Tháng 3-2012, TAND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) ra quyết định công nhận thỏa thuận thành với nội dung ông Cù Mạnh Hoàn (giám đốc DNTN Quốc Hoàn) phải trả cho Công ty TNHH Hoàng Anh (ông Trần Nam Phương đại diện theo pháp luật) 313 triệu đồng cùng tiền lãi. Sau đó, kèm theo đơn yêu cầu thi hành án (THA), ông Phương đã gửi cho Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom phiếu cung cấp thông tin (có xác nhận của xã) chứng tỏ ông Hoàn có một căn nhà tại xã Hố Nai 3. Cuối tháng 5-2012, Chi cục THA huyện ra quyết định THA và Chi cục trưởng Võ Hoàng là chấp hành viên (CHV) trực tiếp thi hành.
Tài khoản “trống”, nhà, xe cũng đã bán
Lúc này phía ông Hoàn có mang đến 50 triệu đồng để THA và CHV ghi nhận nhưng sau đó hết thời gian tự nguyện THA thì không đóng tiền nữa.
Tiếp đó, ông Phương cung cấp cho THA thông tin là bên phải THA còn có một chiếc xe ô tô Ford Focus do DNTN Quốc Hoàn đứng tên. Ngoài ra, ông Phương còn cung cấp cho THA số tài khoản của cá nhân ông Hoàn và DNTN Quốc Hoàn tại hai ngân hàng ở huyện Trảng Bom. Sau đó, ông Phương nhiều lần có đơn yêu cầu cơ quan THA áp dụng các biện pháp: phong tỏa hai số tài khoản, kê biên cấm chuyển dịch chiếc xe ô tô và nhà, đất để đảm bảo THA.
Thế nhưng mãi đến tháng 1-2013, THA mới có yêu cầu phong tỏa tài khoản. Lúc này ngân hàng trả lời rằng hai tài khoản không còn tiền. Hai tháng sau, THA có công văn gửi Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng, tặng cho và thế chấp chiếc xe ô tô nhưng không nhận được hồi đáp. Riêng với căn nhà thì CHV không gửi văn bản yêu cầu ngăn chặn vì cho rằng xử lý chiếc xe là đủ tương ứng với số tiền phía ông Hoàn phải THA.
Trong khi đó, vì không có quyết định ngăn chặn của THA nên ngày 14-12-2012, ông Hoàn đã ra phòng công chứng chuyển nhượng căn nhà (sau đó chủ mới đã đăng bộ sang tên xong). Chiếc xe ô tô cũng được ông Hoàn bán cho người khác (giấy đăng ký xe do công an cấp cho chủ mới ghi ngày 29-4-2013).
Ngôi nhà của ông Hoàn đã được chuyển nhượng cho người khác. Ảnh: T.TÙNG
Khiếu nại đúng nhưng… phải chờ
Lúc này phía ông Phương khiếu nại CHV và yêu cầu THA kê biên theo diện tẩu tán tài sản sau khi có bản án của tòa (căn cứ pháp lý là Điều 6 Thông tư liên tịch số 14-2010 của Bộ Tư pháp - VKSND Tối cao - TAND Tối cao). Tuy nhiên, THA không trả lời gì cho ông. Tháng 4-2014, ông Phương tìm thấy chiếc xe và báo cho THA cùng VKSND huyện kê biên. Tuy nhiên, sau khi cùng chính quyền địa phương đến nơi thì CHV và kiểm sát viên chỉ ghi nhận rồi… về.
Tháng 9-2014, chi cục trưởng Chi cục THA huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại của ông Phương. Quyết định công nhận toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Phương. Chi cục THA cho rằng việc ông Hoàn bán các tài sản trên dù đã được lập thủ tục đăng ký sang tên nhưng diễn ra sau khi có bản án của tòa nên vi phạm Thông tư số 14. Từ đó THA huyện yêu cầu CHV tiếp tục các thủ tục tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản để đảm bảo THA theo yêu cầu của ông Phương.
Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Phương liên hệ với CHV đang thụ lý hồ sơ thì được trả lời là cứ chờ vì chưa tìm thấy chiếc xe, còn ngôi nhà cũng chưa kê biên được…
“Do THA chủ quan” (!?)
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, CHV Phan Huy Lâm (người đang trực tiếp thụ lý hồ sơ) cho biết sở dĩ việc THA bị kéo dài hơn ba năm nay là do có sự thay đổi CHV. Ông Lâm mới được phân công và được bàn giao hồ sơ từ tháng 7-2013 đến nay, CHV Hoàng thì đã chuyển công tác.
Về quá trình THA, ông Lâm nói: “Ngay từ đầu CHV đã chủ quan vì thấy phía ông Hoàn đã tự nguyện THA được 50 triệu đồng, tưởng đương sự có thiện chí. Quá trình xử lý tài sản thì nhận thức rằng chiếc xe ô tô dễ và phù hợp hơn nên sau khi gửi công văn đề nghị ngăn chặn cho công an, CHV không kê biên nhà”.
Lý giải việc không kê biên chiếc xe vào tháng 4-2014, ông Lâm nói: “Hôm đó đại diện VKS huyện cho rằng nếu xe chưa sang tên thì ra quyết định tạm giữ ngay. Nhưng hiện nay xe do người khác đứng tên nên phải thận trọng. Ngoài ra, việc tạm giữ tài sản phải có sự phối hợp liên ngành với công an huyện, chúng tôi có gửi yêu cầu nhưng công an không trả lời…”.
Cũng theo CHV Lâm, đến thời điểm này việc ưu tiên xử lý chiếc xe để THA là khó khả thi vì xe là loại động sản có thể di chuyển và tẩu tán được nên khó khăn cho việc xác minh, tìm kiếm để kê biên, xử lý. Trong khi THA cũng không biết thông tin gì của ông Hoàn, không biết ông sống ở đâu, gửi giấy mời theo địa chỉ cũ thì không có người nhận. Do vậy, THA sẽ chuyển hướng sang xử lý tài sản là căn nhà. Qua làm việc với bà H. thì CHV đã giải thích đây là đối tượng phải THA và vận động bà H. tự nguyện xử lý tài sản nhưng chưa có kết quả.
Ngày 4-6 vừa qua, CHV đã gửi thông báo hướng dẫn cho bà H. về việc có thể khởi kiện ông Hoàn ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp với nhà, đất bà đã mua. Đến nay đã hết thời hạn 30 ngày sau khi thông báo, nếu bà H. không thực hiện quyền của mình thì THA sẽ kê biên, xử lý nhà của bà theo quy định tại Thông tư số 14/2010. Bà H. đã khiếu nại thông báo trên và THA huyện cũng đã giải quyết khiếu nại xong.
Ông Lâm cho biết tại cuộc họp mới đây, đại diện VKSND huyện cũng đồng tình rằng hiện nay khó có thể xử lý chiếc xe ô tô. Nhưng VKS cũng lưu ý nếu kê biên nhà thì Chi cục THA phải có văn bản xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của Cục THA tỉnh. “Trong cuộc họp, Hội đồng CHV của Chi cục ngày 3-8 vừa qua, chúng tôi thống nhất xử lý ngôi nhà và đã làm văn bản gửi Cục THA tỉnh xin ý kiến chỉ đạo để tiến hành” - CHV Lâm nói.
Sẽ sớm THA dứt điểm Ngay sau khi có trả lời từ Cục THA tỉnh, chúng tôi sẽ tiến hành kê biên ngôi nhà mà ông Hoàn đã bán. Việc ông Hoàn bán nhà sau khi có bản án của tòa nhưng không dùng tiền đó để THA là hành vi tẩu tán tài sản, nên THA áp dụng Thông tư 14/2010 là không sai. Trong vụ này, lỗi ban đầu thuộc về CHV trực tiếp giải quyết đã chủ quan, khi đương sự tẩu tán tài sản thì CHV trở tay không kịp khiến vụ án bị kéo dài đến nay. Sau khi có kết quả xử lý vụ việc này, THA huyện sẽ thông báo cho báo biết. Ông NGUYỄN VĂN HƠN, Chi cục trưởng Chi cục THA |