SEA Games 30 đã kết thúc với chiếc HCV môn bóng đá nam thuộc về U-22 Việt Nam sau khi thầy trò HLV Park Hang-seo đánh bại U-22 Indonesia 3-0 trong trận chung kết.
Theo tờ Fox Sports Asia, giải đấu này một lần nữa khẳng định vị thế số 1 của bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực. Trong khi đó, màn trình diễn của U-22 Myanmar, U-22 Campuchia hay U-22 Indonesia đã cho thấy một tương lai tốt đẹp đang chờ đón họ.
Tờ Fox Sports Asian đã chọn ra 11 cái tên xuất sắc nhất tại SEA Games 30, trong đó U-22 Việt Nam có bốn cầu thủ gồm Văn Hậu, Hùng Dũng và cặp tiền đạo Đức Chinh - Tiến Linh.
Thủ môn: Sann Satt Naing (U-22 Myanmar)
SEA Games 30 chứng kiến nhiều thủ môn mắc sai lầm. Ngay cả HLV Park Hang-seo của U-22 Việt Nam cũng đau đầu trong việc chọn Tiến Dũng hay Văn Toản bắt chính, bởi cả hai đều mắc lỗi nặng dẫn đến những bàn thua của U-22 Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có một thủ môn thi đấu ổn định và xuất sắc tại SEA Games 30, đó là Sann Satt Naing của U-22 Myanmar. Trong kỳ SEA Games thứ hai của cá nhân Sann Satt Naing, chàng trai 22 tuổi này đã góp công lớn giúp U-22 Myanmar giành HCĐ.
Hậu vệ
Đoàn Văn Hậu (U-22 Việt Nam)
Hậu vệ mới 20 tuổi này là ngôi sao sáng nhất trong trận chung kết SEA Games 30 không chỉ bằng cách ngăn chặn các cầu thủ chạy cánh của U-22 Indonesia, mà Văn Hậu còn ghi hai bàn thắng giúp U-22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30.
Văn Hậu có thể đang chật vật tìm kiếm một vị trí chính thức tại CLB SC Heerenveen (Hà Lan) nhưng với việc tỏa sáng rực rỡ tại SEA Games, Văn Hậu đã chứng minh anh là một trong những hậu vệ giỏi nhất Đông Nam Á.
Amani Aguinaldo (U-22 Philippines)
Chủ nhà SEA Games 30 không thể vào bán kết vì thua hiệu số phụ U-22 Campuchia nhưng cá nhân Amani Aguinaldo đã có một giải đấu nổi bật.
Amani Aguinaldo là một trong hai cầu thủ quá tuổi trong đội hình U-22 Philippines cùng với đội trưởng Stephan Schrock. Aguinaldo đã lập hat-trick trong trận cuối vòng bảng với U-22 Đông Timor để cố gắng giúp Philippines vượt qua Campuchia về hiệu số nhưng bất thành.
Asnawi Bahar (U-22 Indonesia)
Asnawi Bahar khởi đầu SEA Games 30 ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Tuy nhiên, sau đó HLV Indra Sjafri đã chuyển Bahar sang đá hậu vệ phải và anh đã thi đấu cực kỳ xuất sắc.
Sự cơ động, nhanh nhạy của Bahar khiến đối phương không chỉ phải để ý đến Egy Maulana và Saddil Ramdani mà còn phải đề phòng cánh phải, nơi Bahar có thể vượt lên xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương bất cứ lúc nào.
Tiền vệ
Sieng Chanthea (U-22 Campuchia)
Cầu thủ mới 17 tuổi của U-22 Campuchia đã ghi tên mình vào sử sách với bàn thắng nhanh nhất lịch sử SEA Games. Đó là bàn thắng mở tỉ số 1-0 cho U-22 Campuchia trong trận tranh HCĐ SEA Games 30.
Sieng Chanthea là một trong những ngôi sao chủ chốt, trực tiếp chắp cánh cho ước mơ lần đầu tiên vào bán kết SEA Games của U-22 Campuchia thành hiện thực.
Dù U-22 Campuchia không giành được huy chương nhưng họ đã trình làng một thế hệ trẻ đáng xem và đó sẽ là những ngôi sao tương lai của bóng đá Campuchia.
Đỗ Hùng Dũng (U-22 Việt Nam)
Tiền vệ 26 tuổi của CLB Hà Nội FC là một trong hai cầu thủ quá tuổi mà HLV Park Hang-seo chọn đá SEA Games 30. Hùng Dũng dẫn dắt hàng tiền vệ U-22 Việt Nam với sự điềm tỉnh và là chỗ dựa cho các đồng đội trẻ. Hùng Dũng cũng được trao băng đội trưởng U-22 Việt Nam sau khi Quang Hải chấn thương ở trận gặp U-22 Singapore và nghỉ hết SEA Games.
Hùng Dũng cũng là cầu thủ ghi bàn thứ hai cho U-22 Việt Nam trong trận chung kết thắng U-22 Indonesia 3-0.
Myat Kaung Khant (U-22 Myanmar)
Tiền vệ 19 tuổi này thi đấu xuất sắc trong suốt giải đấu và có thể anh sẽ được HLV Antoine Hey cân nhắc cho một vị trí trong đội hình tuyển quốc gia tham dự vòng loại World Cup 2022.
Khoảnh khắc đẹp nhất của Myat Kaung Khant tại SEA Games 30 chính là cú đá phạt tuyệt vời tung lưới U-22 Campuchia giúp đội nhà sau đó giành HCĐ SEA Games.
Saddil Ramdani (U-22 Indonesia)
Saddil Ramdani là mối nguy hiểm cho mọi hàng thủ đối phương tại SEA Games năm nay với những quả tạt chính xác bên cánh trái. Cầu thủ chạy cánh thuộc biên chế CLB Pahang này cũng ghi hai bàn thắng ở vòng bảng cho Indonesia.
Saddil Ramdani đã giành HCB SEA Games 30 cùng U-22 Indonesia. SEA Games 29 cách đây hai năm ở Malaysia, Saddil Ramdani giành HCĐ cùng đội nhà.
Tiền đạo
Osvaldo Haay (U-22 Indonesia)
Tiền đạo thuộc biên chế CLB Persebaya Surabaya này chỉ có ba bàn thắng trong hơn 25 lần khoác áo đội U-23 Indonesia trước khi bay sang Philippines dự SEA Games 30. Nhưng Osvaldo Haay đã thi đấu bùng nổ ghi tám bàn sau bảy trận tại SEA Games 30.
Hà Đức Chinh (U-22 Việt Nam)
Hà Đức Chinh cũng đồng sở hữu ngôi vua phá lưới SEA Games 30 cùng Osvaldo Haay với tám bàn thắng. Tiền đạo của CLB SHB Đà nẵng ghi đến hai hat-trick tại SEA Games 30.
Với màn trình diễn xuất sắc tại SEA Games 30, Đức Chinh gần như chắc chắn có tên trong đội hình U-23 Việt Nam tham dự VCK U-23 châu Á đầu năm tới. Ngoài ra, Đức Chinh cũng hy vọng được thầy Park gọi lại vào đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự vòng loại World Cup 2022.
Nguyễn Tiến Linh (U-22 Việt Nam)
Nguyễn Tiến Linh có một năm thi đấu rực rỡ ở cả đội U-22 Việt Nam lẫn đội tuyển quốc gia. Anh lập cú đúp trong trận giao hữu U-22 Việt Nam thắng U-22 Trung Quốc 2-0 ngay trên sân khách. Sau đó, anh cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam đánh bại Indonesia và UAE ở vòng loại World Cup 2022.
Tại SEA Games 30, Tiến Linh tiếp tục thi đấu bùng nổ với sáu bàn thắng góp phần giúp U-22 Việt Nam lên ngôi vô địch.