Bà Nguyễn Thị Tùng phản ánh: Vợ chồng bà có phần đất khoảng 8.500 m2 (trong đó 1.800 m2 là đất thổ cư) tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, Long An. Đây là nơi sinh sống của vợ chồng bà và chín người con từ lâu. Năm 2004, chồng bà chết, bà và các con tiếp tục sống trên phần đất này.
Không bố trí tái định cư cho 33 nhân khẩu
Năm 2007, Công ty TNHH Hải Sơn (gọi là Công ty Hải Sơn) thực hiện dự án cụm công nghiệp Long Thượng nên UBND huyện thu hồi của gia đình bà 7.817 m2, trong đó có 1.434 m2 đất ở.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2014 UBND huyện mới áp giá bồi thường đất cho gia đình nhưng không bố trí nền tái định cư (TĐC) và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Trong khi đó dự án ban đầu đã chuyển đổi thành khu dân cư thương mại. Ngoài ra, Công ty Hải Sơn cũng đã chuyển nhượng gần hết nền đất tại dự án cho Công ty cổ phần Địa ốc Thắng Lợi (gọi là Công ty Thắng Lợi).
Mẹ con bà Tùng trước khu nhà đất mà cả gia đình đã sinh sống nhiều năm qua, hiện đã có quyết định thu hồi. Ảnh: YC
Tại biên bản làm việc năm 2018, UBND huyện và Công ty Hải Sơn từng thống nhất bồi thường cho gia đình bà Tùng 15 tỉ đồng, bán cho sáu nền TĐC và sẽ tạo điều kiện để chuyển sang đất ở 600 m2. Tuy nhiên, sau đó trong quyết định bồi thường UBND huyện chỉ ghi nhận bồi thường hơn 21 tỉ đồng mà không có nền đất TĐC nên gia đình bà Tùng không đồng ý.
Theo bà Tùng, gia đình bà có 10 cặp vợ chồng với 33 nhân khẩu, sinh sống trên đất hơn 40 năm nay, không có chỗ ở khác, không có việc làm ổn định. UBND huyện thu hồi đất làm dự án nhà ở nhưng lại chỉ bồi thường tiền, không bố trí nền TĐC cho gia đình bà để ổn định cuộc sống là không thỏa đáng.
Về số tiền bồi thường, theo bà Tùng, từ năm 2014 đến năm 2020, UBND huyện thay đổi đến bốn lần từ hơn 4,7 tỉ lên hơn 21 tỉ đồng nhưng không theo giá thị trường. Đến nay khi chưa giải quyết xong việc bồi thường thì UBND huyện đã cho chủ đầu tư đổ đất, lấn sang đất của gia đình dù cả gia đình bà vẫn đang sinh sống tại đây…
UBND huyện nói gì?
Để làm rõ vụ việc, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ UBND huyện Cần Giuộc và ngày 2-2, cơ quan này có văn bản phản hồi.
Theo UBND huyện, Công ty Hải Sơn thực hiện dự án theo chủ trương của UBND tỉnh theo quy hoạch là ba dự án: Cụm công nghiệp Long Thượng; khu dân cư - TĐC và nhà ở công nhân, khu dân cư - TĐC, chứ không phải là chuyển từ mục tiêu cụm công nghiệp sang nhà ở thương mại.
Công ty Hải Sơn được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án sau khi đất đã được UBND huyện quyết định thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, theo UBND huyện, đây không phải là trường hợp chủ đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Về câu hỏi vì sao diện tích đất thực tế của gia đình bà Tùng là 8.500 m2 nhưng ủy ban chỉ ghi nhận khi thu hồi là 7.817 m2, UBND huyện cho rằng bà Tùng đã gửi đơn kiến nghị về nội dung này. Sau khi đo đạc lại, UBND huyện đã điều chỉnh thu hồi theo đúng diện tích được cấp trên giấy chứng nhận.
Sau đó, UBND xã Long Thượng đến nhà bà Tùng công bố và trao quyết định điều chỉnh, bà Tùng đồng ý và thống nhất với diện tích được điều chỉnh. (Trong khi đó, trao đổi với PV, bà Tùng cho rằng có cán bộ xã đến nhà bà nhưng không có việc bà thống nhất với diện tích được điều chỉnh).
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết
Liên quan đến vụ việc này, ngày 5-1 vừa qua Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND tỉnh Long An. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Long An chỉ đạo kiểm tra nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Tùng, có biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân, không để phát sinh khiếu kiện phức tạp về an ninh trật tự. UBND tỉnh phải báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 3-3.
Tiếp đó, ngày 26-1, chủ tịch UBND tỉnh Long An có văn bản gửi chánh Thanh tra tỉnh đề nghị kiểm ra nội dung đơn, tham mưu chủ tịch UBND tỉnh giải quyết theo quy định và báo cáo Văn phòng Chính phủ, Thường trực HĐND tỉnh.
Sau đó, gia đình bà Tùng có làm đơn trình bày cụ thể, chi tiết những sai phạm của dự án gửi chánh Thanh tra tỉnh. Theo đó, gia đình bà đề nghị thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với Công ty Hải Sơn về việc thực hiện dự án, điều chỉnh mục tiêu; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và cưỡng chế của UBND huyện Cần Giuộc. Trong đơn này bà Tùng còn đề cập đến việc chuyển nhượng dự án, mua bán chuyển nhượng nền đất của Công ty Hải Sơn và Công ty Thắng Lợi...
Giải thích về việc có sự chênh lệnh về giá bồi thường, UBND huyện cho rằng đã phê duyệt, điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho hộ bà Tùng ba lần. Cụ thể, phương án năm 2007 số tiền bồi thường là 965.646.881 đồng và được mua bốn nền TĐC; phương án năm 2014 số tiền bồi thường là 5.548.716.574 đồng và được mua lại một lô nền TĐC; phương án năm 2019 số tiền bồi thường là 21.369.076.574 đồng và được mua lại một lô nền TĐC. Đồng thời, đơn giá bồi thường về đất được đơn vị tư vấn thẩm định giá độc lập khảo sát, đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND huyện xác nhận việc ngày 26-10-2018, UBND huyện cùng với các ban ngành và Công ty Hải Sơn có buổi tiếp xúc, vận động với hộ bà Tùng. Theo đó có thống nhất sẽ xem xét giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho bà Tùng 15 tỉ đồng và bán cho bà Tùng sáu lô nền TĐC. Đồng thời, chính quyền tạo điều kiện cho bà Tùng chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở 600 m2 với điều kiện là bà Tùng đồng ý nhận bồi thường, bàn giao đất trước ngày 2-11-2018 và đề nghị bà Tùng phản hồi. Nếu hộ bà Tùng không nhận bồi thường thì chỉ được nhận đúng số tiền theo phương án được duyệt. Tuy nhiên, đến hết ngày 2-11-2018, gia đình bà Tùng vẫn không có ý kiến phản hồi.
Về câu hỏi Công ty Hải Sơn đã chuyển nhượng dự án đúng quy định chưa mà Công ty Thắng Lợi được rao bán nền đất thì UBND huyện không trả lời. Cơ quan này chỉ thông tin rằng Công ty Hải Sơn đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng năm khu và đang thực hiện thủ tục để được tách thửa tại các khu vực này. Hiện nay, dự án còn lại 13 hộ, diện tích 4,4 ha chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất; huyện, xã đang tập trung vận động.
Cũng theo UBND huyện, việc tập kết cát trên phần đất đã bồi thường và công ty được UBND tỉnh giao đất không thuộc phần đất của gia đình bà Tùng. UBND huyện sẽ giao cơ quan chuyên môn thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tiếp tục vận động, thuyết phục. Trường hợp gia đình bà Tùng vẫn không chấp nhận thì sẽ tổ chức cưỡng chế.
Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ UBND tỉnh Long An để tìm hiểu sự việc. Ngày 20-1, UBND tỉnh có văn bản giao sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan trả lời cho báo.
Công ty Hải Sơn chưa được giao đất
Ngày 13-1, PV đến Công ty Hải Sơn nhưng chỉ trao đổi được với ông Trịnh Văn Hải (Giám đốc Công ty Hải Sơn) qua điện thoại. Ông Hải cho rằng hiện nay sổ đỏ khu đất vẫn thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Tùng, đất vẫn nguyên hiện trạng, Công ty Hải Sơn chưa được Nhà nước giao đất. Đại diện công ty cho rằng việc thu hồi và giao đất cho công ty là của cơ quan chức năng; việc thu hồi, bồi thường thì các cơ quan nhà nước sẽ trả lời với báo.
Về lý do tại sao biên bản năm 2018, chủ đầu tư đồng ý bồi thường, hỗ trợ hơn 15 tỉ đồng và bán cho gia đình bà Tùng sáu lô nền TĐC nhưng nay chỉ có một nền, công ty cho rằng do bà Tùng không đồng ý, nay theo chính sách năm 2019 thì mọi người đều như nhau, chỉ được một lô nền và tiền bồi thường. Về việc chuyển nhượng đất dự án cho Công ty Thắng Lợi thì đại diện công ty này không trả lời, đề nghị PV đến hỏi các cơ quan nhà nước.
Chúng tôi cũng đã liên hệ Công ty Thắng Lợi để tìm hiểu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.