Huyện Ea Súp là địa phương có số dự án chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su bị thu hồi nhiều nhất với 10 dự án. Kế đến là huyện Ea H’Leo có sáu dự án với trên 8.000ha rừng có kế hoạch chuyển đổi sang trồng cao su bị thu hồi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, các dự án trên bị thu hồi do các doanh nghiệp triển khai dự án quá chậm, công tác quản lý bảo vệ rừng trong vùng dự án chưa tốt dẫn đến tình trạng để người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Nhiều dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su nằm trên địa bàn các xã Ea Bung, Ia R’vê, Cư M’Lan (huyện Ea Súp) sau khi được tỉnh giao đất, giao rừng, các doanh nghiệp vẫn để người dân tự ý vào khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng xâm canh trái phép, đòi đền bù gây khiếu kiện phức tạp; thậm chí có doanh nghiệp lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su để sang nhượng, mua bán dự án trái pháp luật.
Tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện của các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, trồng rừng. Khi phát hiện doanh nghiệp nào có sai phạm, thực hiện dự án không hiệu quả, có biểu hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, tùy theo mức độ vi phạm, tỉnh kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất dự án theo đúng quy định.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, trồng rừng, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã trồng mới trên 7.235ha cao su, 7.695ha rừng tập trung và 560ha cây ăn quả chất lượng cao, bông vải. Các doanh nghiệp cũng đã tuyển dụng được trên 3.000 lao động là đồng bào các dân tộc tại địa phương vào làm công nhân cho các đơn vị.
Theo Quang Huy (TTXVN)