Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 1-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trao đổi với báo chí về vấn để đổi giờ học, giờ làm từ 9 giờ sáng mà ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất tại Quốc hội vào hôm qua.
Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu việc điều chỉnh giờ làm việc từ ý kiến của đại biểu Quốc hội - Ảnh minh họa một buổi làm việc tại trụ sở một cơ quan nhà nước.
“Đề xuất đó là ý kiến cần tham khảo. Nhưng để quyết định thay đổi thì cần nhiều vấn đề liên quan như bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ tránh ùn tắc giao thông…” - Bộ trưởng Tân nói.
Ông Tân cho hay vấn đề đổi giờ làm cần được khảo sát, nghiên cứu, đặc biệt là lắng nghe ý kiến từ người lao động để có thể “tổng hợp, bố trí hợp lý người làm trước, người làm sau, người nghỉ trước, người nghỉ muộn, khi ra đường không bị ùn tắc”.
Ông cũng cho hay từ trước tới nay Bộ không có nghiên cứu khảo sát để thay đổi giờ làm việc. Giờ làm hành chính phải phối hợp nhiều cơ quan và quy chế chung, ví dụ phía Bắc bắt đầu làm việc là 8 giờ nhưng phía Nam sớm hơn, đó là do đặc điểm tình hình. Việc thống nhất chung cả nước thì rất khó với vùng miền, thành phố lớn có tính đặc thù.
“Nói gì nói chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày. Tăng giảm gì cũng theo Luật Lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm” – ông Tân nói.
Cùng nội dung này, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng vấn đề đổi giờ làm việc, học tập cần được nghiên cứu để thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, địa phương.
“Khu vực miền Trung có thời tiết nóng khắc nghiệt hơn, giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi muộn hơn thì mới phù hợp. Vấn đề này, nếu Quốc hội, Chính phủ có quy định thì phân cấp về các địa phương quyết định giờ chứ không nhất thiết thống nhất trong cả nước” – ông Cường nói và cho biết hiện ở Quảng Nam đang áp dụng khung giờ làm việc sáng từ 7-11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ.
Ông nói: “Tôi công tác ở Quảng Nam 30 năm, tôi thấy giờ làm việc ở tỉnh Quảng Nam áp dụng như vậy là phù hợp. Còn Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh khác tùy theo thời tiết, khí hậu, mùa thì quyết định giờ làm việc”.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội chiều 31-10, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất đổi giờ làm việc, học tập (bắt đầu từ lúc 8 giờ 30 hoặc 9 giờ sáng) thay cho khung giờ làm việc hiện tại.
“Chúng ta đang dùng thời giờ làm việc của nước nông nghiệp để áp đặt các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ là không phù hợp. Đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích tất cả giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả giờ làm, kỷ cương của công chức” - ĐB Cảnh nói.