Hai trường này dành 100% chỗ học cho con công nhân. Đây là hai trong số 10/20 dự án xây trường mầm non cho con em công nhân làm việc trong các KCX-KCN tại TP.HCM đã đi vào hoạt động với quy mô đáp ứng hơn 3.500 trẻ.
Tại Đồng Nai, Công ty Dona Standard (KCN Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc) cũng vừa tổ chức khai giảng ngôi trường mầm non do công ty này đầu tư cho 1.000 con em công nhân của mình. Theo ban giám hiệu trường, học phí do công ty hỗ trợ, công nhân chỉ phải đóng khoản tiền ăn là 430.000 đồng/tháng. Không chỉ miễn phí, giờ giấc chăm sóc các cháu cũng phù hợp thời gian làm việc với người lao động - trường nhận trẻ từ 6 giờ 30 sáng tới 18 giờ - để cha mẹ các cháu có thể tăng ca vẫn yên tâm.
Có chứng kiến nỗi vui mừng của những vợ chồng công nhân trẻ khi từ nay con họ được chính thức có nơi chốn học hành, tin tưởng đặt gia tài quý giá của họ là đứa con thân yêu vào vòng tay của các cô giáo có nghiệp vụ sư phạm vững vàng, mới thấy sự mong mỏi của người lao động về các ngôi trường lớn lao như thế nào.
Sự xuất hiện của các trường mầm non trong các KCX-KCN tại TP.HCM là nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành GD&ĐT trong suốt hàng chục năm qua. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà chính quyền TP đặt ra nhằm chăm lo ổn định đời sống của người lao động, đặc biệt là tầng lớp công nhân tại các KCX-KCN. Cũng như Công ty Dona Standard ở Xuân Lộc đã bỏ một khoản chi phí không nhỏ để xây trường mầm non miễn phí cho con công nhân là việc làm đáng khen ngợi.
Nhưng vẫn còn đó hàng chục KCX-KCN và hàng trăm ngàn con em công nhân ở các nơi như từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... vẫn chưa có trường học, nhiều học sinh tiểu học tại đó phải học ca ba trong lớp 60-65 em... Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện tại các KCX-KCN chỉ có khoảng 1/5 số trẻ là con công nhân được đi học, số còn lại đang phải chờ các dự án xây dựng trường. Điều này tiềm ẩn vô số nguy cơ đối với trẻ và ảnh hưởng tới năng suất lao động của người công nhân.
Hiện nay các quy định hiện hành về quỹ đất dành để xây dựng trường học tại các KCX-KCN đều đã được ban hành. Tuy nhiên, để những ngôi trường khang trang dành cho con em công nhân trở hành hiện thực,ngoài việc vận động khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực, chính quyền các địa phương cũng cần tiếp sức bằng các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế... nhằm xã hội hóa công tác đầu tư phát triển các cơ sở mầm non, trường học tại KCX-KCN. Đó cũng là giải pháp lâu dài vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, địa phương và tương lai của người lao động.