Vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2: Hoạt động của đường dây chạy cấp phép cho khách lẻ

(PLO)- Vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, cựu Phó phòng Cục Hàng không, cựu trưởng phòng hãng hàng không cùng nhiều chủ doanh nghiệp, cá nhân khác đã tham gia chạy cấp phép chuyến bay cho khách lẻ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, VKSND Tối cao truy tố 17 bị can về các tội đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và che giấu tội phạm.

Trong số các bị can, Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải) bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, tháng 9-2020, Vũ Hồng Quang đã liên hệ, trao đổi nhờ Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế, giai đoạn 1 vụ án) giúp để có được văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Phạm Trung Kiên đồng ý và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.

chuyến bay giải cứu vũ hồng quang.JPG
Bị can Vũ Hồng Quang (trái) từng bị xét xử trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 1

Quang trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần thương mại hàng không Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) về việc Quang có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí từ 2.000 - 3.000 USD/công dân.

Sau đó, Cương và Dũng trao đổi với một số Giám đốc doanh nghiệp tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu xin về nước và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân (so với chi phí Quang yêu cầu) để hưởng lợi. Các Giám đốc doanh nghiệp trên đã tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân (so với chi phí Cương, Dũng yêu cầu) để hưởng lợi…

Tương tự, tháng 1-2021, Trần Thanh Nhã (lao động tự do) liên hệ, trao đổi, thỏa thuận nhờ Phạm Trung Kiên giúp để có văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên chuyến bay đơn lẻ với chi phí 10 – 15 triệu đồng/công dân.

Nhã trao đổi với Đặng Nhật Đức (Giám đốc Cty TNHH Top Agent Japan) biết việc mình có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước với mức phí từ 10 – 35 triệu đồng/công dân. Sau đó, Đặng Nhật Đức đã trực tiếp nhận hồ sơ của công dân hoặc thông qua một số người khác và thỏa thuận chi phí từ 25 – 160 triệu đồng/công dân…

Sau khi thỏa thuận như trên và nhận được thông tin công dân có nhu cầu về nước từ Vũ Hồng Quang, Trần Thanh Nhã, từ cuối năm 2020 đến tháng 6-2021, Phạm Trung Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo duyệt, ký văn bản theo quy trình của Bộ Y tế.

Từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2021, Kiên tự thực hiện hoặc chuyển mẫu tờ trình và dự thảo văn bản cấp phép cho Vũ Hồng Quang để Quang hoàn thiện, sau đó chuyển lại cho Kiên. Kiên in tờ trình, kèm dự thảo văn bản cấp phép trình trực tiếp lãnh đạo duyệt, ký văn bản cấp phép.

Khi có văn bản chấp thuận, Kiên chụp ảnh gửi cho Vũ Hồng Quang, Trần Thanh Nhã để Quang, Nhã chuyển tiếp cho các bị can phía dưới chuyển cho công dân qua ứng dụng Zalo, Viber.

Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, VKS xác định, Vũ Hồng Quang đã đưa hối lộ hơn 7,4 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước, hưởng lợi gần 20 tỉ đồng.

Tương tự, Trần Thanh Nhã đã đưa hối lộ số tiền gần 7,4 tỉ đồng cho Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 461 công dân về nước, hưởng lợi hơn 8,2 tỉ đồng.

Phạm Trung Kiên đã bị truy tố, xét xử trong vụ án ở Giai đoạn 1 về hành vi nhận hối lộ số tiền 14,8 tỉ đồng từ Vũ Hồng Quang và Trần Thanh Nhã nên không xem xét, xử lý trong vụ án này.

Ông Vũ Hồng Quang bị truy tố trong cả hai giai đoạn điều tra của vụ án chuyến bay giải cứu. Ở giai đoạn 1, cựu phó phòng bị tòa án tuyên 4 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 2 tỉ đồng của doanh nghiệp để đồng ý cấp phép bay vượt số lượng khách so với văn bản đã được duyệt.

Tại giai đoạn 2, ông Quang tiếp tục bị truy tố tội đưa hối lộ tổng số tiền 7,5 tỉ đồng như đã nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm