TP.HCM: Quản lý 'khéo' không để tiểu thương giữ sạp trong chợ để kinh doanh ngoài chợ

(PLO)- Phó Chủ tịch HĐND TP kiến nghị Sở Công thương phát triển mô hình chợ truyền thống phải tránh xảy ra trường hợp tiểu thương không ở trong chợ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức giám sát đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp TP, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP về việc thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Đoàn khảo sát do Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng làm trưởng đoàn cùng các thành viên đại diện các ban thuộc HĐND, đại diện các sở, ngành.

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, tính đến nay Sở đã hoàn thành 8 trong tổng số 9 nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 84/KH-UBND về tổ chức thực hiện chủ đề năm 2022. Trong đó, một nhiệm vụ đang triển khai xây dựng là "Chương trình nâng cao hiệu quả mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống".

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, sau một thời gian chuyển từ thu phí chợ sang cơ chế thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng theo quy định của Luật Phí và lệ phí và Luật Giá, các chợ truyền thống ở TP.HCM vẫn lúng túng về phương án thu tiền sử dụng đất (tiền thuê đất).

"Nếu theo mô hình chợ truyền thống thì phải tính cơ cấu giá thuê đất vào giá thuê sạp chợ. Việc này Sở Công thương, Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với nhau báo cáo lên Bộ xem xét, nhưng hiện chưa được hướng dẫn nên các chợ hiện nay đang thu theo giá tạm tính, chưa cơ cấu", ông Tú cho hay.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Tú nêu ví dụ nếu các chợ truyền thống thực hiện cơ cấu vào như chợ Bến Thành thì với vị trí ngay trung tâm, giá thuê đất cao thì giá thuê sạp cũng rất cao, khi đó tiểu thương không thể thuê được.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng cần phải đổi mới phương thức quản lý để phát triển chợ truyền thống. Thời gian qua, đã có nhiều đề án về việc chuyển đổi số, sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Hiện Sở Công thương TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị báo cáo với UBND TP về vấn đề này.

"Nhưng để sửa ngay thì chúng ta sẽ gặp khó, phải thí điểm trước chứ để áp dụng cho các tiểu thương cùng một lúc thì không thể được", ông Tú nói.

Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận Sở Công thương đã làm tốt việc bình ổn giá cả, cung ứng hàng hoá trong dịp Tết nguyên đán hàng năm, góp phần cùng TP chăm lo Tết đến mọi nhà. Trong những tháng cuối năm 2022, ông Dũng đề nghị Sở tiếp tục làm tốt việc này, ổn định thị trường TP trong bối cảnh đang chịu nhiều tác động hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị Sở Công thương quan tâm thêm việc phát triển đề án về hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP. Việc vướng mắc trong giá thuê các sạp trong chợ truyền thống, cần phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường giải quyết.

"Theo báo cáo, quy hoạch chợ truyền thống trong tương lai giảm, vậy các hoạt động, loại hình phục vụ người dân khác thì như thế nào?", ông Dũng đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch HĐND TP cho biết, một số địa phương hiện đang hoạt động theo mô hình hợp tác xã để quản lý chợ truyền thống, Sở Công thương có thể tham khảo, dựa theo đó để tiếp tục đánh giá mô hình này nhưng điều tiên quyết là phải làm cho khéo.

"Nếu làm không khéo thì nhà chợ vẫn ở đó nhưng tiểu thương thì không ở trong chợ. Sạp chợ vẫn có tên tiểu thương nhưng họ kinh doanh ngoài chợ. Có nhiều trường hợp tiểu thương chỉ giữ sạp trong chợ để kinh doanh ngoài chợ, đó là thực tế", ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, việc quản lý chợ truyền thống hiệu quả sẽ góp phần trong việc giữ gìn an ninh trật tự xung quanh chợ.

"Việc đầu tư chợ truyền thống như thế nào, quản lý làm sao để hiệu quả thì đề nghị Sở Công thương tiếp tục quan tâm và tham mưu cho TP vì đây là công ăn việc làm của rất nhiều người dân trên địa bàn. Song song đó cần tiếp tục phát triển các loại hình thương mại khác để phục vụ người dân", Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM kiến nghị.

Đẩy mạnh xử lý chợ tự phát

Ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết Sở Công thương TP.HCM đã báo cáo với UBND TP.HCM đồng thời làm việc trực tiếp với các quận, huyện, TP. Thủ Đức về tình hình kinh doanh tự phát. Trong giai đoạn dịch COVID-19, TP đã dẹp được triệt để vấn đề này, nhưng sau đó hết dịch lại trở về như cũ.

Ông Tú nhìn nhận, "Đây là do thói quen mua sắm của người dân, nếu mình làm kiên quyết, thời gian sau thói quen này sẽ thay đổi dần. Sở Công thương sẽ thường xuyên theo dõi và phối hợp với quận, huyện, TP. Thủ Đức để kiểm soát vấn đề này".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm