại học VN 2024 (VNUR-2024, Viet Nam’s University Rankings), trường đại học tư thục trong đó có Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Thăng Long cùng sánh với các trường công lập có bề dày lịch sử và được xếp hạng cao hơn nhiều trường công lập khác. Trong đó Trường Đại học Nam Cần Thơ xếp hạng 61 hệ thống trong 235 các trường đại học VN, cao hơn nhiều trường công lập có bề dày lịch sử lâu hơn.

SV ngành Y trường ĐH Nam Cần Thơ thực hành.jpg
SV ngành Y trường ĐH Nam Cần Thơ thực hành.

. Sau 11 năm thành lập đến nay cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của ĐH Nam Cần Thơ được đầu tư rất hiện đại; phương pháp giáo dục mới và hấp dẫn. Ông có thể chia sẻ quan điểm, phương pháp đào tạo của trường để có được kết quả, thương hiệu chất lượng như ngày hôm nay và định hướng của trường trong thời gian tới?

+ Trường ĐH Nam Cần Thơ tiên phong xây dựng và phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học. Trường đã thành lập các doanh nghiệp như: Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC, Viện Nghiên cứu và Phát triển dược liệu, Trung tâm Phát triển và Ứng dụng phần mềm DNC, Viện Nghiên cứu – Đào tạo khoa học sức khỏe DNC. Theo mô hình này, nhằm phục vụ nhu cầu học tập thực hành – thực tập cho sinh viên, trường có điều kiện để cọ xát với thực tế, góp phần hoàn thiện kỹ năng và nâng cao tay nghề cho các bạn sinh viên.

Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta cũng cần tập trung vào việc phát triển hạ tầng giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục theo chuẩn quốc tế, phát triển khả năng sử dụng ngoại ngữ trong sinh viên, áp dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc xây dựng các trường học, trung tâm đào tạo và nâng cao trình độ giảng viên sẽ giúp địa phương chúng ta trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục hiện đại và thu hút những nhà trí thức về cống hiến.

Đồng thời, chúng ta cũng cần tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển tư duy khoa học công nghệ, khởi nghiệp trong sinh viên.

. Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm