Phòng Bảo tồn của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã mời chuyên gia Lê Trọng Trãi, Giám đốc trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, các chuyên gia từ tổ chức GIZ (Đức) viết tài liệu khoa học về sự cần thiết thành lập khu bảo tồn thiên nhiên loài Voọc đen gáy trắng ở Thạch Hóa và xã Đồng Hóa liền kề.
Các nhà khoa học và giới nghiên cứu động vật hoang dã thống nhất quan điểm thành lập khu bảo tồn loài riêng cho Voọc đen gáy trắng ở Thạch Hóa.
Chuyên gia Lê Trong Trãi nhấn mạnh: “Việc phát hiện Voọc đen gáy trắng tại xã Thạch Hóa và Đồng Hóa có ý nghĩa quan trọng làm tăng vùng phân bố loài này trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trước đây chỉ biết có phân bố tại Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng”. Trong đề án này, cũng nêu ý kiến về phát triển du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục môi trường bởi tiềm năng phát triển du lịch xem Voọc là rất lớn và khả thi cao. Kết hợp với giáo dục môi trường trong học sinh rất thuận tiện. Điểm quan trọng để thu hút và hấp dẫn người xem là tính thân thiện, dạn người của tất cả các đàn Voọc. Khả năng bắt gặp các đàn Voọc là rất cao (100%) vào những ngày không có mưa, thậm chí có thể gặp và quan sát được từ 3-4 đàn trong một ngày hoặc nửa ngày. Giao thông tiếp cận tới khu vực khá thuận lợi như ô tô, xe máy và đi bộ theo các tuyến đường mòn dưới chân của 2 khối núi đá vôi ở địa bàn này.
Voọc đen gáy trắng (Trachypithecus hatinhensis Dao, 1970) thuộc họ Khỉ Cercopithecidae, bộ Linh trưởng Primates là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam. Voọc đen gáy trắng chủ yếu sống ở rừng trên núi đá vôi và kiếm ăn trong các dải rừng kín thường xanh tiếp giáp với rừng núi đá vôi gần vùng sống của chúng. Mỗi đàn có số lượng phổ biến từ 5-15 con, thức ăn của chúng gồm chồi non và quả cây rừng. Đây là loài nguy cấp tuyệt chủng cao. Hiện chúng có quần thể lớn nhất tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) với hơn 2.000 cá thể, một phần nhỏ ở Lào và chừng 15-20 cá thể ở Hướng Hóa (Quảng Trị). Vùng Thạch Hóa là nơi chúng có quần thể lớn thứ hai với khảo sát bước đầu khoảng hơn 115 cá thể. |