Chiều 9-1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Băn khoăn việc dạy tích hợp
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn: Chương trình mới sẽ dạy tích hợp liên môn như môn lịch sử địa lý, môn khoa học tự nhiên ở bậc THCS. Vậy với việc thay đổi này thì bố trí thời khóa biểu của các trường như thế nào cho hợp lý và khi thực hiện có gây ra thừa thiếu giáo viên.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết bản thân rất tâm đắc với việc thực hiện dạy tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nhưng ông băn khoăn về cách thực hiện sao cho hiệu quả và việc bồi dưỡng, đào tạo những giáo viên dạy tích hợp như thế nào.
Trả lời vấn đề trên, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD&ĐT, lý giải: Môn lịch sử và địa lý, môn khoa học tự nhiên ở bậc THCS vẫn có các mạch kiến thức độc lập, bên cạnh đó sẽ thiết kế các chủ đề liên môn. Cụ thể, môn lịch sử và địa lý sẽ có hai mạch riêng nhưng ở các lớp 7, 8, 9 có chủ đề chung 6-10 tiết. Đối với môn lịch sử và địa lý, cơ cấu số tiết học tương tự như môn địa lý và lịch sử hiện nay. Thành ra cơ cấu của giáo viên cũng không có gì thay đổi và sự phân công cũng tương đối dễ dàng. Các giáo viên môn nào sẽ phụ trách môn đó và trong một thời lượng liên tục có thể trong một kỳ hoặc nửa kỳ.
Tương tự, môn khoa học tự nhiên vẫn có các mạch độc lập của môn lý, hóa học, sinh học nhưng sẽ có các chủ đề chung. Giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ.
So với số lượng hiện nay, môn lý có tổng cộng 5 tiết/tuần, hóa 4 tiết/tuần, môn sinh cũng 8 tiết/tuần cho cả bốn lớp 6, 7, 8, 9. Tỉ lệ đó tương tự với tỉ lệ mạch kiến thức của các môn lý, hóa, sinh hiện nay được thiết kế trong môn khoa học tự nhiên là tương đồng. Bởi vậy, số lượng giáo viên bộ môn trong các trường cơ bản sẽ đáp ứng và không có gì xáo trộn về cơ cấu giáo viên.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hơn nữa, theo ông Thành, đây là chương trình giáo dục đầu tiên tại Việt Nam quy định số tiết/năm chứ không quy định số tiết/tuần như chương trình cũ. Điều đó tạo nên sự tự chủ cho nhà trường trong việc sắp xếp, theo dõi thời khóa biểu hợp lý cho môn đó.
Cũng theo ông Thành, để chương trình thực hiện tốt, trước mắt các thầy cô giáo đang thực hiện chương trình hiện hành sẽ được nâng cao khóa học với các phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Việc tập huấn này đã tiến hành nhiều năm nay và sẽ được tiến hành thường xuyên. Song song đó, chương trình đào tạo trong các trường ĐH sư phạm cũng được thiết kế theo hướng xây dựng mã ngành này để tuyển mới sinh viên vào sư phạm, đào tạo phần kiến thức của môn khoa học tự nhiên chứ không phải kiến thức cơ bản của lý, hóa, sinh nữa.
Bồi dưỡng giáo viên ra sao?
Một vấn đề được nhiều địa phương đưa ra tại hội nghị là đào tạo đội ngũ giáo viên như thế nào để có thể đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trả lời câu hỏi này, GS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết từ khi có kế hoạch về chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm đều rất quan tâm đến vấn đề đào tạo đội ngũ nhà giáo. “Căn cứ chương trình tổng thể cũng như chương trình từng môn học, chúng tôi đã xây dựng chương trình bồi dưỡng cho các thầy cô đang giảng dạy hiện nay. Chương trình được tổ chức bài bản, chi tiết, phù hợp với từng bậc, thời lượng ra sao, cách thức thế nào. Và sau buổi hôm nay, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học sẽ nghiệm thu và thẩm định chương trình. Thẩm định xong, Vụ Giáo dục sẽ sớm thông báo chương trình cụ thể tới các sở GD&ĐT để triển khai” - GS Minh nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khẳng định: “Chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình. Theo đó, có hai nhiệm vụ sẽ được ngành đặt ra trong thời gian tới. Thứ nhất là công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình” - Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng cho rằng rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. “Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự nhịp nhàng phối hợp giữa các bên liên quan” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thiếu gần 76.000 giáo viên So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người. Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố nên đến thời điểm hiện tại, toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng Theo báo cáo thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học năm 2018, cả nước hiện có 567.102 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỉ lệ kiên cố 74%. (Bộ GD&ĐT) |