Ngày đầu thi THPT quốc gia

Đề toán khó, đề văn gần với ‘tiềm lực’ thí sinh

Kết thúc ngày thi đầu tiên, 25-6, Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho biết tổng số thí sinh (TS) đăng ký dự thi môn văn là 905.432 TS, môn toán 921.209 TS. Tổng số TS đến dự thi: Môn văn là 901.327 TS (đạt tỉ lệ 99,55%), môn Toán 916.789 TS (đạt tỉ lệ 99,52%).

Đình chỉ 44 TS vi phạm quy chế

Theo ban chỉ đạo kỳ thi, trong ngày thi đầu tiên có 45 TS vi phạm quy chế thi, trong đó khiển trách một TS và đình chỉ 44 TS. Riêng tại TP Hà Nội, chỉ trong buổi sáng đã có 16 TS vi phạm vì mang điện thoại vào phòng thi. Ngày thi thứ nhất không có cán bộ vi phạm quy chế.

Theo đánh giá chung của Bộ GD&ĐT và ban chỉ đạo thi, kết thúc ngày thi thứ nhất các điểm thi trên cả nước tổ chức thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Thời tiết ở phần lớn các tỉnh, thành nhìn chung thuận lợi, giao thông đảm bảo an toàn giúp các TS đến dự thi đầy đủ, đúng giờ.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục có mưa lớn, gây sạt lở, lũ quét, làm ách tắc giao thông tại một số tuyến đường. Ở tỉnh Lai Châu và Hà Giang, dù địa phương đã cố gắng khắc phục tối đa nhưng vẫn còn một số TS không đến được điểm thi (môn văn có 13 TS không đến được điểm thi, môn toán có năm TS). Bộ GD&ĐT cho biết sẽ quyết định phương án xử lý phù hợp, đúng quy chế và đảm bảo quyền lợi của TS.

Đề “đánh thức tiềm lực” khá hay

Buổi sáng 25-6, nhiều TS kết thúc môn văn với tâm trạng khá phấn khởi. Nhiều em rời phòng thi khá sớm với vẻ mặt hớn hở cho biết đề thi hay, các em làm được hết nhưng… chưa biết điểm số bao nhiêu.

Em Đặng Vũ Thiên Nga, Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội đánh giá câu “đánh thức tiềm lực” là một câu khá hay và mới trong đề văn năm nay. Còn với Lan Nhi, TS tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành, thì nói: “Em rất thích đề văn năm nay vì có câu “đánh thức tiềm lực”, em đọc đoạn thơ và cảm nhận được mục đích ra đề đó là khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, thôi thúc lớp trẻ cố gắng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đất nước và không ngừng phát triển bản thân”.

Các thí sinh thoải mái ra về sau giờ thi văn tại điểm thi THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bước ra từ điểm thi Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM, em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh (HS) Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình, nói đề thi khá dễ. Đề ra về hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ. “Những bài này em đều đã được ôn tập kỹ nên khá tự tin về bài làm của mình. Em làm xong bài từ sớm nhưng ngồi xem kỹ lại bài. Em làm được khoảng 8 điểm” - Linh nói.

Tại Cần Thơ, ở điểm thi Trường THCS Lương Thế Vinh, TS Nguyễn Nhật Thanh ra khỏi phòng thi lúc 9 giờ 10. Em Nhật Thanh chia sẻ đề văn khá đơn giản, dễ lấy được 5 điểm, riêng em tự tin mình sẽ được điểm 7.

Môn toán: Nhiều thí sinh than rất khó

Buổi chiều 25-6, hầu hết các TS đều rời phòng thi môn toán khi thời gian làm bài đã “cán mức” 90 phút. Nhiều TS cho biết đề thi khó, có sự phân hóa cao, khó đạt điểm cao.

Tại TP.HCM, ở điểm thi Trường THPT Thủ Thiêm, quận 2, TS Yến Nhi cho biết: Những câu đầu khá dễ, vừa sức, các câu sau dành cho học sinh giỏi nên khó hơn. “Có khoảng 10-15 câu em chưa được thầy cô hướng dẫn hoặc chưa gặp qua bao giờ. Em làm chắc chắn được khoảng 25 câu. 15 phút cuối em chỉ đánh vào những câu mà em… cảm thấy khả quan thôi” - Nhi nói.

Tương tự, tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, TS Nguyễn Thanh Tùng nói đề toán phân hóa từ dễ đến khó. Những câu đầu có vẻ khá dễ, bắt đầu từ câu 30 trở đi là khó dần. Những câu này chỉ dành cho những học sinh khá, giỏi mới làm được. Trong 50 câu, Tùng làm được khoảng 35 câu. “Em khá tự tin về bài làm của mình. Em làm được khoảng 8 điểm” - Tùng cho hay.

Tại Cần Thơ, nhiều TS cũng nhận xét đề toán khá khó, có nhiều câu nâng cao, không nằm trong chương trình ôn. TS Thảo Vy cho biết đề toán gồm 50 câu, em chỉ làm được khoảng 25 câu. Đề cũng nằm trong chương trình ôn nhưng thuộc dạng ôn tập nâng cao mới có thể làm tốt được. Và Thảo Vy dự đoán em làm được khoảng 5 điểm.

Tại Bình Thuận, với tâm trạng không mấy thoải mái khi bước ra khỏi điểm thi Trường THPT Bắc Bình (huyện Bắc Bình, Bình Thuận), TS Nguyễn Minh Quốc nhận xét: Đề toán khó, đặc biệt là những câu cuối có độ khó cao, em không giải được nên chỉ làm được khoảng 25/50 câu trắc nghiệm. Còn nữ sinh Nguyễn Thị Kim Ngân nói em làm được 38 câu và “đề toán khó, có một số dạng toán lạ, riêng 10 câu cuối cực khó”.

Hôm nay (26-6), buổi sáng các TS sẽ thi bài thi KHTN (gồm lý, hóa và sinh, mỗi môn 50 phút); buổi chiều thi ngoại ngữ với thời gian làm bài 60 phút.

Môn văn đề hay nhưng khó có điểm cao

Năm nay môn văn điểm sẽ tương đối khá nhưng không cao (điểm trung bình sẽ nhiều). Phần đọc hiểu, hầu hết TS sẽ làm được, còn phần viết đoạn văn, nghị luận xã hội, các em sẽ rơi vào tình trạng lan man nếu không nắm kỹ vấn đề vì biên độ của phạm vi đề rộng. Riêng phần nghị luận văn học khá hay vì nó thể hiện sự tư duy của HS nhiều hơn so với kiến thức ghi nhớ. Tuy nhiên, các em phải học bài, phải nắm kỹ vấn đề, trọng tâm của tác phẩm thì mới làm tốt. TS phải có kiến thức nền tảng tốt mới có thể tư duy để hiểu về đề.

So với đề văn năm ngoái, đề thi năm nay khó hơn. Và đề thi đã kích thích sự tư duy nhiều hơn. Năm ngoái chỉ yêu cầu cảm nhận về một đoạn thơ cho nên “đất” để HS thể hiện quan điểm của mình không có nhiều. Về mặt tổng thể, khoảng cách giữa văn học với cuộc sống đã được rút ngắn. Với đề thi này, HS sẽ dễ dàng đạt điểm 5 nhưng để đạt điểm giỏi thì không phải dễ. Và như vậy đề văn đã có sự phân hóa khá tốt.

Thầy TRƯƠNG MINH ĐỨC,giáo viên văn 
Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM

Điểm 9 môn toán ít, điểm 10 sẽ rất hiếm

Đề thi môn toán khó hơn năm trước, được phân hóa từ câu 30 trở đi và mức điểm phổ biến sẽ là 4-7.

Đề thi có 20 câu đầu là kiến thức rất cơ bản, HS trung bình yếu có thể làm được; từ câu 20 đến 25 là mức cho HS trung bình, trung bình khá; từ câu 26 đến 35, cùng câu 46, 47, HS học lực khá có thể làm được. Mức độ khó nằm ở các câu 36, 38, 39, 45, 49 dành cho HS khá giỏi. Một số câu rất khó như 37, 41, 42, 43, 44, 50 đòi hỏi học lực xuất sắc mới làm tốt.

Nhìn tổng quát, mức độ phân hóa đề thi khá rõ ràng, HS giỏi có thể đạt mức độ tới 9 nhưng để được điểm tuyệt đối sẽ rất khó. HS phải tận dụng tối đa thời gian mới có thể hoàn thành được bài thi. Về cấu trúc, đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút, gồm có 20% kiến thức lớp 11 và 80% kiến thức lớp 12. Một số câu được thiết kế giao thoa cả hai khối lớp.

Theo dự đoán, điểm thi năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2017. HS trung bình được khoảng 5 điểm. HS khá được khoảng 6 điểm. HS giỏi khoảng 7, 8 điểm. Điểm 9 không nhiều và điểm 10 sẽ rất hiếm.

Cô NGUYỄN THỊ GIANG, giáo viên toán 
Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

 

Bên lề cuộc thi

 1 thầy giáo đột quỵ, qua đời trước giờ coi thi. Đó là thầy Phạm Quốc Tuấn, 38 tuổi, dạy Trường THPT Tắc Vân, TP Cà Mau. Sáng 25-6, trước khi vào phòng coi thi tại điểm thi huyện Thới Bình (Cà Mau), thầy Tuấn than mệt. Các đồng nghiệp vội đưa thầy đi cấp cứu nhưng đã không kịp. Các bác sĩ xác định thầy Tuấn mất do đột quỵ. Thầy Tuấn là giáo viên môn an ninh quốc phòng, vợ thầy là giáo viên thể dục. 

• 2 con trai làm tiến sĩ, mẹ mới thi ĐH. Đó là trường hợp TS Nguyễn Thị Thanh Vân (50 tuổi), thi ở điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) khiến nhiều TS tưởng chị là… giám thị. Con trai đầu của chị Vân là giảng viên ĐH ở Hà Nội và đang làm luận án tiến sĩ, con thứ hai của chị đang là nghiên cứu sinh ở Anh. Chị Vân thi các môn toán, hóa và sinh để lấy điểm xét tuyển vào Trường ĐH Y khoa Vinh. “Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi chỉ tốt nghiệp y sĩ rồi công tác tại BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Công việc ở bệnh viện và nuôi các con ăn học nên tôi không có điều kiện để thi và học lên ĐH. Nay các con đã thành đạt và ổn định, tôi tiếp tục thực hiện ước mơ vào giảng đường” - chị Vân chia sẻ.

• Thí sinh đọc cho cán bộ coi thi chép hộ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Tại điểm thi Trường THPT Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) có một TS bị tai nạn giao thông và không thể tự làm bài thi môn văn. “TS này được bố trí một phòng thi riêng, có ba cán bộ coi thi, có công an đầy đủ. Một cán bộ không có chuyên môn về ngữ văn sẽ giúp TS làm bài. Sau khi coi đề, TS đọc như thế nào thì cán bộ này sẽ viết lại như thế đó, có thiết bị ghi âm để đối chiếu với bài làm” - ông Hùng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm