Từ cuối giờ chiều 29-4, mặc dù trời mưa nhưng người dân địa phương và du khách từ các nơi vẫn đổ về, ngồi chật kín các khán đài để theo dõi cuộc thi. Trên các tuyến phố, xe cộ tấp nập hướng về phía dọc hai bên bờ sông Hàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn cục bộ ở một số tuyến đường đầu cầu Sông Hàn như Ngô Quyền, Trần Phú...
Người dân háo hức
Có mặt tại khán đài B1 từ sớm, gia đình chị Nguyễn Thị Ly (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) mang theo cả đồ ăn, nước uống để xem bắn pháo hoa. “Mình phải tranh thủ đến sớm để tránh kẹt xe, tắc đường. Đây là lần thứ ba gia đình tôi đi xem trình diễn pháo hoa nhưng vẫn cứ háo hức. Mỗi năm lại có những màn ánh sáng, sắc màu lung linh riêng biệt” - chị nói. Không mua được vé vào khán đài nên gia đình anh Trần Xuân Tý (Hội An, Quảng Nam) phải ra cầu Sông Hàn “xí” trước chỗ ngồi. “Ngồi ở đây cũng có thể xem các đội trình diễn pháo hoa nhưng không được đẹp và rõ như ở khán đài. Rút kinh nghiệm, sang năm mua vé xem từ sớm” - anh Tý tiếc rẻ.
Các địa điểm như cầu Thuận Phước, cầu Rồng, các khách sạn, nhà nghỉ nằm dọc bờ sông… cũng được “trưng dụng” thành khán đài di động cho du khách. Đến khoảng 18 giờ, trời mưa càng nặng hạt nhưng nhiều người vẫn mặc áo mưa, che dù ngồi chờ đêm hội sắc màu. “Lặn lội từ Huế vào đây chỉ muốn được xem những màn pháo hoa nhiều màu sắc rực rỡ. Dù trời mưa nhưng tôi và vợ vẫn đứng chờ đến giờ bắn” - một du khách cho biết.
Lung linh ánh sáng. Ảnh: TT
Khán đài chật kín người xem pháo hoa. Ảnh: TT
Trước giờ khai diễn, các tuyến đường dẫn ra bờ sông Hàn đều bị dựng hàng rào, chặn các loại xe nên nhiều người dân tỏ ra bực bội khi không vào được nhà. “Nhà tôi ở cuối đường Nguyễn Thế Lộc nhưng giờ đã bị ngăn đường, không đưa xe vào nhà được. Có lễ hội pháo hoa cũng vui nhưng cũng hơi phiền” - ông Lê Văn Hải cho biết.
Lung linh sắc màu, ánh sáng
Sau tiết mục văn nghệ hoành tráng với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng, đội Khan (Nga) mở đầu “bữa tiệc” ánh sáng với loạt bắn liên hồi kết hợp nền nhạc truyền thống. Hiệu ứng ánh sáng đã tạo nên những hình tượng tuyệt đẹp và khá kỳ lạ. Sau mỗi loạt bắn, nền nhạc lại được thay đổi xen lẫn giữa âm nhạc dân gian lồng ghép với nền nhạc hiện đại, phổ biến tạo cảm giác mới lạ. Có tổng cộng gần 10 bản nhạc cổ điển và hiện đại đã được đội Khan sử dụng trong quá trình bắn để tạo nên chủ đề “Linh hồn Nga”.
Sau 15 phút chờ khói tan, đội chủ nhà Việt Nam đã có màn trình diễn ấn tượng làm nức lòng khán giả. Chủ đề “Đà Nẵng - Việt Nam dưới mặt trời” là sự pha trộn ánh sáng, âm nhạc tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, gợi mở một cuộc sống tươi đẹp, thanh bình hòa quyện cùng tiếng đàn tranh, đàn bầu vang lên khiến khán giả cảm nhận được sự quen thuộc, gần gũi của quê hương. Nhiều người đánh giá “tay nghề” của đội nhà đã có sự tiến bộ vượt bậc và hy vọng sẽ ẵm giải trong năm nay.
Đội tuyển Ý khép lại đêm tranh tài thứ nhất bằng màn bắn lúc dồn dập, lúc nhẹ nhàng. Với chủ đề “Cảm xúc của dòng sông”, đội Ý đã mang đến một hành trình phiêu lưu đầy cảm xúc theo dòng chảy sông Hàn. Những khoảng lặng trầm tư bất chợt, những thời khắc dữ dội, mãnh liệt hay không gian trang nghiêm hòa quyện, xen lẫn vào nhau. Mặc dù biểu diễn sau, bị ảnh hưởng bởi các làn khói chưa tan nhưng đội tuyển Ý vẫn tạo nên một màn trình diễn khá ngoạn mục.
Tối nay (30-4), hai đội Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục tranh tài với những màn pha trộn ánh sáng, màu sắc lung linh, huyền ảo.
Đây là lần thứ sáu, TP Đà Nẵng tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế thu hút hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về xem. Sau cuộc thi năm nay, địa phương này sẽ điều chỉnh lại thời gian tổ chức hai năm/lần thay vì thường niên như trước đây. |
LỆ THỦY