Dân về quê ăn tết: Nhiều nơi vẫn e dè

Còn một tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2022, vấn đề người dân từ các nơi về miền Trung phải tuân theo những quy định nào, cách làm của mỗi tỉnh ra sao… đang được những người con xa quê hết sức quan tâm.

Đà Nẵng và Quảng Ngãi nhẹ nhàng

Chiều 3-1, trao đổi với PV, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Hà Nam cho hay trong dịp tết Nguyên đán 2022, Đà Nẵng vẫn căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ để có những biện pháp phù hợp đối với những người dân xa quê, người địa phương khác đến Đà Nẵng đón tết.

Đến thời điểm này, cũng như một số địa phương khác, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch triển khai cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và nơi lưu trú. Riêng đối với các F1, F2, từ lâu TP Đà Nẵng cũng đã cho tổ chức cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà bảy ngày. Việc đi lại và người dân từ các địa phương khác tới Đà Nẵng diễn ra thuận lợi, tuân thủ quy định phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và không có gì trở ngại.

Dân về quê ăn tết: Nhiều nơi vẫn e dè ảnh 2

Đà Nẵng đã mở cửa đón khách đến du lịch TP vào dịp tết Dương lịch 2022, công tác phòng chống dịch của TP cũng đang dần linh hoạt hơn.
Ảnh: BÙI TOÀN

Đặc biệt, dịp tết này cũng là thời điểm TP Đà Nẵng mở cửa các đường bay nội địa đón du khách đến với TP. Do đó, không chỉ du khách mà người dân xa quê đều có thể về quê ăn tết sum vầy bên gia đình khi đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết đối với người đến/về từ các tỉnh, TP có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và vùng cam, vùng đỏ (ngoài các tỉnh nêu trên) chưa tiêm đủ liều vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú bảy ngày và tự theo dõi sức khỏe bảy ngày tiếp theo.

Những người đã tiêm đủ liều vaccine tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú bảy ngày. Tất cả trường hợp trên buộc phải xét nghiệm RT-PCR vào ngày đầu tiên khi đến Quảng Ngãi.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi cũng áp dụng biện pháp cách ly F1 và cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà tùy vào điều kiện của từng gia đình.

“Ngành y tế sẽ xác định tình trạng bệnh F0. Nếu F0 không có triệu chứng, gia đình có phòng ốc để cách ly hoặc cả gia đình là F0 sẽ được cách ly ngay tại nhà. Đối với trường hợp F0 có triệu chứng hoặc điều kiện cách ly không đảm bảo sẽ được cách ly, điều trị tại cơ sở do tỉnh bố trí” - ông Đức nói.

Người dân về miền Tây đón tết tuân thủ 5K

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết đối với công dân của Cần Thơ đang làm ăn ở các tỉnh, thành trở về quê Cần Thơ ăn tết, ông Hiển cho biết TP không có rào cản gì hết. Người dân về quê thì thực hiện 5K và báo với y tế địa phương chứ không có cách ly gì; về thì thực hiện test nhanh chứ không test PCR, nếu là F0 mà đủ điều kiện thì thực hiện cách ly tại nhà, không thì cách ly tập trung, còn F1 thì cho cách ly tại nhà luôn.

Theo ông Hiển, tình hình dịch bệnh của TP gần đây ghi nhận chỉ hơn 200 ca/ngày, “nói chung tình hình y tế kiểm soát được”. Số giường bệnh tầng 1, 2 còn dư; tầng 3 (bệnh nặng) cao, các bệnh viện phải cố gắng gồng thêm hết công suất.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khuyến cáo người dân về vui xuân đón tết thì cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không tụ tập đông người, thực hiện biện pháp 5K nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng, nhất là trước sự lây lan nhanh của biến chủng mới.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ tết Nguyên đán là dịp sum vầy của bà con sau một năm xa nhà, tỉnh không có chủ trương hạn chế người dân về quê.

Tuy nhiên, để đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả: “Bà con nên thực hiện xét nghiệm, nếu sức khỏe tốt thì an tâm hơn, còn nếu có phát hiện bệnh thì có hướng xử lý cho phù hợp, hạn chế thấp nhất lây lan cho gia đình, cho cộng đồng. Về cơ bản, tỉnh khuyến cáo người dân nên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 (tuân thủ 5K, hạn chế tập trung đông người…) thật tốt để có một mùa xuân an toàn, vui vẻ với gia đình” - ông Đồng Văn Thanh khuyến cáo.

T.DUNG - A.HÀO - H.DƯƠNG 

Quảng Nam, Quảng Trị, Huế thì sao?

Tại Quảng Nam, trong chỉ thị tổ chức tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa được ban hành có nội dung vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh trong dịp tết đã gây một số tranh cãi. Có ý kiến thắc mắc, vì sao khách du lịch đến thì tỉnh khuyến khích, tổ chức đón đưa, tặng hoa…, còn dân mình thì vận động đừng về quê.

Lý giải vấn đề trên với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay tỉnh không cấm người dân ở xa về quê ăn tết.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang còn phức tạp, nguy cơ lây lan cao trong dịp tết nếu không kiểm soát tốt và nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch của người dân. Chính vì vậy, dịp tết bà con về quê là bình thường, chỉ khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế nếu không thực sự cần thiết, chứ không cấm. Điều này là tỉnh vừa chủ động thực hiện phòng chống dịch vừa tạo yên tâm cho bà con đón tết yên vui.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly tại nhà hoặc tập trung đối với người về từ các vùng (xanh, vàng, cam, đỏ) tùy theo tình trạng tiêm vaccine. Trong đó, thời gian cách ly dài nhất là 14 ngày, ngắn nhất bảy ngày hoặc không cách ly đối với từng trường hợp cụ thể.

Tại Quảng Trị, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh sẽ tiếp tục cách ly tại nhà bảy ngày và tự theo dõi sức khỏe tiếp bảy ngày đối với người về từ vùng vàng (cấp độ 2) khi chưa tiêm đủ vaccine và người từ vùng cam (cấp độ 3) khi đã tiêm đủ vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Còn người ở vùng cam (cấp độ 3) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vaccine và người từ vùng đỏ (cấp độ 4) khi tiêm đủ vaccine sẽ phải cách ly tập trung bảy ngày, cách ly tại nhà bảy ngày kể từ ngày về địa phương. Riêng người từ vùng đỏ đã khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 14 ngày. Người chưa tiêm đủ vaccine sẽ cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết hiện nay, người dân về quê ăn tết sẽ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. “Chỉ có trường hợp vùng đỏ là còn áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú” - ông Phương nói.

Cụ thể, tại Thừa Thiên-Huế, người về từ các địa phương vùng xanh sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà tối thiểu bảy ngày. Người về từ các địa phương vùng vàng (cấp độ 2) sẽ thực hiện giám sát y tế tại nhà bảy ngày (nếu chưa tiêm vaccine) hoặc tự theo dõi sức khỏe tại nhà (đã tiêm đủ vaccine hoặc công bố khỏi bệnh trong vòng sáu tháng).•

 

Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên: Tiêm đủ thì đến,
tuân thủ 5K

Chiều 3-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa cho biết người từ các tỉnh, thành khác trên cả nước về Khánh Hòa du lịch, công tác, lưu trú phải tuân thủ khai báo y tế, thực hiện 5K và tiêm đầy đủ vaccine để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Chiều cùng ngày, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho hay tỉnh không có quy định cách ly hay hạn chế đi lại đối với tất cả mọi người đến tỉnh này. Ngành y tế tỉnh Bình Định chỉ yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm túc 5K để phòng dịch.

Tương tự, một lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cho hay tất cả mọi người đến tỉnh này đều được đi lại, sinh hoạt bình thường, không có sự phân biệt hay hạn chế. Tỉnh yêu cầu mọi người tuân thủ 5K để phòng dịch.

TẤN LỘC - CÔNG NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm