Đánh người, đốt xe: Mù quáng trong rừng thông tin

Trong một tháng xảy ra ít nhất bảy vụ hành hung, phá hoại tài sản ở mức độ nghiêm trọng chỉ vì gán bừa tội danh bắt cóc, thôi miên. Quá nhiều và quá đáng ngại! Người ta cho rằng một phần do hệ quả của việc chia sẻ thông tin vô tội vạ, không kiểm chứng khiến dư luận mất niềm tin, bị kích động, điều đó đúng nhưng chưa đủ.

Tranh nhau truyền tin vì giá trị ảo

Với sự phát triển của máy móc, mạng Internet, việc truyền đi một thông tin trên diện rộng đang quá dễ dàng. Người dùng mạng bội thực trước rừng tin tức ngồn ngộn trên báo chí, website, Facebook cá nhân. Trạng thái đó khiến người ta nảy sinh nhu cầu đọc những tin lạ, giật gân và chia sẻ chúng.

Tin tức thông thường dễ bị trôi qua, nhàm chán, thay vào đó là chuyện bạo lực, đánh ghen, bắt cóc, giết người… càng ly kỳ, khác thường càng thu hút người xem. Vô hình trung cộng đồng mạng thấy khi loan truyền được một tin đáng chú ý thì lượng chia sẻ, like, bình luận, theo dõi sẽ tăng lên, như vậy là mình “oai” hơn thiên hạ. Suy nghĩ lệch lạc về thước đo giá trị khiến họ sẵn sàng chụp giật, nghe ngóng được chút thông tin là truyền đi ngay bằng mọi cách, bỏ qua việc kiểm chứng, xác thực, bỏ luôn đắn đo về hậu quả vì muốn là người nhanh nhất.

Thậm chí nhiều trường hợp người loan tin thiếu kiến thức xã hội, hiểu sai vấn đề nên đưa tin sai. Ví dụ loan tin chỉ hỏi đường cũng chụp thuốc mê được đối phương trong khi thực tế để đánh thuốc mê không thể không có tiếp xúc trực tiếp.

Ở vùng xa, ngoại thành, nông thôn, tin đồn còn khó kiểm chứng hơn nhưng khi truyền miệng lại có tác dụng rất mạnh do tính chất cục bộ, thói quen hùa theo rất đậm đặc trong cộng đồng người dân. Người loan tin vì vậy cũng được chú ý hơn.

Nhiều người dân vây đánh hai phụ nữ nghi bắt cóc ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: CTV

Không làm người nhận tin mù quáng

Từ phân tích trên cho thấy thông tin hiện nay lan truyền theo cách rất vô tội vạ, hoàn toàn thiếu xác tín qua hàng triệu kênh cá nhân. Không ai chịu trách nhiệm với điều đó nhưng cũng không thể hở chút là chế tài, xử phạt vì dùng pháp luật để bịt đầu này thì sẽ lại lộ ra đầu khác.

Vấn đề cốt lõi là người tiếp nhận thông tin đang bị lệ thuộc vào đó một cách mù quáng mà không có chính kiến của mình, chỉ nghe và tin rồi làm theo mà không suy nghĩ, phân tích. Tệ hơn, nhiều vụ việc đau lòng xảy ra xuất phát từ hiệu ứng đám đông, thấy người khác làm cũng lao vào giành miếng, thói hành xử hung hăng, thích thể hiện quyền phán xét, trừng trị người khác, lấy cớ mất niềm tin mà ra tay, ỷ y đám đông là tất cả nhưng cũng không là ai cả.

Do đó, điều cần làm là mỗi người phải có bộ lọc của riêng mình để không sợ hãi, căm ghét vô căn cứ, không a dua theo kẻ khác, hành động đi trước cả suy nghĩ, gây ra tai vạ cho người không liên quan mà bản thân cũng rơi vào lao lý, rắc rối nếu bị truy cứu.

Xã hội luôn có những cơn sốt, như trước đây là nạn ấu dâm và bây giờ là bắt cóc. Dư luận cứ liên tục chạy theo những cơn sốt đó như thiêu thân để mắng chửi, đánh đập… trong khi việc cần làm hơn là trang bị kiến thức nền tảng cho mình, hiểu biết, bản lĩnh phân biệt đúng sai, thật giả, xử lý trong mọi trường hợp… Cần phải hiểu đó không chỉ là tin bắt cóc, lấy nội tạng, tin thôi miên mà còn rất nhiều tình huống khác trong đời sống mà chúng ta có toàn quyền chọn cách xử lý. Tại sao không dừng lại để suy nghĩ, sao cứ hùa theo người khác trong khi chịu trách nhiệm cho hành động là bản thân mình?

Họ nói gì sau khi đánh và quay clip hai phụ nữ?

• Chị TNT (thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, một trong những người đăng clip sự việc nghi bắt cóc trẻ em lên Facebook): “Họ lạ mặt, có nhiều biểu hiện bất thường, không đưa giấy tờ chứng minh mình đi bán tăm. Tôi có quay đoạn video khoảng hơn năm phút đăng lên mạng để cảnh báo mọi người, sau đó gỡ xuống”.

• Bà Nguyễn Thị Tốt (bà nội cháu bé nghi bị bắt cóc): “Do hoang mang quá nên tôi to tiếng với hai phụ nữ đó. Không quen biết mà cho cháu tôi kẹo phải có vấn đề gì chứ. Tôi và dân làng biết mình đã sai nên rất hối hận. Chúng tôi sẵn sàng xin lỗi công khai, đồng thời bồi thường cho người bị đánh oan” .

• Bà M. (một người dân thôn Thái Phù): “Lúc đó, nhóm người quá hung hãn nên chúng tôi không dám vào can ngăn vì sợ bị hiểu lầm là đồng bọn”.

• 24-7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã triệu tập một số đối tượng liên quan trong vụ việc này để điều tra.

• 25-7, bốn người thân của những người tham gia đánh hội đồng ở thôn Thái Phù đã vào bệnh viện xin lỗi bà Phúc và bà Bảy (hai nạn nhân), mong hai bà rút đơn đề nghị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, hai bà đã từ chối. Bà Phúc nói: “Chúng tôi muốn mọi việc được cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định pháp luật”.
TUYẾN PHAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm