Ngày 1-4, TAND tỉnh Bến Tre đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ (BVCSSK-CB) tỉnh Bến Tre.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Võ Thị Hồng Vân (cựu kế toán Ban BVCSSK-CB tỉnh Bến Tre), Đào Minh Việt và Trần Thị Nguyệt (đều là cựu thủ quỹ Ban BVCSSK-CB tỉnh Bến Tre), cùng về tội tham ô tài sản.
Giả hàng loạt chữ ký lãnh đạo, chiếm đoạt tiền tỉ
Theo cáo trạng, Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Ban) được thành lập vào năm 1984 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre quản lý. Theo cơ cấu tổ chức, ông Võ Phúc Ánh – Phó trưởng Ban thường trực thực hiện quản lý thu, chi của Ban theo quy định, đồng thời là chủ tài khoản của đơn vị.
Các bị cáo tại tòa .
Từ năm 2010, bà Võ Thị Hồng Vân làm kế toán tại Ban. Trong thời gian làm nhiệm vụ, từ tháng 12-2012 đến cuối tháng 9-2016, lợi dụng sự quản lý thiếu chặt chẽ của ông Võ Phúc Ánh, Vân đã lập 56 giấy rút tiền giả chữ ký của ông Ánh là chủ tài khoản rồi đưa cho Đào Minh Việt đến kho bạc nhà nước tỉnh Bến Tre rút gần 2,5 tỉ đồng về giao cho Vân. Toàn bộ các giấy giả chữ ký rút tiền về đều không nhập sổ quỹ tiền mặt thủ quỹ và sổ sách kế toán, gây thiệt hại cho ngân sách gần 2,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, Vân còn thực hiện các hành vi lập khống 2 ủy nhiệm chi có nội dung chuyển trả tiền mua thuốc điều trị cho cán bộ nhằm chiếm đoạt trên 408 triệu đồng.
Cũng trong thời gian làm nhiệm vụ, Vân được ông Ánh phân công thu tiền viện phí 5%, 20% của các đối tượng loại B, loại C khám bệnh tại Ban nhưng không kiểm tra, tạo điều kiện cho Vân để ngoài sổ sách chiếm trên 837,5 triệu đồng. Tổng cộng Vân đã chiếm đoạt trên 3,7 tỉ đồng.
Trong vụ án này, Đào Minh Việt là người giúp sức cho Vân sử dụng giấy rút tiền giả chữ ký chủ tài khoản đến kho bạc rút gần 2,5 tỉ đồng về giao cho Vân, Việt còn trực tiếp đi rút tiền về không nhập sổ quỹ tiền mặt gây thiệt hại trên 2,4 tỉ đồng.
Đối với Trần Thị Nguyệt, trong thời gian làm thủ quỹ, Nguyệt trực tiếp đi rút tiền về không nhập quỹ chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng và ký trên các phiếu thu nhưng không nhập quỹ số tiền trên 204 triệu đồng. Tổng cộng số tiền Nguyệt chiếm đoạt là trên 244 triệu đồng.
Cáo trạng xác định trong công tác quản lý thu chi tài chính tại Ban đã thất thoát số tiền trên 6,5 tỉ đồng. Liên quan đến các sai phạm trên, các cá nhân có liên quan đã nộp khắc phục hậu quả trên 3,5 tỉ đồng. Trong vụ án này, tất cả các bị cáo đều bị truy tố ra trước TAND tỉnh Bến Tre cùng về tội tham ô tài sản theo Điều 278 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Cáo trạng của VKSND tỉnh Bến Tre nêu rõ ông Võ Phúc Ánh thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý thu, chi tại Ban để thất thoát tổng số tiền trên 6,5 tỉ đồng. Hành vi của ông Ánh đã đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế ông Ánh không bị khởi tố hay truy tố về tội danh này. Dư luận cho rằng, trong vụ án này các cơ quan tố tụng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Bến Tre.
Việc ông Ánh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự được các cơ quan tố tụng cho rằng trong quá trình điều tra, ông Ánh đã tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo, tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân và tự giác nộp khắc phục hậu quả số tiền trên 2,6 tỉ đồng. Bản thân ông Ánh được tặng nhiều danh hiệu như Huân chương lao động hạng 3, danh hiệu thầy thuốc ưu tú và nhiều bằng khen khác… Thêm nữa, bản thân ông Ánh là bác sĩ, không am hiểu sâu lĩnh vực tài chính kế toán, ông đang bị bệnh hiểm nghèo… Vì vậy, cơn quan tố tụng đã không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông.
Trong khi đó, theo quy định pháp luật, các lý do trên không thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sai phạm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các tình tiết trên chỉ áp dụng khi lượng hình nhằm xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo lúc xét xử chứ không phải là căn cứ để không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày.