Đề nghị bổ sung Thanh Hóa – Nghệ An thành vùng động lực phát triển

(PLO)- Trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia có 4 vùng động lực gồm: phía Bắc, phía Nam, miền Trung và ĐBSCL và đại biểu đề nghị bổ sung Thanh Hóa - Nghệ An vào vùng động lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Các đại biểu cơ bản tán thành những vấn đề được trình ra và đóng góp nhiều ý kiến về các lĩnh vực như: quy hoạch các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực; quy hoạch về nhân lực, ngành nghề, kể cả quy hoạch báo chí.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng: Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn vững chắc. Ví von QHTTQG “như người lính mở đường, tạo động lực phát triển”, nhưng ông An đề nghị quy hoạch phải khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ đánh giá, dễ giám sát, thực hiện.

“Lần đầu tiên làm nội dung quan trọng, chưa có tiền lệ dù quy định pháp luật rõ. Tuy nhiên, xác định nội dung nào mang tính khả thi thì phụ thuộc vào phương pháp làm”, ông An nói.

Theo ông An, QHTTQG phải được tính toán khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, nhưng phải rõ, cụ thể. QHTTQG không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại cơ học chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã được Đại hội Đảng thông qua.

ĐB Trịnh Xuân An đề nghị đưa thêm vùng động lực "Thanh Hóa - Nghệ An". Ảnh: PT

ĐB Trịnh Xuân An đề nghị đưa thêm vùng động lực "Thanh Hóa - Nghệ An". Ảnh: PT

QHTTQG không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành, địa phương có có căn cứ xây dựng các chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp.

4 Vùng động lực quốc gia

Trong QHTTQG, 4 vùng động lực được xác định về phạm vi như sau

+ Vùng động lực phía Bắc: bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng.

+ Vùng động lực phía Nam: TP HCM và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP HCM là cực tăng trưởng.

+ Vùng động lực miền Trung: bao gồm khu vực ven biển (các địa bàn cấp huyện từ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến biển) thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng.

+ Vùng động lực ĐBSCL: bao gồm thành phố Cần Thơ, các địa bàn cấp huyện của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp gắn với khu vực kết nối các tuyến đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Vĩnh Long, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi) và thành phố Phú Quốc; trong đó thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng.

Theo ông An, cần xem xét trong QHTTQG những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý, tức là quy hoạch “cứng”, như nội dung liên quan tới đất đai, giao thông, năng lượng, quốc phòng an ninh… thì nên “chốt cứng” trong chiến lược này.

Còn các vấn đề có thể xã hội hoá được thì nên xác định là quy hoạch “mềm”. Tức là QHTTQG phải vừa có quy hoạch cứng và quy hoạch mềm, tránh việc đi vào chi tiết, chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí bó khung lại thì hạn chế phát triển thời gian tới.

Về các vùng động lực, ông An đề xuất: “Hiện nay có 4 vùng động lực, đề nghị bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hoá - Nghệ An, đây là hai địa bàn phát triển thời gian qua”.

“Việt Nam cần xác định rõ nông nghiệp là lĩnh vực mới có thể so sánh, cạnh tranh được với thế giới. Do đó, phải bổ sung thêm nội dung về nông nghiệp chế biến sâu trong phát triển nông nghiệp”, ông An nói và lưu ý các nội dung khác có vẻ “hơi dàn trải”.

“Những nội dung nào có lợi thế so sánh, cạnh tranh thì phải nêu rất rõ trong quy hoạch, chứ dàn trải thì chỗ nào chúng ta cũng có, cũng ghi một chút sẽ không rõ được những gì chúng ta có khả năng cạnh tranh, trở thành điểm sáng thế giới”, ông An cho hay.

Về quốc phòng an ninh, đây là nội dung xâu chuỗi gắn kết các nội dung khác tại QHTTQG, nhưng theo ông An, Điều 12 tại dự thảo Quy hoạch hiện chưa đầy đủ, quá chung chung.

“Đề nghị cần tiếp thu điều 8 chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó xác định xây dựng lực lượng nào tiến lên hiện đại, lực lượng nào ưu tiên…”, ông An khuyến nghị.

ĐB đề nghị đưa tỉnh mình vào vùng động lực, hành lang kinh tế

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu sau đó cũng đề xuất bổ sung thêm Thanh Hóa trong định hướng phát triển vùng động lực phía Bắc để xây dựng Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) thì đề nghị Quốc hội xem xét đưa Long An vào vùng động lực phía Nam. Vì Long An hiện cũng rất phát triển, có thể tự cân đối thu chi và sát bên TP HCM, vùng động lực phía Nam mà QHTTQG đã xác định.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng: hành lang kinh tế Đông Tây về phía Bắc của vùng Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng đã kết nối với vùng động lực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi rất vững vàng. Nhưng hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Nam của vùng chưa được kết nối với vùng động lực của vùng trong giai đoạn này. Vì vậy, để tăng cường kết nối vùng, ĐB Hạnh đề nghị bổ sung vùng ven biển Bình Định vào vùng động lực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm