Đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ không bắt kiểm định cân ngoài chợ

(PLO)- Việc cân đong ở chợ trên thực tế không có nhiều vi phạm về đo lường. Quy định buộc kiểm định bắt buộc định kỳ như một biện pháp tiền kiểm là tốn kém, không cần thiết.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ quy định về đo lường.

Thông tư này đang được sửa đổi để tổ chức thi hành Luật Đo lường. Theo luật này, phương tiện đo được sử dụng cho các mục đích “định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác” thì được gọi là phương tiện đo nhóm 2. Nhóm này phải được kiểm soát và Bộ KHCN được giao quy định chi tiết.

Kiểm định cân ở chợ Trùng Khánh, Cao Bằng đầu tháng 4-2023. Ảnh: CBTV

Quy định chi tiết nội dung này, Thông tư 23/2013 gộp chung tất cả các loại phương tiện đo, bất kể là theo mục đích công hay tư, chưa quan tâm tới tính khả thi, hợp lý của quy định. Theo VCCI, dự thảo sửa đổi Thông tư 23 chưa khắc phục hạn chế này.

Như vậy, các loại cân thông dụng dùng trong hoạt động mua bán hàng ngày (như cân của tiểu thương ở chợ) định kỳ 12 tháng hoặc 24 tháng đều phải đi kiểm định, nếu không có thể bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Quy định này đã 10 năm qua không khả thi. Rất ít tiểu thương mang cân của mình đi kiểm định đúng thời hạn. Bản thân chính quyền một số địa phương cũng phản ánh sự khó khăn khi thực thi quy định này.

Một số chi cục đo lường tại các địa phương đã phải tổ chức đoàn kiểm định cân miễn phí cho tiểu thương ở chợ. Kết quả các đợt kiểm định này cho thấy tỷ lệ cân không đạt tiêu chuẩn khá thấp. Khi không có các đợt kiểm định miễn phí tại chỗ thì các tiểu thương cũng không chủ động tuân thủ do tốn kém chi phí đi lại, và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh việc họ phải tốn nhiều chi phí, thời gian để kiểm định các loại phương tiện đo trong khi tỷ lệ sai sót hầu như bằng không. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, phải tháo thiết bị đo trong máy móc để mang đến tổ chức kiểm định hoặc mời kiểm định viên đến tận nơi với chi phí đắt đỏ.

Khắc phục những bất cập trên, trong văn bản gửi Bộ KHCN, VCCI đề nghị dự thảo thông tư phân phương tiện đo nhóm 2 thành hai nhóm theo mục đích công và tư. Trong đó các phương tiện đo sử dụng cho mục đích giao dịch, mua bán hàng hoá, dịch vụ là nhóm phương tiện sử dụng cho mục đích tư. Nếu có sai sót thì các bên có lợi ích liên quan có thể giải quyết bằng cơ chế dân sự.

Đối với phương tiện đo sử dụng trong “định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán” thì nên bỏ quy định về kiểm định với tính chất tiền kiểm, hoặc giảm tần suất kiểm định định kỳ. Thay vào đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra như giải pháp hậu kiểm về đo lường để phát hiện, chấn chỉnh các hành vi gian lận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới