Hôm qua, 24-10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2024. Nội dung của Nghị định này quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Tháo gỡ vướng mắc
Trước đó, trong tờ trình, Bộ Tài chính cho hay việc ban hành Nghị định này nhằm tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để mua sắm tài sản, trang thiết bị (trong đó bao gồm kinh phí để thực hiện Đề án 06). Cạnh đó là cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ báo cáo Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (phần kinh phí chưa giao đầu năm) đối với các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị máy móc; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng.
Nghị định này cũng điều chỉnh các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư, xây dựng theo quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công.
Các nhiệm vụ, hoạt động nói trên trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và của các cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài thì Nghị định này không điều chỉnh.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, địa phương được giao quyền
Đáng chú ý, Nghị định quy định thẩm quyền rõ ràng từ trung ương đến địa phương.
Chẳng hạn về phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan ở trung ương thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương được quyết định kinh phí dưới 45 tỉ đồng/nhiệm vụ.
Nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán từ 45 tỉ đồng đến dưới 120 tỉ đồng/nhiệm vụ thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương cũng quyết được. Nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán từ 120 tỉ đồng/nhiệm vụ cũng giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương.
Căn cứ khả năng cân đối của NSNN, Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương để báo cáo, đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định phê duyệt về chủ trương thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương sẽ quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm hàng năm.
Ở địa phương, HĐND cấp tỉnh được giao quyền quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về phân bổ dự toán, Nghị định nêu rõ sau khi được Thủ tướng, UBND giao dự toán ngân sách, đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật NSNN.
Trong đó, đối với nội dung phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phải đảm bảo nguyên tắc trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao và không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn khác của cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, đối với các trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản, trang thiết bị (vì lý do khách quan hoặc yếu tố bất khả kháng) chưa được tổng hợp trình cấp có thẩm quyền tại thời điểm xây dựng dự toán của năm kế hoạch, các cơ quan, đơn vị dự toán cấp I chủ động sắp xếp trong dự toán kinh phí được giao để phân bổ cho đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo hồ sơ tài liệu về phân bổ dự toán theo quy định.
15 tỉ trình cấp có thẩm quyền
Còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 hồi tháng 11-2023, vấn đề này đã được đại biểu chất vấn và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Quốc hội tranh luận.
Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó - ông Hồ Đức Phớc cho rằng do vướng các quy định của Luật Đầu tư công và cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật. Chính phủ đã ba lần trình nhưng chưa được đưa ra Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thì nói những vướng mắc này không hẳn chỉ do Luật Đầu tư công mà còn nằm ở cả Luật NSNN. Việc sửa chữa, nâng cấp công trình vẫn diễn ra bình thường và chỉ dự án đầu tư mới phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công.
Bộ trưởng KH&ĐT lúc đó cũng thông tin Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép dưới 15 tỉ đồng thì các dự án này được thực hiện từ chi thường xuyên và đang chờ quyết định của Quốc hội.
Còn Chủ tịch Quốc hội khi đó đã thông tin rằng không có một quy định nào quy định mức chi thường xuyên và đầu tư mà căn cứ vào giá trị số tiền, việc này phải căn cứ vào tính chất các khoản chi. Các cơ quan của Quốc hội cũng không có vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công và yêu cầu Chính phủ rà soát chứ Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giải thích những gì đã rõ.
Ông còn nói: "Vấn đề này chúng ta đã tranh luận với nhau rất nhiều rồi. Tại diễn đàn Quốc hội, tôi nhớ Bộ trưởng Tài chính nói từ nay chúng tôi không nêu lại vấn đề này nữa. Hôm nay Bộ trưởng lại nêu lại vấn đề này. Đã 3 lần rồi, chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ yêu cầu rà soát xem có liên quan gì tới luật Ngân sách Nhà nước hay không. Trong lần rà soát này Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề phải rà soát. Tôi xin báo cáo như vậy",
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: "Báo cáo Chủ tịch Quốc hội khi tôi nói từ nay tôi không nói vấn đề này nữa là vì tôi trình 3 lần, tôi mệt quá rồi nên tôi không nói nữa chứ không phải là đồng ý ạ”.
Tại Nghị định mới ban hành, Chính phủ quy định "đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 15 tỉ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý công trình xây dựng lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định về đầu tư xây dựng công trình để làm căn cứ tổ chức thực hiện".