Đây cũng là một kẽ hở trong quy định phòng, chống tham nhũng trong điều kiện nước ta hiện nay chưa kiểm soát được thu nhập hợp pháp của cá nhân.
Tại nhiều nước, cơ quan thuế có thể kiểm soát toàn diện thu nhập hợp pháp của công dân, nếu có dấu hiệu bất minh phải giải trình, nếu bị phát hiện tài sản có nguồn gốc phạm tội thì còn bị tịch thu. Điều đó không chỉ giúp hoạt động phòng, chống tham nhũng mà còn nhằm phòng, chống rửa tiền “bẩn”, phòng, chống tội phạm kinh tế và các loại tội phạm khác. Vì thế quan chức về hưu ở nước ngoài tuy không phải kê khai, công khai tài sản theo diện người nắm giữ chức vụ nhưng họ vẫn bị kiểm soát thu nhập và tài sản như mọi công dân khác. Và nếu về hưu mà bỗng dưng giàu lên bất thường thì cơ quan thuế sẽ truy nguồn gốc tài sản. Nếu trốn thuế thì bị truy thu thuế, còn nếu xác minh có dấu hiệu tài sản phi pháp thì có thể bị điều tra hình sự, có thể bị tịch thu tài sản bất hợp pháp.
Bức xúc của người dân về tham nhũng không chỉ nghi vấn sự giàu có bất thường của quan chức đương nhiệm mà còn là sự giàu có “đột biến” của quan chức sau khi nghỉ hưu.
Trong điều kiện nước ta chưa có quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai là người giữ chức vụ đã nghỉ hưu và cơ quan thuế chưa thể kiểm soát toàn diện thu nhập hợp pháp của công dân thì quan chức về hưu dễ “lọt lưới”.
Vì vậy cần phải bổ sung trong Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Quan chức đã nghỉ hưu, nếu xuất hiện tài sản khác với bản khai trước khi về hưu mà có giá trị lớn, bất thường so với thu nhập hiện tại thì bắt buộc phải giải trình. Đặc biệt cần bổ sung các quy định về việc phát hiện, tiếp nhận và xác minh thông tin phản ánh về tài sản của quan chức về hưu, để phòng ngừa những cú “hạ cánh an toàn”.
Ông NGUYỄN THANH PHONG Phó Trưởng phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng - Thanh tra TP.HCM