Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói như trên tại cuộc thảo luận tổ của Quốc hội (QH) về Luật Đầu tư công (sửa đổi) ngày 12-11.
Tư nhân quyết ngay, dự án công quá chậm
Ở góc độ thực tiễn địa phương, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, góp ý không nên quy định nội dung cho phép Thường trực HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa hai kỳ họp. Theo ông, giữa hai cuộc họp định kỳ sáu tháng của HĐND có thể tổ chức thêm hai cuộc họp thường xuyên giữa kỳ nữa. Như vậy, ba tháng HĐND TP họp một lần, hoàn toàn đủ điều kiện thông qua các dự án đầu tư công trung hạn, không cần ủy quyền cho Thường trực HĐND. ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội) nhận xét nếu tất cả dự án đầu tư công cấp tỉnh đều phải trình HĐND quyết trong khi HĐND chỉ họp hai kỳ mỗi năm thì sẽ xảy ra tình trạng dự án “xếp hàng” chờ phê duyệt. ĐB Ngọc cho rằng trong thời gian HĐND không họp thì Thường trực HĐND được quyết định các dự án thuộc thẩm quyền của TP, đầu tư bằng nguồn vốn của TP và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Ở góc độ trung ương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay các dự án đầu tư công của Nhà nước chậm gây lãng phí dù có kinh phí trong khi “tư nhân quyết rất nhanh”. Theo ông, nếu tất cả công trình dự án đều phải trình lên QH thì sẽ chậm hơn nữa. Ví dụ sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Thể cho hay năm 2015 QH thống nhất chủ trương xây dựng, sau đó quay lại giao Bộ GTVT lập hồ sơ dự án xin chủ trương đầu tư, Bộ thẩm định thống nhất rồi trình các bộ, ngành, sau đó trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH, cuối cùng QH mới phê duyệt dự án. “Một vòng đi lên để duyệt danh mục mất sáu tháng đến một năm, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt… Quy trình quá nhiều giai đoạn, dự án triển khai rất chậm” - Bộ trưởng GTVT nhận xét. Ông cho rằng nếu điều chỉnh Luật Đầu tư công mà không cải thiện được quy trình này thì việc triển khai các dự án vẫn chậm, có chăng chỉ làm rõ thêm được trách nhiệm của một số bộ, ngành, cơ quan. “Công trình lớn, công trình nhỏ gì cũng vậy, quy trình hiện nay quá dài” - Bộ trưởng Thể nói. Ngoài ra, theo ông Thể, bất cứ cái gì cũng phải trình lên Bộ KH&ĐT khiến quy trình càng lê thê. “Giao Bộ GTVT làm, Bộ GTVT làm sai thì phải chịu trách nhiệm sẽ chủ động hơn nhiều. Nếu tất cả dồn hết lên Bộ KH&ĐT thì làm sao mà nhanh được, vì họ chỉ có bấy nhiêu con người” - Bộ trưởng Thể phân tích.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải thích tại sao Luật Đầu tư công sửa đổi phải siết chặt đầu tư công. Ảnh: CHÂN LUẬN
Chặt chẽ để chặn “vung tay quá trán”
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan soạn thảo, cho rằng Luật Đầu tư công năm 2014 đã khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải với nhiều quyết định “vô tội vạ” diễn ra trước đó. Theo ông, hiện nay phần lớn giải quyết các dự án tồn tại từ trước, rất ít mở dự án mới. “Trước đây có tình trạng nhiều dự án quyết định mà không có nguồn lực, nhiều dự án tăng vốn…, dẫn đến nợ đọng rất lớn” - ông bày tỏ. Thừa nhận có việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trong giai đoạn vừa qua nhưng Bộ trưởng Dũng cho rằng đó là do các bộ, ngành, địa phương chưa quen với các quy định mới. “Sự chặt chẽ của các thủ tục là nhằm ngăn chặn tình trạng “vung tay quá trán” và các địa phương, các bộ, ngành vẫn chưa quen được. Đang được quyết định rất thoải mái, khi siết chặt thì cũng gây sự khó chịu” - Bộ trưởng Dũng nhận xét. Bộ trưởng Dũng cho rằng sửa luật lần này không phải là để quay lại sự dễ dãi như trước, cái nào không phù hợp thì sửa nhưng vẫn phải chặt chẽ. “Nguyên tắc sửa lần này là phân cấp triệt để, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm” - ông khẳng định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ĐB Hà Tĩnh cũng cho rằng Luật Đầu tư công 2014 là “khung vững chắc” để chống dàn trải, lãng phí. “Tinh thần chung là để chống đầu tư dàn trải nhưng phải có phương án giao vốn để triển khai sớm. Phải tăng cường phân cấp, phân quyền, tập trung mạnh vào hậu kiểm, ai làm sai thì chịu trách nhiệm” - Phó Thủ tướng bày tỏ.