ĐBQH đề nghị cân nhắc việc thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại kỳ họp này

(PLO)- ĐBQH đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại kỳ họp bất thường lần này vì còn nhiều nội dung chưa thống nhất, trong khi thời gian nghiên cứu hồ sơ lại rất ngắn, gấp rút…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-1, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước, trong đó tại kỳ họp 4 (tháng 10-2022), Quốc hội đã cân nhắc điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật sang kỳ họp kế tiếp để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng hơn…

Góp ý cho dự luật, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng đến nay, vẫn còn 8 nhóm vấn đề lớn của dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có nhóm là một điều, nhưng có nhóm là cả một chương trong dự thảo luật. Điều đó cho thấy việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật còn rất khó khăn, nhiều nội dung chưa thống nhất.

“Việc thông qua dự án luật tại kỳ họp bất thường lần này, tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc” - ông nói.

Theo ĐB Lê Hoàng Anh, thời gian chỉ hơn một tháng sau kỳ họp thứ 4, để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án luật trình thông qua tại kỳ họp này là không đủ, nhất là khi có nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó.

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu.

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu.

“Hồ sơ dự án luật được gửi cho đại biểu vào 21 giờ 55 ngày 4-1 và sáng nay (6-1), hơn 5 giờ có báo cáo giải trình, tiếp thu thay đổi. Trừ đi 3 buổi họp Quốc hội và mặc định không đọc các tài liệu thuộc nội dung khác thì đại biểu chỉ có vài tiếng nghiên cứu cả nghìn trang tài liệu là không đủ thời gian” - ông nêu.

ĐB Hoàng Anh cũng chỉ rõ, tại lần trình này, nhiều chính sách trong dự luật đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động, như vậy là chưa đảm bảo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng chưa rõ tính thống nhất, khả thi của văn bản hướng dẫn chi tiết luật. Số điều khoản của dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên đến nay đã hơn 40 điều, chiếm hơn 30% số điều luật và nhiều điều giao Bộ trưởng Bộ Y tế.

“Đây là luật có số điều giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nhất và có nhiều chính sách mới bổ sung, điều chỉnh nhưng 5 nghị định kèm theo trình tại kỳ họp thứ 2 chưa sửa đổi, bổ sung nên chưa rõ tính thống nhất, khả thi khi triển khai thực hiện” - ông nói.

ĐB Hoàng Anh cũng phân tích thêm, các quy định của dự luật này liên quan đến nhiều luật, nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác, trong đó liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện là Luật Giá và Luật Đấu thầu. Nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh thông qua trước sẽ khó khăn cho việc bảo đảm tính thống nhất giữa các luật.

“Ví dụ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có điều khoản về giá dịch vụ, chưa tương thích với dự thảo Luật Giá sửa đổi, vai trò Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa rõ trong luật này. Ngoài ra một số chính sách đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh chưa hợp lý, chưa tháo gỡ được khó khăn trong thực tế” - ông nói.

Cụ thể như chưa có quy định xã hội hóa đối với cơ sở y tế công lập, như liên doanh, liên kết; các điều khoản về tài chính chưa tách loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu và khám chữa bệnh bình thường; quy định tự chủ đối với cơ sở khám chữa bệnh nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng; phân cấp chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tính tương thích của Luật khám bệnh, chữa bệnh với Luật bảo hiểm y tế…

“Những chính sách này nếu bổ sung, sửa đổi cũng cần có thời gian đánh giá tác động, như vậy không thể báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này” - ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm