'Đánh gãy 4 xương sườn nhưng CA lập biên bản nạn nhân... tự ngã!'

Theo Điều 43 dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an (công an cấp xã) có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền. Trường hợp công an cấp xã trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự mà phát hiện, bắt giữ hoặc tiếp nhận người phạm tội quả tang thì lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, lấy lời khai, bảo vệ, vẽ sơ đồ hiện trường, khám người, thu giữ, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, dẫn giải người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho CQĐT có thẩm quyền.

Giao quyền là cần thiết?

Ủng hộ quy định này, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phạm Xuân Thường cho rằng từ xưa đến nay công an cấp xã đã làm tốt rất nhiều việc, “việc không tốt chỉ chiếm số ít”. Ông Thường trấn an: “Ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà chờ công an cấp huyện xuống thì khó. Công an cấp xã giữ người, lập biên bản, đó là những chứng cứ đầu tiên rất quan trọng. Chúng ta đừng vì vài vụ xảy ra ở công an cấp xã mà cho rằng không nên giao thẩm quyền này cho họ. Vấn đề là giao đến đâu, giao như thế nào, có như vậy mới sử dụng được chứng cứ ban đầu giúp việc xác định tội phạm cũng như kết tội sau này chuẩn xác hơn”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho rằng công an cấp xã gần với dân nhất. “Người ta đến trình báo với công an phường, sau đúng một tiếng nó chém chết luôn người trình báo vì công an phường phải báo lên trên, rồi phải chờ phân công người xử lý” - ông Vương nói.

Ông Vương khẳng định Điều 43 dự thảo “không có gì sai” vì đã được quy định trong Pháp lệnh Công an xã. “Khi người dân bắt người phạm tội quả tang thì đều có câu “phải giải đến cơ quan công an, chính quyền địa phương hoặc đơn vị quân đội nơi gần nhất”. Vậy rõ ràng giải đến chính quyền địa phương thì sẽ phải giao cho công an cấp xã” - ông Vương giải thích thêm.

Không bảo đảm quyền con người!

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lo ngại: “Công an cấp xã chỉ là lực lượng bán chuyên trách. Thời gian qua dư luận đã bức xúc về một số trường hợp công an cấp xã gọi người dân lên tiến hành một số hoạt động, có trường hợp xâm phạm quyền công dân”.

Bà Nga nêu lại vụ một công an viên dùng dép đánh người được gọi lên để giải quyết một vụ tranh chấp, sau đó dùng dùi cui đánh nạn nhân gãy bốn xương sườn (tỉ lệ thương tật 16%). Vậy mà sau đó công an xã vẫn lập biên bản là nạn nhân… tự ngã.

“Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ… Vậy kiểm tra, xác minh sơ bộ là những hoạt động gì? Nếu là hoạt động lấy lời khai thì cần phải cân nhắc” - bà Nga cảnh báo.

Cũng theo bà Nga, công an cấp xã có trách nhiệm lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, lấy lời khai, vẽ sơ đồ hiện trường, khám người, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu… - đây là những hoạt động mang tính chất điều tra. “Giao thẩm quyền mang tính chất điều tra thì lực lượng này phải được đào tạo về chuyên môn. Nếu giao như thế này thì đầu vào của công an xã phải khác, không thể là bán chuyên trách. Với trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đầu vào của công an cấp xã như hiện nay thì khó bảo đảm quyền con người, quyền công dân” - bà Nga kết luận.

Cuối cùng, bà Nga đề nghị xem lại cả Pháp lệnh Công an xã vì được ban hành trước Hiến pháp 2013.

Một đại diện đến từ VKSND Tối cao cũng cho rằng để tránh oan sai ngay từ đầu thì chỉ nên giao công an cấp xã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và chuyển ngay đến CQĐT có thẩm quyền.

Bức cung, nhục hình, trách nhiệm cơ sở giam giữ ra sao?

Thẩm tra về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam sáng cùng ngày, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa làm rõ trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ và chế tài xử lý khi để xảy ra việc bức cung, nhục hình.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận dự thảo đã quy định một số nội dung nghiêm cấm nhưng vẫn cần phải làm rõ hơn về trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ và lãnh đạo các cấp quản lý.

Một vấn đề khác, dự thảo quy định người bị tạm giữ, tạm giam được ở trong buồng giam giữ với chỗ nằm tối thiểu 2 m2/người, được bố trí giường hoặc sàn nằm. Nếu chỗ nằm bằng sàn xây xi măng hoặc lát gạch men thì phải có ván ép bằng gỗ trên mặt sàn. Đối với người bị tạm giữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 3 m2/người.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phạm Xuân Thường băn khoăn: “Chúng ta quy định cứng như vậy nhưng xưa nay có làm được đâu. Quy định giam riêng nhưng bắt một vụ gây rối hàng chục người một lúc thì giam riêng thế nào?”.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, bình quân hiện nay chúng ta mới chỉ đạt khoảng 1,4 m2 đến 1,5 m2/chỗ nằm. Nếu quy định theo dự thảo thì còn thiếu khoảng 15.000 m2 ở trại tạm giam, 13.000 m2 ở nhà tạm giữ, tính sơ bộ phải chi ít nhất 2.800 tỉ đồng đầu tư cho cơ sở giam giữ. “Nếu trang bị ghi âm, ghi hình, bảo đảm kiểm soát an ninh thì kinh phí còn khủng khiếp hơn” - ông Vương nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm