Chiều 17-4, đại diện VKSND TP Móng Cái đã công bố bản luận tội, đồng thời, đề nghị mức án 7-8 năm tù đối với bị cáo Bùi Mạnh Giáp (36 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội) về tội cướp tài sản.
Mặc dù bị cáo kêu oan, nhân chứng cho rằng họ bị oan, họ không thực hiện vụ cướp, Giáp không chỉ đạo họ đi cướp nhưng trong bản luận tội của mình đại diện VKSND TP Móng Cái nhận định bị cáo đã chỉ đạo nhóm 10 cửu vạn dưới quyền thực hiện vụ cướp đò hàng điện tử ở khu vực Cổ Ngỗng trên sông Ka Long rạng sáng 16-12-2012.
Đại diện VKS luận tội đề nghị mức án 7-8 năm tù đối với bị cáo.
Đại diện VKS cho rằng lời khai Giáp không chỉ đạo các cửu vạn đi cướp của các nhân chứng Vũ Văn Sinh, Bùi Văn Giang, Bùi Văn Đẳng, Ngô Văn Công, Hà Xuân Quyền là những cửu vạn dưới quyền Giáp, không khách quan. Lời khai của nhân chứng Nguyễn Quốc Cường, Nguyễn Ngọc Tùng tại toà cho rằng đã đổ tội oan cho Giáp cũng không được VKS chấp nhận.
Đại diện VKS còn cho rằng các nhân chứng phản cung là do thời kỳ tạm giam Cường ở cùng buồng với Giáp, đã được Giáp hứa hẹn lo cho. Đại diện VKS nhận định Giáp có hành vui xúi giục các nhân chứng phản cung gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.
Cũng theo VKS, căn cứ vào biên bản bắt người phạm tội quả tang, hồ sơ vụ án và lời khai của người bị hại, đủ cơ sở kết luận Giáp phạm tội cướp tài sản mà cáo trạng đã truy tố. Đại diện VKS đề nghị toà xử bị cáo Giáp mức án 7-8 năm.
Bị cáo Giáp cho rằng tất cả lời luận tội của vị đại diện VKS đều không đúng. “Tất cả nhóm cửu vạn không ai đi cướp, tôi không chỉ đạo ai đi cướp” – Giáp nói.
Bị cáo Giáp cho rằng tất cả lời luận tội của đại diện VKS không đúng.
Người bào chữa cho bị cáo Giáp cho rằng cáo trạng xác định trên đường đi làm về Cường nhìn thấy đò chở hàng vi tính đậu ở khu vực Cổ Ngỗng nên nảy sinh ý định cướp. Trong khi đó, nhóm Cường đi làm về bằng xe ô tô đi cung đường cách khu vực đò chở hàng máy tính hàng cây số, qua khu đồi rừng nên không thể nhìn thấy đò để nảy sinh ý đồ cướp.
Theo luật sư, hồ sơ tài liệu mà đại diện VKS dùng để buộc tội bị cáo có dấu hiệu bị bớt xén. Đó là các tài liệu nhân chứng không nhận tội và khai Giáp không biết không chỉ đạo lập tại đồn biên phòng Hải Hoà ngày 16 và 17-12-2012. Lời khai của bị hại Tống Ân Hoa cũng chứa đầy mâu thuẫn như việc ông này không biết chữ (cả tiếng Trung và tiếng Việt), số người xuống đò, số người khống chế, nhìn thấy 5-6 người trên đồi rậm giữa đêm tối.
Luật sư chỉ ra biên bản bắt người phạm tội quả tang mà biên phòng lập có dấu hiệu bị ngụy tạo. Theo đó, biên bản ghi thời điểm lập lúc 3 giờ sáng 16-12-212 nhưng bản tường trình của ông Trần Xuân Khánh, Phó trưởng đồn biên phòng Hải Hoà thời điểm ấy, lúc 7 giờ 30 sáng hôm ấy, ông mới chỉ đạo lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ vật chứng, lấy lời khai nhóm cửu vạn.
Trong biên bản lập lúc 3 giờ sáng này có chữ ký của bị hại Tống Ân Hoa nhưng phải 9 giờ mới có đến đồn biên phòng làm đơn trình báo về vụ cướp. Hồ sơ thể hiện thời điểm lúc 3 giờ sáng 16-12-2012, ông Nguyễn Minh Hạnh, cán bộ biên phòng đồn Hải Hoà, đang ở trạm Bến Xuồng nhưng vẫn ký vào Biên bản phạm tội bắt người quả tang lập tại đồn biên phòng thời điểm đó.
Theo luật sư, trong hồ sơ thể hiện việc biên phòng phát hiện vụ cướp, truy tìm, bắt giữ năm cửu vạn không liên tục, không đảm bảo các yêu cầu bắt buộc của việc người phạm tội quả tang.
Ngoài ra vật chứng có dấu hiệu bị “ném” vào vụ án. Cán bộ biên phòng nhặt dây thừng, tuýp sắt, kiếm nhặt được mang về lập biên bản bắt nhóm Cường ký biên bản truy tìm vật chứng. Thanh tuýp sắt thu giữ tại phòng trọ của Giáp, không liên quan gì tới vụ án vẫn bị đưa vào vụ án. Lời khai của nhóm cửu vạn về hung khí hết sức mâu thuẫn, người khai bao đựng hung khí màu hồng, người khai màu xanh…