Vượt hàng nghìn cây số, xuyên qua các đợt bùng dịch COVID-19, vắt từ năm 2021 sang năm 2022, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo điện tử Dân Việt) cùng các cộng sự đã phơi bày chân dung tội ác của Huỳnh Đắc Cường với những dấu hiệu nghiêm trọng về lạm dụng, tấn công tình dục, lây truyền HIV/AIDS sang trẻ em nam và không ít thanh thiếu niên khác.
Nhân dịp này, PLO có buổi trò chuyện với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về những câu chuyện đằng sau mặt báo của loạt phóng sự điều tra này.
Tôi sốc khi nhận được thông tin
. Phóng viên: Những chi tiết trong loạt bài Rượt đuổi "Quỷ ấu dâm" - hành trình trong nước mắt đang gây “rúng động” dư luận với sự căm phẫn bởi tội ác của đối tượng Huỳnh Đắc Cường. Thông tin ban đầu đến với anh như thế nào ?
+ Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi có thông tin từ một người quan tâm đặc biệt đến số phận trẻ em thiệt thòi bị lạm dụng tình dục. Trước, tôi làm nhiều loạt phóng sự điều tra về những người ngoại quốc đến Việt Nam và dụ dỗ các bé trai quan hệ tình dục. Trong vụ đó, gần chục đối tượng đã đi ở tù, tôi được mời sang nói chuyện rồi gửi tư liệu tới Công an Hà Nội, tới Cục Trẻ em, tiếp đó Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có công văn chỉ đạo xử lý và cuối cùng là các phiên tòa đã diễn ra sau đó.
. Khi đón nhận thông tin đó, phản ứng của anh là gì ?
+ Nhận tin, tôi sốc, dù chưa vội tin ngay. Đối tượng (tôi tin là các đối tượng chứ không phải một) đã dụ dỗ, lừa mị, quan hệ tình dục với nhiều bé trai, nam thanh niên trẻ bằng các cách bệnh hoạn nhất và lây HIV cho không ít người trong số đó.
. Như anh đã đề cập trong loạt bài, từ khi tiếp nhận thông tin đến khi có được sản phẩm trên mặt báo, anh và cộng sự đã mất rất nhiều thời gian để điều tra và kể cả thuyết phục các nạn nhân lên tiếng tố cáo, hành trình đó diễn ra như thế nào?
+ Tôi đã viết trên báo rằng đó là cái suy nghĩ tôi bật ra khi đang khóc với các bạn nhỏ. Ấy là: khi đã điều tra và mục sở thị ngần ấy chuyện đau buồn, ngần ấy thân phận rồi, thì viết báo hay không viết báo về vụ việc đó, với tôi không còn là thứ quan trọng nữa. Cái quan trọng nhất là… tóm cổ đối tượng, ngăn chặn hành vi vi phạm của nó, tránh lây lan nỗi đau ra cộng đồng. Lần đầu tiên tôi “thả” cảm xúc vào bài viết đến mức đó.
Tôi phối hợp với các bên, lăn lộn mưa nắng, “đấu trí” và dùng mọi cách để thuyết phục các nạn nhân nói ra sự thật, hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý vấn đề. Bắt đối tượng, khởi tố vụ việc, mở rộng điều tra, tổ chức tọa đàm và kiến nghị chính sách để bảo vệ trẻ em. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể làm, kể cả những điều… ngoài trang viết, những điều mà hầu hết người ta cho rằng “không phải là nhiệm vụ của nhà báo”.
"Húc" vào một vụ "xương" đến thế
. Trong quá trình đó, bạn đọc cũng thấy trên mặt báo những cá nhân, tổ chức đã đồng hành cùng anh trong quá trình điều tra, sự tham gia của họ có thể nói là giúp sức cho thành công của loạt bài cũng như vạch trần tội ác, làm thế nào để anh có được sự giúp sức đó?
+ Tôi có một số thành công nho nhỏ ở lĩnh vực làm báo điều tra qua 25 năm làm báo ở nhiều tờ báo khác nhau. Tôi nghĩ, đó là một thứ ít nhiều tạo niềm tin với các tổ chức NGOs, rồi các đồng chí công an, các anh chị ở Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).
. Nhưng dù có sự giúp sức, việc điều tra đến vạch trần chân dung “Quỷ dâm ô” cũng không hề đơn giản ?
+ Đúng vậy. Thật sự, lần đầu tiên tôi “húc” vào một vụ “xương” đến thế này. Vì đối tượng rất ranh mãnh, mạng xã hội mà hắn tham gia để lừa dụ trẻ em quan hệ tình dục, tình dục tập thể, rồi lây HIV cho họ là mạng Blued, mạng đó tôi chưa từng nghe tên. Đấy là chưa kể, ứng dụng hắn dùng không cho… chụp màn hình làm bằng chứng. Thêm nữa, dịch đang gây mệt mỏi, hoang mang, nguồn tin, nạn nhân đều không muốn gặp chúng tôi.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một lần gặp gỡ các nạn nhân. Ảnh: Dân Việt
. Và rồi anh và cộng sự đã phải làm thế nào để làm để hóa giải những khó khăn, thử thách đó ?
+ Cực chẳng đã, tôi và một bạn bên một tổ chức NGOs đã phải bàn kế: mua máy điện thoại thông minh, sử dụng chức năng quay phim chụp ảnh của máy ấy để… thu thập bằng chứng về “tội ác” của Huỳnh Đắc Cường.
Một bạn trẻ lập tài khoản Blued, kết bạn với Huỳnh Đắc Cường, đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Những lần hắn “tâm sự” về cái tài dụ dỗ trẻ em nam quan hệ tình dục từ năm lớp 7 (mới 14 tuổi) ngoài bụi tre, đầu cầu, gốc cây, đường tàu ra sao.
Hắn dùng chất hướng thần, kích dục, dụ dỗ các cháu quan hệ tình dục tập thể rồi gọi thêm “người của chúng tôi” đi “vui vẻ” ra sao. Chúng tôi đã thực hiện các chuyến điều tra độc lập. Cảm giác đủ tư liệu “kết luận” rồi, đủ video, ảnh, ghi âm, cả các bản kết luận trẻ bị nhiễm HIV từ Cường, lời mô tả nhận diện thủ phạm của các cháu. Có đủ, chúng tôi tiến hành bí mật gặp và ghi hình Cường.
Sau đó, chúng tôi về Hà Nội, tổ chức các cuộc gặp trực tuyến và trực tiếp với lực lượng công an (của Bộ Công an) và của Cục Trẻ em, của tổ chức Rồng Xanh (Blued Dragon) và luật sư Tạ Ngọc Vân.
Sau khi thu thập nghiên cứu tài liệu đã chín muồi, chúng tôi lên đường vào hiện trường lần nữa. Lần này đi với 3 điều tra viên của Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Nam và luật sư Tạ Ngọc Vân-người giám hộ cho nạn nhân nhỏ tuổi…
Nạn nhân nhận diện đối tượng Huỳnh Đắc Cường thông qua bức ảnh. Ảnh: Dân Việt.
Ta cần làm gì để bi kịch này không tiếp diễn?
. Có lúc nào anh cảm thấy bế tắc hoặc có ý định từ bỏ loạt bài này không?
+ Đến tận bây giờ tôi vẫn có cảm giác tuyệt vọng. Vì việc bắt giữ và cứu những đứa trẻ chỉ là cứu phần nổi của tảng băng, chỉ là muối bỏ bể so với sự thật mà tôi biết. Tôi cũng chưa bao giờ bị sức ép lớn như những ngày này, sau liên tiếp các loạt bài điều tra toàn vụ “lần đầu tiên”, “khủng nhất Việt Nam”, “chưa từng có trong lịch sử bảo tồn Việt Nam”, “vụ phá rừng quy mô lớn nhất”, “đường dây buôn hổ xuyên quốc gia”… Họ đã bắn tin, dọa dẫm. Và vụ này tôi cũng bị quá nhiều sự cảnh báo. Tuy nhiên, sức ép lớn nhất, vẫn là: ta cần làm gì để bi kịch này không tiếp diễn?
. Thế rồi điều gì giúp anh vượt qua được những sức ép đó ?
+ Chúng tôi đã mời Cục trưởng Cục trẻ em đến tọa đàm, các đại biểu quốc hội đã lên tiếng, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc và còn ngỏ ý muốn có thư khen ngợi chúng tôi đã giúp địa bàn “thêm trong sạch”.
Chúng tôi trò chuyện với Cục Cảnh sát hình sự, đã là người trong cuộc với các điệp vụ của Tổ chức Bảo vệ trẻ em, làm đến thế cũng là đến tận cùng rồi. Ở góc độ người làm báo, tôi không thể làm gì hơn. Song, ai sẽ là người đảm bảo cho trẻ em một tương lai không có những Huỳnh Đắc Cường và đồng bọn nhe nanh múa vuốt “ăn thịt” chúng? Khó đấy, cần sự vào cuộc tổng thể của xã hội, của các ban ngành đoàn thể, của cả cộng đồng.
Tôi nhớ, trong vài tháng nín thở đưa tư liệu chờ ngày dẫn công an đi điều tra rồi chuyên án lập ra, các trinh sát bắt quả tang đối tượng. Suốt thời gian đó, Cường vẫn liên tục dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục. Tôi biết điều đó, mà không thể làm gì hơn là giục giã cơ quan chức năng. Và, bao nhiêu cháu bị hãm hiếp, lạm dụng rồi bị lây truyền HIV, rồi bị ngắt ngọn cả tương lai vì điều trên? Tôi không biết và rất trăn trở.
Trung tá Đặng Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận 3 - Phòng 5 - Cục Cảnh sát Hình sự (C02) - Bộ Công an làm việc với một nạn nhân 15 tuổi trên địa bàn thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lam Anh
Các cháu bị “bỏ rơi” trong không ít gia đình
. Anh vừa nhắc đến cộng đồng, xã hội và tôi tin có cả gia đình nữa. Đọc loạt bài của anh, tôi có cảm giác rất nhiều nạn nhân đang bị cô đơn trong chính gia đình của mình, và rộng ra là xã hội và cộng đồng. Các cháu bị bơ vơ, hoang mang….
+ Đúng là các cháu bị “bỏ rơi” trong không ít gia đình. Cho phép tôi dùng từ đó. Cháu tự lên mạng xã hội, vào nhóm của người đồng tính, lây lan cái thói quen tình dục đồng giới. Rồi bị dụ dỗ đi nhà nghỉ khi mới học lớp 7, lớp 8, rồi lây HIV. Lúc cháu điều trị HIV rồi, bố mẹ cũng còn chưa biết. Có gia đình biết thì nguyền rủa, kì thị khiến cháu đòi tự tử. Gia đình có lỗi.
Còn xã hội thì có lỗi ở chỗ: rất nhiều khi chúng ta không tạo được môi trường sống đủ trong lành và an toàn để trẻ có thể sống mà không bị lạm dụng, xâm hại. Nói thật là khi cơ quan công an hay các tổ chức điều tra bảo vệ trẻ em hay nhà báo điều tra như tôi vào cuộc được thì… hầu hết đã muộn rồi. Chúng tôi chỉ cất lên tiếng nói thêm một lần cảnh báo, để giảm thiểu các vụ tương tự trong tương lai thôi.
. Còn vai trò của gia đình thì sao, thưa anh ?
+ Cho phép tôi nói sự thật này: tất cả là do gia đình chưa thật sự quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng cách. Do môi trường xã hội chưa đủ trong lành để không có cạm bẫy với trẻ em. Ít ra là qua vụ này tôi thấy rõ thế. Các cháu trốn học đi nhà nghỉ với người lạ để qua hệ tình dục hoặc hẹn họ “khoái lạc”, có ai ép các cháu không? Không. Vào nhà nghỉ rồi, lễ tân thấy “hai ba chú cháu” đi như thế, mà Huỳnh Đắc Cường liên tục liên tục dẫn các cháu vào vài cái nhà nghỉ đó, lễ tân biết rõ lắm chứ. Họ kệ. Các cháu bỏ học đi chơi, quan hệ tình dục đồng giới khá bừa bãi (trừ các cháu bị lừa, nhiều cháu tự tìm đến “ác quỷ”).
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một buổi trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp. Ảnh nhân vật cung cấp.
. Trong khi thực hiện loạt bài và kể cả ngay lúc này, điều gì gây ám ảnh nhất với anh ?
+ Tôi ám ảnh nhất với câu nói của một cháu bé, nạn nhân: Đêm nào cháu cũng nằm mơ thấy địa ngục. Đó là HIV và cái chết. Một bạn trẻ giúp tôi điều tra thì khóc rất lâu rồi mới thổn thức: Anh ơi, nếu giết được cái thằng ác độ (Cường) đó, thì em đã giết rồi. Anh ơi, sao trời không để em bị HIV thay cho cậu bé đó. Chứ 15 tuổi bị HIV thì tương lai của cháu đi về đâu.
. Điều gì khiến anh hài lòng nhất ở loạt bài của mình?
+ Tôi hài lòng vì thủ phạm bị bắt và có thể nhiều thủ phạm nữa sẽ sa lưới, mức án của hắn với đủ loại tội danh gây công phẫn trong xã hội kia sẽ ở mức… cao nhất của khung này. Tôi hài lòng vì ngoài bắt thủ phạm, cứu các nạn nhân cụ thể, gửi tiền của nhà hảo tâm cứu giúp từng cháu…thì chúng tôi còn góp phần truyền cảm hứng cho xã hội: lan tỏa lòng tốt, căm phẫn và loại trừ cái ác, giúp các gia đình nhìn lại cách quản lý và giáo dục con em mình.
Tất nhiên, tôi cũng thấy được an ủi, khi các bộ ngành, UBND tỉnh liên quan có hình thức động viên, khen thưởng, lập hồ sơ trao bằng khen vì đóng góp nho nhỏ cho cộng đồng qua vụ này.
. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Ngày 14-1-2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phê chuẩn Quyết định Khởi tố vụ án, Khởi tố bị can và phê chuẩn lệnh bắt tạm giam với đối tượng Huỳnh Đắc Cường (SN 1980, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), với tội danh Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (theo Điều 145, Bộ Luật Hình sự năm 2015). Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho biết đây là vụ việc gây phẫn nộ, đau đớn trong dư luận, xâm hại nghiêm trọng đến trẻ em, một đối tượng được cả xã hội bảo vệ. |