Đập phá tài sản người khác, xử tội gì?

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, tuyên phạt Đinh Bá Tưởng 18 tháng tù treo, Trần Quốc Tuấn 15 tháng tù treo, Nguyễn Văn Lượng, Lê Hồng Đông và Lương Hoài Tiến mỗi người 12 tháng tù treo về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Điều đáng nói trong vụ án này là trước đó cáo trạng truy tố cả năm bị cáo về hai tội là hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng cuối cùng HĐXX chỉ xử các bị cáo một tội là cố ý làm hư hỏng tài sản.

VKS truy tố hai tội, tòa xử một tội

Theo hồ sơ, năm 2015, Tưởng tổ chức cho vay trả góp hằng ngày với lãi suất 15%/tháng; lãi nhập vốn, người vay thế chấp bằng CMND và sổ hộ khẩu. Tưởng thuê Tiến, Đông, Lượng phụ việc và trả lương từ 6 triệu đến 8 triệu đồng mỗi tháng. Đến tháng 10-2015, Tưởng hướng dẫn thêm cho bạn là Tuấn đến địa bàn Củ Chi cho vay theo hình thức trên.

Do một số người vay tiền không thanh toán theo thỏa thuận nên Tưởng nhiều lần đến nhà họ đe dọa đòi tiền. Khi người vay vẫn không thanh toán tiền, trong ngày 17-7-2015 và ngày 7-1-2016, Tưởng cùng đồng bọn đến nhà họ đập phá tài sản để buộc trả nợ.

CQĐT và VKS xác định trong hai ngày này, nhóm của Tưởng đã cố ý làm hư hỏng cửa kính, tủ kính (gây thiệt hại 2,8 triệu đồng) và hủy hoại nhiều tivi, quạt máy (trị giá tổng cộng gần 12 triệu đồng). Từ đó, nhóm của Tưởng đã bị khởi tố, truy tố về hai tội hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản.

Các bị cáo trong lúc chờ HĐXX nghị án. Ảnh: H.YẾN

Ngoài hai hành vi trên, VKS còn nhận định nhóm của Tưởng tổ chức cho vay trái phép với lãi suất cao. Tuy nhiên, các biên nhận đều không ghi nội dung, lãi suất vay; lời khai giữa các bên về nội dung vay tiền còn nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ căn cứ xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi.

Tại phiên tòa, đại diện VKS nhận định nhóm của Tưởng hoạt động có tổ chức, có dự mưu, tính toán, mang tính chất côn đồ và phạm tội nhiều lần. Từ đó, đại diện VKS đề nghị phạt các bị cáo tổng cộng từ ba năm tù đến năm năm sáu tháng tù về hai tội này.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng căn cứ truy tố các bị cáo về tội hủy hoại tài sản là chưa vững chắc. Theo HĐXX, VKS tự kết luận một số tài sản bị hư hỏng hoàn toàn để xử lý các bị cáo về tội hủy hoại tài sản mà không hề có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn là không thể chấp nhận được. Từ đó, tòa chỉ phạt các bị cáo về một tội là cố ý làm hư hỏng tài sản như đã nói.

Phân biệt tội danh như thế nào?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) đồng tình với lập luận của HĐXX. Theo TS Tuấn, muốn biết tài sản có bị hư hỏng hoàn toàn hay không thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn. Không thể đơn thuần chỉ định giá thiệt hại rồi cho là hư hỏng không thể sử dụng được nữa hay hư hỏng hoàn toàn để buộc tội hủy hoại tài sản đối với người thực hiện hành vi.

Vấn đề mà nhiều bạn đọc thắc mắc là cùng hành vi đập phá tài sản của người khác, khi nào thì xử về tội hủy hoại tài sản, khi nào xử về tội cố ý làm hư hỏng tài sản?

Luật sư Nguyễn Hữu Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Hai tội danh này được quy định chung trong một điều luật (Điều 143 BLHS hiện hành) và phân biệt dựa vào mức độ hậu quả xảy ra: Theo đó, hủy hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng đến mức mất hẳn giá trị, mất hẳn giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn. Còn cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị, giảm giá trị sử dụng nhưng có thể khôi phục lại được. Ngoài ra, việc định tội còn căn cứ vào mục đích của người phạm tội.

Theo nhiều thẩm phán, dù cách hiểu khá đơn giản như trên nhưng thực tiễn xét xử vẫn có những trường hợp tranh cãi về việc tài sản có bị hư hỏng hoàn toàn hay không để định tội danh. Vì vậy, cách tốt nhất để định đúng tội danh cũng như bảo đảm được sự công bằng cho cả bị cáo lẫn người bị hại là cần có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.

Một vụ gây tranh cãi về tội danh

Tối 23-11-2012, NVC chạy xe máy chở TVHH đi chơi. Trên đường đi, H. nói: “Hôm nay em say rồi, em đi nát...” (quậy phá). C. nói: “Mày thích nát thì tao đi nát cùng mày...”. H. bảo C. soi đèn xe máy nhặt gạch, sau đó cả hai đến khu vực Km 4, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang). Gặp một chiếc ô tô, H. nói C. chạy xe đuổi theo và cầm viên gạch ném làm kính chắn gió phía sau của ô tô bị vỡ vụn. Theo kết quả định giá, trị giá thiệt hại là 4 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án này có hai quan điểm khác nhau về tội danh của C. và H.: Có ý kiến nói họ phạm tội hủy hoại tài sản vì kính sau của ô tô đã bị vỡ hoàn toàn, không thể sửa chữa hay khắc phục được mà buộc phải thay thế. Ngược lại, có ý kiến bảo họ chỉ phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản vì tài sản bị thiệt hại ở đây là chiếc ô tô, vốn được cấu tạo bởi rất nhiều chi tiết, trong đó có kính sau. Việc kính chắn gió phía sau bị vỡ chỉ làm ảnh hưởng một phần tính năng, tác dụng của ô tô và có thể sửa chữa được…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm