Đề xuất bỏ thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế

(PLO)- Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, BLDS chỉ quy định về phân chia di sản thừa kế, không quy định về khai nhận di sản, đồng thời quy định thời điểm từ chối nhận di sản là trước khi phân chia di sản.

Chiều 25-10, ngoài việc tiến hành công tác nhân sự theo thẩm quyền, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời, thảo luận về dự luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: QH

Đáng chú ý, giải trình, tiếp thu do ông Hoàng Thanh Tùng trình bày nói về công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế quy định tại Điều 56 và công chứng văn bản từ chối nhận di sản tại Điều 57 dự luật (bỏ thủ tục công chứng khai nhận di sản).

Theo đó, có ý kiến đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành về hình thức khai nhận di sản và phân chia di sản, bởi vì đối với trường hợp chỉ có một người thừa kế mà phải làm phân chia di sản thì không hợp lý.

Ý kiến khác để nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 56 quy định người thừa kế có quyền chuyển nhượng quyền hưởng di sản cho nhau trong văn bản phân chia di sản, tránh việc người thừa kế có nhu cầu chuyển nhượng nhưng phải làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trước khi thực hiện chuyển nhượng.

Về Điều 57, có ý kiến đề nghị không nên giới hạn cụ thể văn bản từ chối nhận di sản khi phát sinh sự kiện thừa kế, bởi vì có nhiều trường hợp người thừa kế thống nhất không nhận thừa kế trước khi có sự kiện thừa kế xảy ra.

Về các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, BLDS chỉ quy định về phân chia di sản, không quy định về khai nhận di sản, đồng thời quy định thời điểm từ chối nhận di sản là trước khi phân chia di sản.

“Do vậy, nếu Luật Công chứng quy định về khai nhận di sản hoặc cho phép từ chối nhận di sản trước khi hình thành di sản (Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác - Điều 612 của Bộ luật Dân sự) là không thống nhất với BLDS”, ông Hoàng Thanh Tùng trình bày.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 659 BLDS quy định: Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Phân tích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Nếu di chúc đã phân chia di sản thì phải được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc, không thể quy định việc cho tặng hay chuyển nhượng quyền hưởng thừa kế trái với ý chí của người để lại di chúc, chỉ sau khi người thừa kế đã hưởng thừa kế, xác lập quyền sở hữu đối với di sản thì chủ sở hữu mới được thực hiện quyền cho tặng, chuyển nhượng.

Đối với trường hợp di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì BLDS quy định phải chia đều, đồng thời vẫn cho phép những người thừa kế được thỏa thuận khác vì không xung đột với ý chí của người để lại di sản.

“Các quy định này đã bảo đảm điều chỉnh các tình huống phân chia di sản trong thực tiễn. Do đó, để bảo đảm thống nhất và tránh trùng lặp với các nội dung Bộ luật Dân sự đã quy định, xin bỏ khoản 2 Điều 56 của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7”, ông Hoàng Thanh Tùng trình bày.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc xử lý trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) không liên hệ được với người lập di chúc để thỏa thuận việc chuyển cho TCHNCC khác lưu giữ di chúc; TCHNCC có quyền thu một phần phí lưu giữ di chúc tương ứng với thời gian lưu giữ; quy định việc chịu trách nhiệm về việc mất và làm hỏng di chúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và bổ sung cuối khoản 2 Điều 58 của dự thảo Luật như sau: “Trường hợp không liên hệ được với người lập di chúc thì di chúc được chuyển giao cho TCHNCC tiếp nhận hồ sơ của TCHNCC đã chấm dứt hoạt động, chuyển đổi hoặc giải thể.”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới