SEA Games được tổ chức luân phiên tại những quốc gia có điều kiện cơ sở vật chất lẫn công tác tổ chức tốt và thực tế chỉ quanh quẩn ở một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines. Đến năm 2003, SEA Games được “mở rộng” sang Việt Nam với lần đầu đăng cai và đến năm 2021 thì chủ nhà SEA Games trở lại với Việt Nam.
Lễ trao ngọn lửa SEA Games từ Ban tổ chức SEA Games 2017 sang Ban tổ chức SEA Games 2019. Ảnh: CMQ
SEA Games luôn có “điều khoản mở” cho chủ nhà
Với những quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã “nâng cấp” trình độ tổ chức của mình và hướng đến những đại hội thể thao lớn hơn tầm châu Á lẫn thế giới thì SEA Games lại được xem là nơi quảng bá du lịch bằng việc đưa đuốc SEA Games hoặc nhiều môn đấu về các địa phương, như Thái Lan năm 1998 từng đưa về Chiang Mai hoặc Malaysia, Indonesia có nhiều môn đấu được đưa ra khỏi thủ đô về những nơi cần quảng bá du lịch. Thậm chí có những quốc gia nhiều lần đăng cai còn từ chối cả quyền đăng cai.
SEA Games 30 đưa thêm môn thể thao lạ Wakeboarding, môn kết hợp giữa lướt sóng và trượt tuyết, là môn độc của Philippines. Ảnh: GETTY IMAGES
Môn võ gậy truyền thống của chủ nhà được xem là môn gặt nhiều huy chương của Philippines. Ảnh:VTVN
Ủy ban Olympic Đông Nam Á gần đây đã mở rộng thêm và tạo điều kiện lẫn khuyến khích các quốc gia chưa được đăng cai hãy mạnh dạn đăng cai. Như Lào từng được hậu thuẫn để tổ chức SEA Games 2009 hay Myanmar năm 2013, và gần đây là nhiều lần động viên Campuchia nhận quyền đăng cai nhưng chưa thực hiện được.
Điều chưa hay của SEA Games là ở chỗ lệ thuộc nhiều vào chủ nhà, vào đơn vị đăng cai nên SEA Games luôn mở ra những môn thể thao ưu tiên cho chủ nhà không nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Điều này không kích thích tinh thần Olympic mà chỉ đáp ứng nhu cầu kiếm huy chương để báo cáo thành tích của thể thao chủ nhà, của đơn vị đăng cai.
Câu chuyện khi Việt Nam nhận quyền đăng cai
Vẫn biết rằng những môn “lạ” đấy phải được sự đồng ý của Hội đồng Olympic Đông Nam Á nhưng gần như rất ít đại diện nào lên tiếng đấu tranh cho luật bất thành văn để ưu ái chủ nhà. Đó là chưa kể nhiều lúc những người cầm cân nảy mực cũng ưu ái nốt gọi là “vì cái chung, vì chủ nhà”.
Nhưng “cái chung” đấy lại rất hay phục vụ cho “cái riêng” mà thể thao Đông Nam Á đã và đang chấp nhận. Đó là đưa môn của mình vào và triệt những môn thế mạnh của các quốc gia cạnh tranh.
Như SEA Games 18 - 1995 tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia bị cắt đi nhiều môn thế mạnh ở các nội dung kiếm vàng. Sang SEA Games 19 - 1997 thì Indonesia cắt bớt các nội dung là thế mạnh của Thái Lan và đưa nhiều môn võ độc truyền thống của Indonesia vào. SEA Games 21 - 2001 tại Malaysia, chủ nhà cũng tận dụng quyền đăng cai và “bóp” rất nhiều huy chương của các quốc gia khác để lên ngôi toàn đoàn.
Nước mắt hạnh phúc từ giá trị HCV thực thụ nhưng cũng không thiếu nước mắt đau khổ vì mất huy chương không do chuyên môn. Ảnh: QUANG THẮNG
Cũng tại SEA Games trên, sau buổi nhận cờ đăng cai từ Malaysia, phó chủ tịch Olympic Việt Nam khi ấy là ông Hoàng Vĩnh Giang nói thẳng với tôi: “Tôi nhận cờ đăng cai và bắt gặp các ánh mắt lẫn nụ cười thân thiện, trìu mến của các trưởng đoàn thể thao. Họ biết quyền bây giờ trong tay chúng ta. Chẳng bù với các SEA Games trước, mình bị “bóp”, bị “hành” đủ kiểu, nay lại được mọi người tình thương mến thương”.
Hai năm sau, SEA Games 22 - 2003 tại Việt Nam cũng là lần đầu tiên Việt Nam lên vị trí nhất toàn đoàn với 158 HCV so với hai năm trước hạng tư toàn đoàn chỉ có 33 HCV. Cũng SEA Games 22 tại Việt Nam, Malaysia - chủ nhà của SEA Games trước (nhất toàn đoàn với 111 HCV) rớt thẳng xuống vị trí thứ năm chỉ với 44 HCV.
Những so sánh rất cụ thể trên để thấy rằng SEA Games là đại hội thể thao lớn nhất của Đông Nam Á nhưng vẫn còn chịu rất nhiều ảnh hưởng từ căn bệnh chung của thể thao khu vực.
SEA Games 30 - 2019 tại Philippines chưa diễn ra nhưng mới đây đoàn Malaysia đã lo lắng chuyện bị “làm khó” và mất huy chương vốn là căn bệnh chung. Hay ngay như lễ bốc thăm bóng đá nam SEA Games 30, xếp Việt Nam vào nhóm bốn cùng với Campuchia, Lào, Brunei… khiến VFF phải năm lần bảy lượt kiến nghị. Sau đó, đến khi công bố chia bảng, lạ lùng thay tất cả đội có khả năng cao như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia đều bị dồn hết qua bảng 6 đội, để chủ nhà Philippines ung dung ở bảng 5 đội cùng lịch đấu thuận lợi ở cả vòng loại lẫn bán kết.
SEA Games rất muốn nâng tầm, muốn thoát cảnh ao làng nhưng rồi cứ vào cái vòng luẩn quẩn thành tích.
Những con số và bệnh thành tích Bảng thống kê thành tích một số kỳ SEA Games 2001 cho thấy nghịch lý của thể thao Đông Nam Á: + SEA Games 2001 tại Malaysia: 1. Malaysia: 111 HCV 2. Thái Lan: 103 HCV 3. Indonesia: 72 HCV 4. Việt Nam: 33 HCV + SEA Games 2003 tại Việt Nam: 1. Việt Nam: 158 HCV 2. Thái Lan: 90 HCV 3. Indonesia: 55 HCV 4. Philippines: 48 HCV 5. Malaysia: 44 HCV + SEA Games 2011 tại Indonesia: 1. Indonesia: 182 HCV 2. Thái Lan: 107 HCV 3. Việt Nam: 96 HCV 4. Malaysia: 59 HCV + SEA Games 2017 tại Malaysia: 1. Malaysia: 145 HCV 2/. Thái Lan: 72 HCV 3. Việt Nam: 58 HCV 4. Singapore: 38 HCV |