Đại tá Trần Thanh Trà: CSGT ra đường không chỉ chăm chăm xử phạt

Liên tiếp trên nhiều số báo, Pháp Luật TP.HCM phản ánh những hình ảnh và cách cư xử đẹp của lực lượng CSGT. Bạn đọc đòi hỏi những hình ảnh đó phải thường xuyên xuất hiện trong đời sống hằng ngày và họ hiến kế để hình ảnh CSGT đẹp lên như bản chất của lực lượng Công an nhân dân.

“Tôi vẫn nghe đây đó phản ánh là vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, mất văn hóa trong lực lượng CSGT nhưng hiện nay phản ánh đó ít đi so với những lời khen”. Chiều 24-7, Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, cho biết như trên quanh việc xây dựng hình ảnh người CSGT ngày càng đẹp hơn trong mắt người dân.

Răn đe đến từng chiến sĩ

. Phóng viên: Thời gian gần đây hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của lực lượng CSGT tại TP.HCM giảm so với trước, ông đánh giá thế nào về tín hiệu đáng mừng này, thưa ông?

+ Đại tá Trần Thanh Trà (ảnh): Đây là kết quả của việc tăng cường các tổ điều lệnh, thanh tra công khai và bí mật, giám sát hoạt động của lực lượng CSGT. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, lực lượng chức năng kiểm tra xử lý ngay. Những hành vi không nghiêm trọng, anh em lập biên bản, đồng thời mời ban chỉ huy đội của chiến sĩ đó lên chấn chỉnh.

Nói thêm ngoài lề, trước đây người vi phạm có hành vi, thái độ cự cãi, chống người thi hành công vụ, dư luận phản ánh có một số đối tượng bên ngoài hỗ trợ CSGT. Về hiện tượng này, ban chỉ huy phòng đã mời từng cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy tất cả đội phải cam kết không để tình trạng này xảy ra. Nếu bị khiếu nại, tố cáo thì trước mắt phải điều ngay khỏi lực lượng tuần tra. Sau khi quán triệt, từ ban chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ các đội đều phải cam kết thực hiện nghiêm.

. Để hình ảnh người CSGT ngày càng đẹp hơn trong mắt người dân, phòng CSGT đã có những chương trình gì cụ thể, thưa ông?

+ Chủ trương của phòng CSGT là cố gắng hết sức xây dựng hình ảnh đẹp của người CSGT trên tất cả các mặt. Ban chỉ huy phòng thường xuyên mời hết các lực lượng tuần tra kiểm soát để chỉ ra những cái làm được và những mặt còn tồn tại, hạn chế với yêu cầu phải khắc phục ngay, đồng thời nhân rộng những cái người dân khen. Do đó tỉ lệ sai phạm lặt vặt kéo giảm, không còn những phản ánh về việc cự cãi đánh người.

Cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Cát Lái cứu giúp người dân bị tai nạn giao thông. Ảnh: H.TUYẾT

Chúng tôi xác định điều quan trọng đầu tiên là nâng cao văn hóa ứng xử. Khi điều hòa giao thông, phải hạn chế thấp nhất xử lý vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm là nguy hiểm hoặc cố ý.

Chúng tôi quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ là khi nhận nhiệm vụ phải thực hiện bất kể mưa nắng. Khi trời mưa vẫn phải mặc áo mưa làm nhiệm vụ, nếu tổ điều lệnh phát hiện CSGT trốn mưa trong nhà dân sẽ lập biên bản, kiểm điểm, xử lý ngay. Khi xảy ra tai nạn, CSGT dù không phải địa bàn của mình vẫn phải có mặt kịp thời, cấp cứu ngay người bị nạn, bảo vệ tài sản cho nạn nhân.

Khen thưởng kịp thời để nhân rộng gương tốt

. Kết quả của những giải pháp trên như thế nào?

+ Có ba điều làm được mà người dân đánh giá cao là lực lượng CSGT giải quyết có tình có lý, hướng dẫn người dân tận tình, cứu người bị tai nạn giao thông tham gia công tác phòng, chống tội phạm rất quyết liệt.

Mỗi vụ việc chiến sĩ tham gia bắt tội phạm đều được khen đột xuất; gương liêm khiết không nhận hối lộ đã trở thành phong trào… được khen thưởng kịp thời nên anh em rất hãnh diện, hăng say tham gia phong trào người tốt việc tốt. Từ đầu năm đến nay có 52 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia bắt 18 vụ, 24 kẻ cướp giật… Có nhiều gương rất dũng cảm, như đồng chí Trương Tấn Thương, cán bộ Đội CSGT Phú Lâm, bắt rất nhiều vụ cướp, buôn lậu… từng nhảy xuống sông Sài Gòn bắt cướp, mới đây vật lộn với tội phạm nhiễm HIV.

. Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước mời chuyên gia tâm lý dạy văn hóa ứng xử cho CSGT. Ông đánh giá sao về hiệu quả các lớp tập huấn đó?

+ Mỗi năm chúng tôi mời chuyên gia tâm lý dạy về văn hóa ứng xử đề nghị 2-3 lần kết hợp với ban chỉ huy phòng trực tiếp đưa ra những tình huống thực tế tại lớp học đã tạo hiệu ứng tốt. Tôi căn dặn các chiến sĩ không phải ra đường chăm chăm xử phạt mà cái chính là làm sao nâng cao ý thức và văn hóa để người dân chấp hành. Việc xử phạt tập trung vào những hành vi cố ý có thể dẫn đến tai nạn giao thông còn người dân ở nơi khác đến lúng túng, không biết đường… thì không xử phạt mà nhắc nhở, hướng dẫn cho người ta đi đúng. Một lần như thế gấp mười lần xử phạt, hiệu quả sẽ cao. Còn đối với người cố ý vi phạm phải cương quyết nhưng có văn hóa, dựa trên pháp luật. Hiện chúng tôi đang từng bước trang bị camera, nhằm ghi âm, ghi hình người vi phạm, đồng thời giám sát lại lực lượng thi hành công vụ.

“Quan trọng là bảo vệ tính mạng, tài sản của dân”

. Có tình huống người vi phạm cự cãi, chống, đối, lực lượng CSGT phản ứng lại sẽ tạo hình ảnh xấu, ông có nhắn nhủ gì với các chiến sĩ?

+ Đối với những trường hợp vi phạm bị dừng phương tiện mà tìm mọi cách đối phó, chúng tôi quán triệt đến anh em là phải hết sức bình tĩnh giải thích lỗi vi phạm, không cự cãi với người dân. Phải xác định nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, nâng cao ý thức trong giao thông. Nếu người vi phạm chống đối thì lập biên bản, công an địa phương, người dân ủng hộ. Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, văn hóa ứng xử của người thi hành công vụ. Thậm chí đối với những trường hợp say xỉn, tôi quán triệt anh em là mình cứ “đầu hàng” đi, cứ nghe người ta chửi bới gì đó và ghi hình, ghi âm lại. Khi họ tỉnh lại thì cho họ xem để họ nhận ra cái sai của mình, người ta mới phục.

. Theo ông, người dân ứng xử ra sao khi bị CSGT thổi phạt?

+ Tôi kêu gọi người dân chấp hành luật giao thông, không để xảy ra vi phạm, trước tiên là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Ngoài ra, tôi mong rằng khi bị xử lý vi phạm, người dân không chống đối CSGT, không dùng tiền mua chuộc chiến sĩ để bỏ qua lỗi vi phạm. Điều đó sẽ góp phần xây dựng lực lượng CSGT ngày càng đẹp hơn.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm