Thập niên 1980 của thế kỷ trước, bóng dáng ông và cả các đối thủ của ông đã xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm văn chương, văn nghệ. Ba cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến đấu của ngành công an trong thời bình làm nên tên tuổi của nhà văn công an, Đại tá Phùng Thiên Tân là Hồ sơ chưa kết thúc, Sống để đời yêu và SBC xung trận, một phần đời sống, công việc, tính cách của nhân vật chính khoác áo cảnh sát hình sự (CSHS) đều lấy nguyên mẫu từ ông.
Trong Hồ sơ chưa kết thúc, cuốn tiểu thuyết viết theo hồ sơ, ông xuất hiện với đầy đủ tên thật, người thật, việc thật: Đại úy Phan Thanh, tức Ba Tung, đội trưởng đầu tiên của lực lượng SBC huyền thoại tại TP.HCM.
Anh cả của những cánh đại bàng trên phố
Sinh năm 1945, quê gốc ở Bố Trạch, Quảng Bình, Phan Thanh, tức Ba Tung, cùng với người bạn đời bí danh Tư Hoành từng là cặp đôi biệt động Sài Gòn lẫy lừng một thuở khiến phía bên kia nghe tên là rúng động.
Trận đánh đầu tiên diễn ra năm 1969, ông cho nổ trụ sở một tờ báo nằm cạnh Hồ Con Rùa đăng bài xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời. Từ đó cho đến năm 1975, cưỡi trên chiếc Honda 67, ông nhiều lần xuất quỷ nhập thần trên đường phố Sài Gòn, để lại phía sau nhiều tiếng nổ nhắm vào các mục tiêu khó nhằn nhất của đối phương.
Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Thanh khoác áo CSHS. Lúc này, trộm cướp đường phố nổi lên như rươi. Đầu sỏ các băng cướp khét tiếng, lẫy lừng một thời số vượt ngục trốn tù, số nằm im thở khẽ giờ ngóc đầu dậy, hoành hành bá đạo khắp Sài Gòn, Chợ Lớn.
Tại quận 5, khu vực bọn cướp giật lộng hành nhất, ông Trịnh Vinh, Trưởng công an quận, đã cho thành lập tổ tuần tra đặc biệt trên đường phố 24/24 giờ ngăn chặn và tiêu diệt ngay những nhóm cướp giật manh động và hung hãn. Từ mô hình hiệu quả này, giữa năm 1977, Trưởng phòng CSHS, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau là thiếu tướng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) đã đề xuất và được Công an TP.HCM chấp thuận cho lập Đội SBC, quyết tâm chặn đứng nạn cướp giật đường phố, bắt cóc tống tiền, cướp kho, ngân hàng... đang loang ra như dịch bệnh. Đại úy Phan Thanh trở thành đội trưởng đầu tiên, vừa đích thân chọn người, tự lên chương trình huấn luyện, đồng thời trực tiếp tham gia chiến đấu cùng anh em trong hàng trăm vụ.
Chiến sĩ SBC được chọn kỹ từ công an các quận, huyện, một số thanh niên ở bên ngoài, tuổi chưa quá 30, giỏi võ, giỏi bắn súng, phóng, đỡ dao, chạy xe máy thượng thừa. Cứ hai người một xe Honda 67, họ thay nhau rong ruổi suốt ngày đêm trên đường phố Sài Gòn. Không cần chờ lệnh, họ ra tay can thiệp ngay khi phát hiện ra những tên cướp đang bị truy nã hoặc khi chúng đang ra tay cướp giật.
Sau hai phát súng cảnh cáo, nếu không dừng tay và đứng yên, kẻ cướp sẽ bị ăn đạn. Nếu chúng dùng vũ khí chống trả, gây nguy hiểm cho người xung quanh, SBC có quyền bắn gục. Thời loạn lạc, biện pháp ngăn tội ác cũng được phép cực đoan. Khi xung trận, lính SBC được phép lao xe vào đường cấm, vượt đèn đỏ, chạy vào đường một chiều. Vợ con, gia đình hầu như chẳng được biết gì về công tác của họ, dù mỗi người đều được cấp một tấm thẻ đặc biệt phòng khi bất trắc với... quân mình.
Cố Đại tướng Mai Chí Thọ và những chiến sĩ SBC đầu tiên của Công an TP.HCM. Ảnh: Tư liệu
Hung thủ bắn chết nghệ sĩ Thanh Nga bị SBC bắt giữ. Ảnh: Tư liệu
Nguyên mẫu của nhiều tác phẩm
Hàng loạt chiến công, hàng loạt tên tuổi SBC đã xuất hiện và trở thành huyền thoại - những cánh đại bàng trên đường phố. Họ là Võ Tấn Thành (Hai Thành), Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Lê Thanh Liêm (Hai Lửa), Mai Văn Tấn, Trần Văn Năm (Năm Lửa)... Tất cả đều xem Phan Thanh (Ba Tung) như anh cả.
Ông đã chỉ huy đồng đội lần lượt hạ gục hàng trăm tên cướp lẫy lừng như Võ Tùng Hội (trùm cướp ngân hàng), Điền Khắc Kim (tướng cướp cô đơn), Tín Mã Nàm (vua hắc đạo người Hoa Chợ Lớn), Phạm Bá Y (trùm heroin khu Xóm Đạo - hẻm Cháo Lòng, quận 1, người đã tổ chức cho hai em ruột là Ba Tiến và Xã Xệ bắn hạ đối thủ vua cocain Sơn Đảo - tức tướng cướp giỏi võ Vũ Đình Khánh trước vũ trường Crystal, quận 1 vào cuối tháng 1-1975), Tiêu “mù” (hung thần lựu đạn trên đường phố)...
Ba Tung cũng là người trinh sát tài ba và quả cảm, góp nhiều công lao trong việc chỉ huy khám phá ra các vụ trọng án như vụ ám sát nghệ sĩ Thanh Nga, vụ bắt cóc con trai BS Lã Hỷ, vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương, vụ giải cứu 11 em bé bị bọn cướp bắt cóc đem lên giam giữ tại Lâm Đồng... Nhỏ con nhưng lanh lẹ, giỏi võ, chính ông là người đã lao vào quật ngã, đánh văng súng, khóa tay tên cướp lừng danh Võ Tùng Hội.
Vụ án phá băng bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắn chết nghệ sĩ Thanh Nga, bắt con BS Lã Hỷ là nội dung chính của Hồ sơ chưa kết thúc; bẻ nanh vuốt Phạm Bá Y thành chất liệu cho ra đời Sống để đời yêu (đều của nhà văn Phùng Thiên Tân). Cuộc đối đầu dai dẳng với băng đảng Tín Mã Nàm thành chất liệu để Võ Duy Linh viết Đằng sau một số phận, soạn giả Đăng Minh soạn vở cải lương Vụ án Mã Ngưu.
Chưa kể bóng dáng ông còn phảng phất hoặc xuất hiện đĩnh đạc trong hàng chục bộ phim hình sự nhiều thời, hàng trăm bài báo đến hôm nay và vẫn còn chưa dứt.
Về hưu với quân hàm đại tá
Khi tên tuổi đang hồi lẫy lừng thì đột nhiên những hào quang vụt tắt. Cuối năm 1989, đang là trưởng Phòng CSHS Công an TP.HCM, ông đã bất ngờ dính vào vụ án Đường Sơn quán. Trên khoảng rừng cao su nằm bên xa lộ Đại Hàn, bây giờ là Khu chế xuất Linh Trung, má mì Lê Thị Thanh Xuân đã thiết lập nên một quán nhậu kiêm bản doanh một đường dây sex-tour cao cấp.
Thỉnh thoảng ông Ba Tung cũng được một số bạn bè, quan chức huyện Thủ Đức mời đến Đường Sơn quán ăn nhậu. Và mọi sự cũng chỉ dừng bên chén rượu được ngân dài bằng vài ba bản ca tài tử. Về sau này, hành vi tụ tập ăn nhậu cuối tuần như thế chỉ được xem như sinh hoạt bình thường, cùng lắm thì ăn uống ở chỗ nhạy cảm cũng chỉ bị xem hơi bất thường một chút.
Nhưng ở thời điểm 30 năm trước, những thông tin đó khi được tuồn ra một cách cố ý, lại bị thổi lên tạo ra một sự bàng hoàng trong dư luận. Ông Ba Tung trở thành tâm điểm, bị một bài báo điều tra gán cho tội sinh hoạt hủ bại, ăn chơi sa đọa, thậm chí câu kết hoặc bảo kê cho đường dây sex-tour. Đời ông đột nhiên mất hết, tan nát hết...
Nhưng anh em, bạn bè, đồng đội và những ai có lương tâm thì đều hiểu, đều thương ông. Ngành công an vẫn ghi nhận công lao to lớn, năng lực đánh án thượng thừa của ông, vẫn giữ ông ở lại. Ông trở thành một chuyên viên của C14 (Cục CSHS), lặng lẽ tiếp tục giúp công an nhiều tỉnh, thành phía Nam phá nhiều vụ án lớn, phá rã nhiều băng nhóm giang hồ, tội phạm chuyên nghiệp.
Vụ cuối cùng ông tham gia với vai trò tham mưu chỉ đạo phá băng cướp, trộm đường sông liên tỉnh từ Long An đến Cà Mau vào năm 2003. Không lâu sau đó, ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
“Hãy quên và tha thứ...” Rời TP.HCM nơi lưu dấu quá nhiều kỷ niệm vinh quang và cay đắng, ông nhiều lần rút sâu về những thẻo rẫy xa khuất ở Ninh Thuận, Bình Thuận rồi Bà Rịa-Vũng Tàu, có khi lại là đoạn đèo heo hút giữa Lâm Đồng và Đồng Nai an phận nuôi dê, chăn cừu, lánh nơi ồn ã, sống như một ẩn sĩ.
Nhưng không ẩn được. Cố tật không bỏ, ông thích nhậu, uống như hũ chìm. Người say thì cừu chết. Ông kệ, dành thời gian túy lúy tìm quên. Ai thân, có hỏi thăm chuyện cũ, ông đều khoát tay: “Thôi, hãy quên, hãy tha thứ chuyện của người khác. Nhưng đừng quên, đừng tha thứ bất cứ chuyện gì của chính mình”. Ngày 29-6-2020, ông nhắm mắt, vĩnh viễn quên tất cả. Nhưng sẽ còn rất nhiều điều về ông mà người ở lại có muốn quên cũng sẽ không quên được... |