Trong 251 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, một số ca mới ghi nhận gần đây bắt đầu cho thấy sự phức tạp khi cơ quan y tế chưa thể xác định ngay được nguồn lây nhiễm. Điển hình như bệnh nhân số 243 (ca bệnh có dịch tễ phức tạp nhất Hà Nội), bệnh nhân số 247 (ca bệnh tại Đồng Nai), hoặc bệnh nhân số 251 (ca bệnh có dịch tễ phức tạp nhất Hà Nam).
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 ngày 8-4, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng với việc chưa xác định được nguồn lây nhiễm của các ca bệnh chứng tỏ có sự lây lan trong cộng đồng.
Cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19. Ảnh: VGP
Theo ông Phu, một số ý kiến “quy ngay” nguồn lây nhiễm của những ca bệnh mới liên quan đến các ổ dịch cũ, đơn cử như bệnh nhân số 243 được cho là lây từ ổ dịch BV Bạch Mai. Tuy nhiên, phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ BV mà từ cộng đồng.
Ông dẫn kết quả xét nghiệm kháng thể của bệnh nhân 243 cho thấy người này mới bị lây nhiễm để chứng minh cho giả thiết trên. Cùng với đó, dịch tễ cũng khẳng định bệnh nhân đã di chuyển nhiều nơi, nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây là từ cộng đồng.
“Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ” - ông Phu nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông đề nghị quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời.
Nhấn mạnh vấn đề này, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng Việt Nam phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng.
Lý do, trước 0 giờ ngày 22-3 (thời điểm Việt Nam tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài), chúng ta vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 251 trường hợp nhiễm bệnh có tới 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%), 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).
Do đó, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TP.HCM), BV Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, Việt Nam không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng phải kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị.
Đặc biệt trong giai đoạn này, cơ quan chức năng cần rất chú ý đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0) để tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2.