Mấy ngày nay, thông tin về việc ca sĩ Ngọc Sơn được tặng bằng khen trong đó thể hiện danh xưng là Giáo sư (GS) trở thành một chủ đề gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn.
Trong khi dư luận vẫn còn nhiều đồn đoán thì ngày 22-8, ca sĩ Ngọc Sơn đã chính thức lên tiếng trên báo điện tử VTC new. Theo đó, anh nói: "Mọi người đặt cho tôi rất nhiều danh hiệu như ‘Ông hoàng nhạc sến’, nhạc sĩ, giáo sư... nhưng đó chỉ là phù du, tôi lúc nào cũng chỉ là tấm thân nhỏ bé của đại gia đình chứ không sân si bất cứ điều gì”.
Ngoài ra, Ngọc Sơn cũng kể ra một loạt một số nơi mình đã được đào tạo như tốt nghiệp Đại học Thanh nhạc, là một trong mười hai sinh viên của Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam trong lớp Đại học thanh nhạc đương đại duy nhất do nhạc sĩ Tô Vũ lập nên…
Cuối cùng anh khẳng định: "Tôi không phải GS, cũng không dám nhận bằng GS nhưng nếu ai nói tôi chưa đủ tư cách, chỉ trích tôi thì xin kính mời tất cả những giáo sư, nhạc sĩ nào nếu cần hãy đến phỏng vấn trực tiếp, đối chiếu về âm nhạc với Ngọc Sơn, có thể trực tiếp truyền hình hoặc quay phỏng vấn, 'nói có sách mách có chứng'".
Nói tóm lại, dù nói ngả nói nghiêng, nói xiên nói vẹo gì thì Ngọc Sơn vẫn chưa trả lời câu hỏi trực diện nhất mà bạn đọc quan tâm, danh xưng GS được thể hiện trong bằng khen đó là do anh tự phong trong hồ sơ xin nhận giải thưởng hay do đơn vị trao thưởng tự ý phong cho anh?
Ca sĩ Ngọc Sơn quỳ gối dâng bằng khen cho mẹ. Ảnh Internet.
Theo thông lệ, rất hiếm trường hợp nào mà đơn vị trao giải thưởng tự ý xưng danh hiệu, học hàm cho người được nhận bằng khen, chứng nhận trừ trường hợp có sự nhầm lẫn. Tiếc rằng, đến nay phía đơn vị trao bằng khen vẫn chưa có một lời giải thích cụ thể cho bạn đọc.
Danh hiệu, danh xưng ở nước ta không phải là điều xa lạ. Chính trong một chương trình giải trí từng xuất hiện GS Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng), danh xưng này đã giúp anh khẳng định được tên tuổi của mình và đi theo rất nhiều hành trình sau này. Tuy nhiên, ai nghe xong hẳn cũng biết đó là một danh xưng tếu táo, tếu táo cả tên trường anh được phong danh hiệu GS là Đại học Bôn Ba.
Nhưng từ một danh xưng của một chương trình giải trí, hay một danh xưng cửa miệng lại được bê vào một bằng khen có dấu đỏ chữ ký tươi lại là một chuyện khác. Đặt giả thiết, nếu Ngọc Sơn không tự phong danh hiệu cho mình mà bên trao bằng khen có sự nhầm lẫn, nếu là một người có ý thức cá nhân anh cũng nên có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, thay vì việc đó anh còn phát đi một thông cáo gửi báo chí để khẳng định niềm vui này.
Danh hiệu và chứng nhận ở ta luôn là một thứ có giá. Nó thậm chí như một bài phản ánh trên báo Pháp luật TP.HCM từng thực hiện được định giá 20 triệu cho một chứng nhận. Một PGS nhận được lời ngỏ này đã thẳng thừng từ chối vì cho rằng mình bị xúc phạm khi có ai đó ngả giá để công nhận.
Đến một trung tâm có gắn chữ người nghèo đi lừa đảo dân nghèo, đến nhiều công ty đa cấp chuyên lập ra để bịp bợp người dân sẽ dễ nhận ra những bằng khen, giấy chứng nhận được trao đầy trong phòng khách. Nó như một bảo chứng, như bửu bối được trưng ra để tăng giá trị thuyết phục cho người xem.
Bởi vậy, ngày càng nhiều đơn vị đứng ra tổ chức các chương trình, các giải thưởng nhắm vào thị hiếu này. Không thể phủ nhận nhiều chương trình, giải thưởng đã ghi nhận xứng đáng đóng góp của các đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực của họ, nhưng cũng không ít những giải thưởng, chứng nhận được ngả giá bằng tiền.
“Ông hoàng nhạc Việt, Nữ hoàng nội y…” những danh xưng như thế cũng đã nhẹ nhàng đi vào đời sống thường nhật rồi nghiễm nhiên được thừa nhận. Nữ hoàng và ông hoàng dù sao nó cũng gợi tý sang sang. Thế nên, danh hiệu và danh xưng xứ ta, đôi khi chỉ vì mình thích thì mình phong thôi. Miễn là có lợi!