Liên quan đến vụ địa chỉ đỏ đền Xẻo Kè (tọa lạc ở khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) hơn 200 năm tuổi vừa bị chủ đầu tư dự án bất động sản đập phá, ngày 28-5, PV Pháp Luật TP.HCMcó cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mỹ, Phó Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ.
Không có từ địa chỉ đỏ
Theo bà Mỹ, đền Xẻo Kè không phải là địa chỉ đỏ. “Cho đến nay chúng tôi chưa tìm ra được quyết định nào công nhận đền Xẻo Kè là địa chỉ đỏ. Hơn nữa, theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 thì không có quy định hay tiêu chí công nhận địa chỉ đỏ. Không biết cụm từ địa chỉ đỏ xuất phát từ đâu” - bà Mỹ nói.
Bà cũng thông tin là đền Xẻo Kè chưa được xếp hạng di tích lịch sử cấp TP vì chưa đủ điều kiện, như vị trí chưa ổn định. Theo bà Mỹ, hiện khu đất này đã thuộc chủ đầu tư là Công ty Nam Long - Hồng Phát và không có các sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương. “Nếu gia đình họ Đào có nguyện vọng xây dựng nhà truyền thống thì Sở VH-TT&DL sẵn sàng hướng dẫn chuyên môn cho gia đình các thủ tục theo quy trình” - bà nói.
Trong chiều 28-5, đại diện Ban Tuyên giáo TP Cần Thơ cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Ban Tuyên giáo chưa nhận bất kỳ báo cáo của đơn vị nào về đền Xẻo Kè bị đập.
Chúng tôi cũng đã liên lạc với nhiều cơ quan ở TP Cần Thơ để hỏi về việc đúng sai trong vụ đập đền nhưng chưa có cơ quan nào xác minh hay nêu quan điểm.
Các lão thành cách mạng, đoàn viên đến tham quan, tìm hiểu về đền Xẻo Kè trước khi bị đập. Ảnh: NG
Cần xem lại sách sử, nhân chứng
Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, năm 2003, UBND tỉnh Cần Thơ đã có văn bản về việc công nhận đền Xẻo Kè là địa chỉ đỏ.
Cụ thể, tháng 6-2003, ông Trần Minh Sơn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ), có văn bản xác nhận giá trị lịch sử của đền Xẻo Kè. Theo đó, ngôi đền là địa điểm chứng kiến sự tập hợp cơ mật của nhiều thế hệ cán bộ, là nơi họp mặt bí mật học tập chính trị, luyện tập võ nghệ cho lực lượng thanh niên yêu nước..., nơi chôn giấu vũ khí, tài liệu cách mạng.
Đặc biệt, trong suốt thời kỳ Pháp đàn áp, khủng bố…, ngôi đền là nơi bảo đảm an toàn cán bộ lãnh đạo Đảng, không ai phát hiện. Do đó ông Sơn có đề nghị các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh xem xét công nhận đền Xẻo Kè là một địa chỉ đỏ.
Ông Phạm Duy Khương, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành B (sáu xã vùng ven sông Hậu), nguyên Thường vụ Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng đã có tờ trình gửi lãnh đạo TP Cần Thơ thể hiện rất rõ những đóng góp to lớn của đền Xẻo Kè trong thời kỳ kháng chiến mà chính ông là một trong những lãnh đạo.
Sở lơ chỉ đạo của tỉnh
Từ các văn bản trên, năm 2003, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cần Thơ có tờ trình về việc nghiên cứu tiến hành các bước thủ tục để công nhận địa chỉ đỏ, dù chưa hội đủ các tiêu chí để xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Luật Di sản văn hóa.
Đến tháng 9-2003, UBND tỉnh Cần Thơ cũ đã có công văn gửi Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) về việc công nhận đền Xẻo Kè là địa chỉ đỏ.
Công văn nêu: Xét tờ trình của Sở Văn hóa - Thông tin về nghiên cứu di tích đền Xẻo Kè, căn cứ ý kiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy công nhận đền Xẻo Kè là địa chỉ đỏ, giao giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thực hiện các thủ tục công nhận theo quy định. Văn bản này do Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn (nay là chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) ký.
Thế nhưng một năm sau, Sở Văn hóa - Thông tin lại lấy lý do kinh phí hạn hẹp nên không thực hiện và cho biết “đền Xẻo Kè sẽ được kiểm kê và công nhận địa chỉ đỏ chung trong đợt tổng kiểm kê trên địa bàn TP vào năm 2005”. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng lại ở đây.
Một ngôi đền đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy công nhận nhưng sau đó bỏ luôn. Và dù không được công nhận là di tích nhưng gia đình họ Đào giữ gìn gìn, tôn tạo vì nó là đền thành hoàng và là di chỉ cách mạng cho đến khi bị ủi sập.
Công ty không có quyền san ủi đền Việc Công ty Nam Long - Hồng Phát cho người đập, tháo dỡ đền Xẻo Kè có liên quan đến nội dung đang tranh chấp là có dấu hiệu hủy hoại tài sản. Do đó, bên bị xâm hại có quyền làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng hoặc khởi kiện để được bảo vệ. Theo thông tin báo chí cung cấp, trước khi giật sập đền, công ty đã khởi kiện. Hiện án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và bị đơn đã kháng cáo, TAND TP Cần Thơ đang thụ lý theo trình tự phúc thẩm. Do vậy, nguyên đơn không thể lấy lý do “đã rút yêu cầu khởi kiện” để ủi đền. Bởi lẽ việc rút đơn là ý chí riêng công ty trong khi tòa chưa có quyết định cuối cùng, bị đơn đang kháng cáo và TAND TP Cần Thơ vẫn đang trong quá trình giải quyết theo trình tự phúc thẩm nên công ty không được quyền san ủi đền. Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ |