Sự kiện phá giá đồng tiền của Trung Quốc được các chuyên gia nhìn nhận là nhằm kích hoạt nền kinh tế nước này vốn đang khá ảm đạm, đặc biệt là để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nước này sang các nước khác.
Ngay sau khi đồng tiền Trung Quốc rẻ đi, sóng gió lập tức nổi lên trên khắp các thị trường thế giới. Cụ thể thị trường tiền tệ, vàng, chứng khoán, hàng hóa và đồng tiền của nhiều nền kinh tế ngày hôm qua (12-8) đều sụt giảm mạnh. Đơn giản bởi nhân dân tệ ngày một trở nên phổ biến hơn trên thế giới và nước này có quan hệ thương mại với rất nhiều nước.
Thậm chí nhiều chuyên gia cảnh báo việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh tiền tệ nhằm giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc là đối tác chiếm tỉ trọng thương mại rất lớn của Việt Nam, do vậy việc họ phá giá đồng tiền có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc.
Hiểu một cách đơn giản, việc phá giá nhân dân tệ khiến nhập siêu của Việt Nam càng lớn vì hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ sẽ càng rẻ hơn. Ngược lại, hàng Việt xuất bán sang Trung Quốc lại đắt lên, điều này chắc chắn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn ở nhiều thị trường khác. Từ đó, cán cân thương mại vốn đã bị lệch lại càng lệch hơn nữa. Việt Nam bất lợi đủ kiểu.
Để hạn chế những bất lợi trên, Việt Nam cần làm gì? Ngay trong ngày hôm qua (12-8), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định nới rộng biên độ tỉ giá giữa tiền đồng và USD từ mức +/-1% hiện nay lên +/-2%. Biện pháp này được đánh giá là kịp thời, chủ động và linh hoạt nhằm ổn định tỉ giá theo định hướng đề ra từ đầu năm, đồng thời giảm những tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc giảm giá nội tệ tới nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt .
Tuy nhiên, chỉ riêng biện pháp trên là chưa đủ, chưa thể tránh được cú sốc nhân dân tệ, mà cần thêm nhiều giải pháp khác, bao gồm cả từ Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chẳng hạn doanh nghiệp nỗ lực tìm cách tăng chất lượng hàng hóa với mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Không nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhất là hàng nông sản, bằng việc mở rộng thêm thị trường mới; người tiêu dùng Việt đẩy mạnh dùng hàng Việt thay vì chỉ quan tâm đến hàng Trung Quốc vì giá rẻ nhưng chất lượng liên tục bị phát hiện “có vấn đề” và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người sử dụng.
Khi chúng ta “đánh” nhiều mũi giáp công thì mới hy vọng tránh được cơn sốc nhân dân tệ và cơn bão hàng hóa Trung Quốc tràn vào.