Số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2024 đã tăng 0,17% so với tháng trước. Tại các chợ truyền thống ở TP.HCM, rau củ, gạo, thịt... cũng có mức giá mới, tăng từ 1.000 - 5.000 đồng tùy loại.
Chính vì thế, việc tính toán mua thực phẩm ra sao để tiết kiệm, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là nỗi băn khoăn của không ít người nội trợ trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, ở những thành phố lớn như TP.HCM, việc đi chợ hàng ngày đòi hỏi người tiêu dùng phải tính toán khéo léo để đảm bảo tài chính trong sinh hoạt hàng ngày.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã đưa ra một số gợi ý để người nội trợ tham khảo về cách mua sắm thực phẩm vừa an toàn, dinh dưỡng lại đáp ứng tiêu chí tiết kiệm.
Mua thực phẩm mùa nào thức nấy
Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, để tiết kiệm, người nội trợ nên lên sẵn thực đơn hàng ngày, tính toán thực phẩm cần mua, linh hoạt thay đổi món ăn sao cho phù hợp với thói quen, sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Người nội trợ nên chọn mua thực phẩm mùa nào thức nấy để vừa đảm bảo dinh dưỡng lại có thể mua giá rẻ hơn so với trái vụ.
Ngoài ra, người đi chợ chỉ nên mua vừa đủ thực phẩm, nhất là đồ tươi sống, để bảo bảo không gian lưu trữ của tủ lạnh và thời hạn sử dụng của thực phẩm. Tránh tình trạng ăn không kịp, thức ăn sẽ bị giảm chất lượng hoặc dễ bị hư hỏng.
Trong trường hợp bận rộn, người nội trợ có thể mua với số lượng nhiều đủ dùng trong vài ngày hoặc một tuần. Tuy nhiên, thực phẩm khi mua về cần sơ chế, rửa sạch, chia nhỏ theo khẩu phần ăn mỗi bữa và cất trong các hộp, túi đựng chuyên dụng và bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, trong một số trường hợp, việc mua thực phẩm với số lượng nhiều có thể rẻ hơn so với mua ít một và cũng dễ để người nội trợ kết hợp và tận dụng các loại nguyên liệu khi chế biến bữa ăn hàng ngày. Dù vậy, việc mua thực phẩm cũng nên tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện hiện tại.
Bên cạnh đó, Sở cũng lưu ý thêm thói quen đi chợ muộn vào cuối tuần hoặc cuối ngày của nhiều người dân, với mong muốn mua được thực phẩm giá rẻ. Theo đơn vị này, thông thường, tại chợ dân sinh không có các điều kiện bảo quản thực phẩm lạnh hoặc mát như ở siêu thị và thời gian bảo quản của mỗi loại thực phẩm cũng khác nhau.
Đơn cử như rau và các loại củ quả hoặc tôm, cá… còn sống thì dù bày bán từ sáng đến cuối ngày cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.
Tuy nhiên, các loại thịt, cá đã giết mổ mà để ở nhiệt độ thường thì rất dễ bị biến chất sau một khoảng thời gian nhất định, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì thế, người dân nên thận trọng kiểm tra thật kỹ thực phẩm trước khi mua.
Theo đó, khi mua sắm, chúng ta có thể quan sát bằng cảm quan, nên chọn các miếng thịt, cá vẫn còn hồng hào, khô ráo, ấn tay vào có độ đàn hồi, không có mùi ôi thiu. Thức ăn mua về nên chế biến ngay và nấu chín kỹ.
Không nên vì ham của rẻ mà mua thực phẩm đã có dấu hiệu bị biến đổi về mặt cảm quan và chất lượng vì rất có thể chúng không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa cơm hàng ngày.
Ăn đủ nhóm chất
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, một bữa ăn gia đình đủ chất, an toàn và cân đối cần phải có sự phối hợp đầy đủ từ các loại thực phẩm cần thiết theo tỉ lệ thích hợp.
"Chúng ta cần chọn đủ thực phẩm của 4 nhóm thức ăn để tạo thành một bữa cơm hoàn chỉnh, cân bằng dinh dưỡng.
Những món ăn chính cần có trong bữa ăn: Đó là món chế biến từ các loại rau giúp cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ; món giàu đạm (thịt, cá, trứng, tôm…); món canh để cung cấp nước và chất bổ dưỡng từ nước rau; chất bột thường chủ yếu là cơm (hoặc mì, ngô khoai, bún, phở); món tráng miệng nên có chất ngọt, tốt nhất là hoa quả chín"- Sở an toàn thực phẩm TP.HCM nêu.
Ngoài ra, tùy thuộc vào từng nhóm tuổi, giới tính, thể trạng và sở thích mà mỗi người có những nhu cầu khác nhau, có thể chọn mua thực phẩm cho thích hợp.
Chẳng hạn trẻ em đang lớn, cần ăn nhiều loại thực phẩm để phát triển cơ thể; người lớn đang làm việc, đặc biệt lao động chân tay, cần ăn các thức ăn cung cấp nhiều năng lượng; phụ nữ có thai cần ăn những thực phẩm giàu chất đạm, canxi, phốt pho và chất sắt...
Đây chính là những mẹo giúp người nội trợ có thể giảm bớt những nỗi băn khoăn mỗi khi nhắc đến bữa ăn hàng ngày.