Nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị khu vực II, về sự quyết liệt của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
ThS Vũ Trung Kiên nói: “Lúc sinh thời, Lênin đã cảnh báo hai nguy cơ của các đảng cộng sản cầm quyền, đó là quan liêu xa rời nhân dân và sai lầm về đường lối. Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh to lớn mà lịch sử đã giao phó; tránh các nguy cơ mà Lênin đã chỉ ra, suốt chiều dài lịch sử của mình, đảng phải luôn tự đấu tranh một cách quyết liệt bằng nhiều phương thức khác nhau để xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đặt lên hàng đầu
. Phóng viên: Thưa ông, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay đã và đang được tiếp tục thế nào?
+ ThS Vũ Trung Kiên (ảnh): Trước những đòi hỏi to lớn từ thực tiễn, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã tiếp tục đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác chỉnh đốn Đảng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Điều đó nhằm củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, đảm bảo Đảng ta ngang tầm với trọng trách lịch sử trong thời kỳ mới. Và thước đo của lòng dân với Đảng chính là ở việc Đảng có ban hành các chủ trương đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hay không và ở đội ngũ đảng viên của Đảng có thật sự gương mẫu.
Nhằm cụ thể hóa điều này, mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) đã ký ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCHTƯ. Tại quy định này nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Đây là quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh đội ngũ của mình, xây dựng hình ảnh Đảng ta trong sạch, liêm chính, phụng sự cho lợi ích của nhân dân, đất nước.
. Theo ông, vì sao trong bối cảnh hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặt ra bức thiết như vậy?
+ Như chúng tôi đã nói trên đây, quyền lực có xu hướng tha hóa. Bởi vậy, có một số đảng viên khi giữ các trọng trách cao trong bộ máy chính quyền đã tha hóa, lợi dụng quyền lực do nhân dân trao cho để trục lợi, tham ô, tham nhũng, bòn rút của công, gặm nhấm và tàn phá đất nước. Hậu quả lớn hơn, khó cân đong, đo đếm từ vấn nạn này là chúng đã gặm nhấm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và bộ máy công quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Ảnh: plo.vn
Rất may và kịp thời, trong bối cảnh đó, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được đặt lên hàng đầu và được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay, trong đó có nhiệm vụ cấp bách của cấp bách là phòng, chống tham nhũng, xử lý các cán bộ, đảng viên sai phạm để làm trong sạch đội ngũ, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu
. Trong năm qua, hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có hàng chục cán bộ cấp cao đã bị đưa ra xử lý. Có thể nói chưa bao giờ điều này được tiến hành một cách mạnh mẽ như vậy. ông có cảm nhận gì?
+ Nhiều người nói rằng cứ mỗi khi xem trên truyền hình, đến phần thông báo các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì lại luôn xen lẫn những tâm trạng đối nghịch nhau: Vui, buồn lẫn lộn. Vui, tin tưởng vì có hàng loạt cán bộ sai phạm, dù ở cấp cao cũng bị xử lý; vui vì Đảng đang thực hiện cam kết chính trị trước nhân dân mình để làm trong sạch đội ngũ. Buồn vì không hiểu sai phạm ở đâu ra mà nhiều như vậy, ung nhọt đã mưng mủ từ khi nào mà tại sao đến bây giờ mới bị phát hiện. Dù có chậm nhưng Đảng quyết liệt xử lý và xử lý tới nơi tới chốn như vậy là đã rất thành tâm chỉnh đốn trước dân.
Quyết khắc phục những sai lầm, khuyết điểm Trong lịch sử phát triển của mình, có nhiều lúc Đảng cũng mắc sai lầm. Thế nhưng trong rất nhiều sự việc cụ thể, thật sự Đảng đã vượt lên chính mình để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm ấy nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Một trong những nhiệm vụ cấp bách mà hiện nay Đảng đang thực hiện rất quyết liệt đó là chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng và quy định về nêu gương. Vậy, cũng có thể xem đây là một lần nữa Đảng lại vượt lên chính mình để hòa cùng nhịp đập của thời đại và củng cố niềm tin của nhân dân. |
Cái mà mọi người, xã hội đang nhìn thấy đó là hàng loạt vị quan chức sai phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu đều bị xử lý kỷ luật. Trước hết, việc xử lý nghiêm minh này truyền đi thông điệp rằng cho dù anh là ai, ở cương vị nào, nếu sai phạm cũng sẽ bị xử lý. Và rằng đã hết cái thời hạ cánh an toàn và bây giờ đã chuyển sang thời kỳ hạ cánh không an toàn và hạ cánh trong lo lắng. Đó không chỉ là việc xử lý hiện nay mà còn là cảnh tỉnh cho tất cả quan chức đương nhiệm.
. Thưa ông, mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCHTƯ đã ký ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCHTƯ. Vấn đề nêu gương này đóng vai trò thế nào trong xây dựng Đảng?
+ Cùng với xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của mình phải gương mẫu.
Một trong những điểm để phân biệt giữa những người lãnh đạo với những người không phải lãnh đạo, đó là người lãnh đạo luôn đi đầu. Đã đi đầu, việc đầu tiên phải dẫn mọi người đi đúng đường, nếu dẫn sai đường là điều vô cùng nguy hiểm. Muốn dẫn người khác đi đúng đường, bản thân anh phải sáng, sáng từ trong đến ngoài và càng trên cao càng phải sáng. Chính vì thế vấn đề nêu gương đối với những đảng viên, cán bộ cấp cao càng trở nên vô cùng quan trọng.
Trước đây Đảng đã có hai quy định chuyên về nội dung này, đó là Quy định 101 và Quy định 55. Tuy nhiên, cả hai quy định này đều đề cập đến đối tượng là cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm nêu gương của ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCHTƯ. Để khắc phục hạn chế này, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCHTƯ. Theo đó, cán bộ, đảng viên, giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Vấn đề còn lại là quy định này phải được thực hiện thật nghiêm túc và khi như thế, niềm tin sẽ được lan tỏa mạnh đối với đảng viên và trên hết là nhân dân.
. Xin cám ơn ông.
Cán bộ, đảng viên phải tu sửa để chan hòa với dân Đã là đảng viên của Đảng, trước hết mỗi đảng viên phải thề trung thành với lý tưởng mà mình tán thành và theo đuổi. Hiến pháp, các quy định của pháp luật đều khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật; mọi tổ chức và đảng viên của Đảng phải chấp hành và tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật dẫu có nghiêm minh tới đâu cũng chỉ xử và trị được cái ác. Muốn cho cái tốt nảy nở, sinh sôi cần xây dựng và bồi dưỡng về mặt đạo đức. Tất cả cán bộ, đảng viên dù giữ chức vụ cao như thế nào thì trước hết họ là một con người. Truyền thống và những quy định của Nho giáo mà Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc dạy mỗi người phải luôn luôn tu sửa mình. Khi đã chỉnh sửa được cái tâm của mình trong sáng, chính trực thì lòng nhân sẽ biểu lộ, đó chính là chính tâm. Chỉ có lòng nhân mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân, mới trăn trở suy nghĩ để “cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Có thành ý, có chính tâm sẽ biết tu thân mà trước hết là giữ bản thân ngay ngắn, sau nữa cư xử với mọi người xung quanh cho phải lẽ. Chỉ có như vậy người cán bộ, đảng viên mới cùng nhịp đập, cùng suy nghĩ trong niềm vui và nỗi đau của người dân, nhất là những người dân oan ức để cùng tìm cách tháo gỡ bế tắc, khó khăn, đem lại công bình cho người dân. ThS Vũ Trung Kiên |
Cảm nhận của người dân Phát huy tinh thần chống tham nhũng không có “vùng cấm” Năm 2018, dư luận xôn xao với các đại án liên quan đến ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng hàng loạt đồng phạm bị đưa ra xét xử. Sau đó, vụ án đánh bạc ngàn tỉ qua mạng liên quan đến cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa bị TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử trong tháng 11 vừa qua là ví dụ điển hình. Mới đây nhất, vụ xét xử hai cựu thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”. Kể ra để thấy việc xử phạt một loạt cán bộ sai phạm đó là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Lâu nay người dân vẫn nghĩ rằng cứ đụng đến những đối tượng là cán bộ trong quân đội, công an, những ngành mà bấy lâu dư luận vẫn e ngại vì sẽ khó “đụng tay”, khó mà xử lý. Nhưng qua hàng loạt vụ trên mới thấy rõ rằng đã không có “vùng cấm” nào nữa, không có ngoại lệ nào nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chung quy lại thì do cán bộ chúng ta đã không thể giữ được sự trong sáng của mình, sa chân vào vòng cám dỗ của quyền lực, tiền bạc. Một thực tế đặt ra là rõ ràng nếu không tự trui rèn mình, không tự tu dưỡng đạo đức thì sẽ dễ bị tha hóa biết nhường nào. Người cán bộ không chỉ phấn đấu, hoàn thiện mình ngày một ngày hai là được mà là cả quá trình dài lâu. Một phút mềm lòng, họ không chỉ làm hại mình mà còn thiệt hại cho cả đất nước. Tôi rất hoan nghênh tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm” và hy vọng trong những năm tới các cấp lãnh đạo cũng hãy thẳng tay như vậy, phá tan mọi rào cản đó để trừng trị đích đáng những người làm sai. Đừng nấn ná thêm nữa, đừng do dự thêm nữa khi họ đang khiến đất nước rơi vào khó khăn. Ông NGUYỄN THANH TÀI, quận Thủ Đức, TP.HCM Dân cần người lãnh đạo tử tế để làm gương Lâu nay cứ mỗi lần xử lý cán bộ sai phạm, người ta hay bảo do công tác quản lý chưa nghiêm, còn buông lỏng, còn sơ sài. Nhưng tôi luôn nghĩ cái gốc trước tiên là do bản thân mỗi người. Khi đã được chọn làm lãnh đạo thì phải luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để lo cho dân, cho nước. Và trong thời đại hiện nay, tôi nghĩ người lãnh đạo cũng cần thêm nhiều sự tử tế để làm gương cho cấp dưới, cho người dân. Là người tử tế, tự khắc sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiền tài, danh vọng, rơi vào vòng xoáy tham nhũng. Muốn dân thương, dân tin, dân quý thì hãy tử tế. Tử tế trong cách cư xử với dân, với đồng nghiệp và bất kỳ ai. Chỉ cần nhiêu đó cũng đủ làm gương cho người dân chúng tôi rồi, hãy nói ít làm nhiều, hạn chế hô khẩu hiệu.
Nếu tử tế, họ sẽ không phạm sai lầm, làm thất thoát tiền của dân, của Nhà nước. Nếu tử tế, họ sẽ không tiếp tay cho những kẻ xấu bòn rút đất nước. Mỗi cán bộ nếu giữ được sự tử tế đó cho mình thì tự khắc người dân chúng tôi sẽ có niềm tin, lấy đó làm gương để mà hoàn thiện mình hơn. Mong rằng sau này mỗi khi đến phường, quận hay cơ quan chính quyền nào khác, chúng tôi sẽ luôn gặp được những con người tử tế không chỉ trong giao tiếp mà còn ở chính nhân cách của họ. Ông NGUYỄN PHÚC, quận Thủ Đức, TP.HCM Mỗi cán bộ hãy tự soi lại chính mình Trong năm 2018, nhiều cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao sai phạm đã bị kỷ luật và đưa ra xử lý hình sự. Việc xử lý mạnh mẽ đó chứng tỏ chúng ta đã mạnh tay nói thẳng với quan tham và nạn tham nhũng. Điều này nhân dân rất hoan nghênh. Nhưng người dân cũng muốn biết sau khi đã xử lý thì chúng ta sẽ làm gì tiếp theo để phòng, chống có hiệu quả căn bệnh này. Tất nhiên người dân chúng tôi không muốn nghe đi nghe lại mãi câu nói “sẽ rút kinh nghiệm” khi để xảy ra sai phạm. Có tâm, có tầm và có tài là những yếu tố cần thiết của một người cán bộ. Nhưng hãy nhìn vào thực tế xem cán bộ ta có tài đó chứ nhưng dường như cái tâm chưa đủ, cái tầm thì còn thiếu; chỉ vì lợi ích riêng mình mà hại dân, hại nước. Tôi nghĩ trước nhất, tự bản thân mỗi cán bộ hãy tự soi lại mình đi đã. Đâu là lối đi và đâu là hẻm cụt, các anh hoàn toàn có đủ nhận thức để nhận ra điều đó. Với các cán bộ sai phạm, tự các anh đưa mình vào vòng lao lý, tự các anh đánh sập niềm tin mà người dân dành cho các anh thôi chứ có ai đâu. Tiếp đó, các cấp, các ngành có liên quan hãy xem lại công tác quản lý cán bộ, cơ chế của chúng ta ra làm sao mà để xảy ra hàng loạt vi phạm trong thời gian dài như thế. Hỏi dân chúng tôi có đau không, tôi nói là có chứ. Sao mà không đau cho được. Một cán bộ sai phạm, chúng ta vừa mất tài sản vừa mất cả con người, cả lòng tin của chúng ta kia mà. Tôi chỉ mong là sau hàng loạt sự vụ xử lý các sai phạm của cán bộ trong thời gian vừa qua, tự thân mỗi cán bộ hãy xem lại bản thân mình trước, tự nhắc mình hãy vững tâm, vững tinh thần trước mọi cám dỗ. Chúng tôi cần người có đạo đức, có cái tâm trong sáng, gần gũi với dân chứ không phải là một cán bộ chỉ khư khư với lợi ích của mình. Bà LÊ THỊ QUỲNH NI, quận 9, TP.HCM THANH TUYỀN ghi |