Chỉ trong tháng 7 đã có bảy vụ vì nghi bắt cóc mà đánh người, đốt xe. Cơ quan chức năng xác định nghi ngờ của người dân là không có cơ sở. Ngay cả khi những nghi ngờ này có cơ sở thì việc tự xử của người dân cũng vi phạm pháp luật. Bởi các hành vi đó của người dân không rơi vào các trường hợp tình thế cấp thiết hay phòng vệ chính đáng.
Pháp luật không cho phép tự xử
Trước đây, ở một số địa phương đã liên tiếp xảy ra việc người dân tự xử đối với người trộm chó. Nhiều người bị cho là cẩu tặc đã bị người dân đốt xe, đánh chết. Hậu quả là những người đánh chết cẩu tặc đã bị xử lý hình sự. Tình trạng này được người dân lý giải rằng vì rất bức xúc với nạn trộm chó nhưng khó xử lý hình sự được các đối tượng này (do con chó bị bắt trộm thường có giá trị dưới 2 triệu đồng) nên người dân tự xử để răn đe.
Đặc biệt, đầu tháng 7 này đã xảy ra một sự việc rúng động và hết sức đau lòng khi một cháu bé sáu tuổi ở Quảng Bình nghi bị bắt cóc và sát hại. Các thông tin ấy được truyền thông đến nhân dân và đặc biệt là được chia sẻ dày đặc trên mạng xã hội. Thực tế đó làm phát sinh tâm lý cảnh giác và nghi ngờ đối với hành vi của người lạ nhằm bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Vì thế, việc người dân cảnh giác cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng điều đáng quan tâm là hiện nay các trang mạng xã hội chia sẻ những thông tin không đáng tin cậy, không qua kiểm chứng và thậm chí là dàn dựng, bịa đặt để câu like, câu view, làm ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng và xã hội. Nhất là đối với những khu vực mà nhận thức của người dân còn bị hạn chế thì hậu quả là người dân dễ tin và hành xử bột phát khi bị kích động.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc người dân nêu cao cảnh giác để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng là rất đáng hoan nghênh vì góp phần vào việc ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ quy định của pháp luật. Pháp luật không cho phép người dân được tự xử, nếu vẫn cố tình thực hiện thì sẽ bị xử lý, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.
Bị phạt tù nếu gây thiệt hại người khác
Việc xử lý hình sự những người tham gia đánh người, đốt xe người khác cũng tùy vào mức độ thiệt hại của người bị hại. Nếu mức độ thiệt hại chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, nếu có hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng… sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013).
Ở mức độ hình sự, những người đã đốt phá ô tô Fortuner ở Hải Dương vì nghi ngờ có hành vi thôi miên vào ngày 20-7 vừa qua có thể sẽ bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 BLHS.
Đối với vụ hai phụ nữ bán tăm bị hành hung vào ngày 22-7 ở Sóc Sơn, Hà Nội vì nghi bắt cóc trẻ em thì dựa vào kết quả giám định thương tật hoặc mức tổn hại về sức khỏe của từng người, cơ quan điều tra sẽ có hướng xử lý cụ thể. Nếu có cơ sở để xử lý hình sự thì những người tấn công sẽ bị xem xét xử lý theo Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Ngoài ra, trong cả hai vụ việc, những đối tượng tuy không thực hiện hành vi hủy hoại tài sản hay cố ý gây thương tích nhưng kích động người khác thực hiện, gây ồn ào, lôi kéo nhiều người làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn của khu vực có thể bị xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS.
Hiện nay có rất nhiều thông tin thất thiệt, bịa đặt trên mạng xã hội làm người dân rất hoang mang. Trong khi Nhà nước cũng đang có những biện pháp chấn chỉnh thì hơn ai hết mỗi người dân hãy tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc để hành xử đúng theo pháp luật.
Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao: Cần xác định kẻ chủ mưu để xử lý nghiêm Kiểu hùa theo đám đông, gây ra hậu quả nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ bị xử lý hình sự. Trước tiên, ta cần xác định những hành vi phạm tội tương ứng với những tội danh. Thứ nhất, gây thương tích cho người khác có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích. Thứ hai, phá, đốt xe có thể phạm vào tội hủy hoại tài sản của người khác. Thứ ba, tụ tập gây rối trật tự có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng. Trong đám đông, tất cả những người tham gia cùng hùa đánh, cùng phá, đốt xe đều phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm. Tuy nhiên, trong đám đông ấy cần phải tìm được động cơ của những người kích động, xúi giục để xác định kẻ chủ mưu. Vì hành vi kích động, lôi kéo người khác là tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội. Vì thế phải xác định rõ để có một hình phạt nghiêm khắc hơn. ___________________ Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM: Có thể bị tù chung thân Hành vi đánh người gây hậu quả có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS. Tùy vào tỉ lệ thương tích mà người gây ra hành vi này bị xử với mức hình phạt khác nhau, mức cao nhất là tù chung thân. Về hành vi đốt xe, về nguyên tắc, nếu tài sản bị hư hỏng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Đáng lưu ý là tội này không khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, cho nên dù sau đó bị hại có làm đơn bãi nại xin tha cho đối tượng thì việc khởi tố vẫn cứ diễn ra. Việc khởi tố bị can là dựa trên căn cứ của pháp luật chứ không phụ thuộc vào việc bồi thường vốn là thỏa thuận dân sự tự nguyện giữa hai bên. Về tội danh gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 245 BLHS thì người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. NGUYỄN HIỀN ghi |