Chị Đỗ Ngọc Thanh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Nai, đã đích thân “vi hành” để nắm thóp những cây xăng gian lận trên địa bàn. Có những chiến sĩ công an dũng cảm sẵn sàng xả thân bảo vệ sự bình yên cho người dân dù có những lúc phải trả giá bằng cả máu của mình như Thượng úy Nguyễn Thế Tiến (TP.HCM). Anh không nhân nhượng với tội phạm ngay cả khi đã bị thương nặng. Lý do thật đơn giản, thật đời thường: Anh muốn các gia đình khác được hưởng không khí hạnh phúc yêu thương như gia đình anh đang có.
Không phải ai cũng có thể tỏa sáng theo cách người hùng như anh Tiến. Họ tỏa sáng theo cách giản dị hơn nhưng cao đẹp không kém. Đó là ông già Phạm Văn Tân, ngụ quận 11, TP.HCM. Năm nay ông 75 tuổi thì đã có hơn một nửa thời gian trong đời làm công việc đi vớt rác cầu Kênh Mé, rồi tự bỏ tiền mua lưới B40 giăng hai bên để không ai phải trượt té lọt xuống kênh. Nhà ông rất khó khăn. Cũng vì sống trong cảnh khổ mà ông hiểu rằng “nếu môi trường sống bị ô nhiễm thì sẽ có nhiều người bệnh. Muỗi mòng nhiều, trẻ con bị sốt xuất huyết…”. Ông lo cho mọi người như đó chính là gia đình mình.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng thăm hỏi những tấm gương tiêu biểu “Tỏa sáng giữa đời thường”. Ảnh: Tạp chí giao thông
Nhiều người dân bình thường đã tỏa sáng theo cách thầm lặng đó. Một cô giáo về hưu đi gom những đứa trẻ mồ côi về để dạy chữ cho chúng. Một phụ nữ khác đi tìm những đứa trẻ nhiễm HIV để chăm sóc, nhận làm mẹ đỡ đầu.
Có nhiều người khi nhà báo tìm đến, họ rụt rè bày tỏ: Chuyện này có gì lớn lao đâu!
Họ có chung một tấm lòng sẵn sàng quan tâm, giúp đỡ hoặc cưu mang người khác. Những điều tốt lan đi, nhiều người cùng góp tay chia sẻ với họ để mọi người tin yêu cuộc sống hơn.
Đời sống ở đô thị bình yên hơn vì có những người hùng giản dị như vậy giữa cuộc đời. Không có chương trình nào có thể đủ để tôn vinh hết tất cả. Mỗi người đại diện cho một nét đẹp, một nét tính cách của mảnh đất phương Nam bao dung, hồn hậu.
Và như vậy ai cũng có thể tỏa sáng theo cách nào đó.