Ngày 27-4, thông tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết có ba bệnh nhân sau khi được công bố khỏi bệnh và tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày có kết quả xét nghiệm dương tính lại với virus SARS-CoV-2.
Trong đó, hai bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) được công bố khỏi bệnh vào ngày 18-4 và được lấy mẫu xét nghiệm vào các ngày 23 và 25-4, cho kết quả dương tính.
Một bệnh nhân ở Phú Thọ được xuất viện vào ngày 10-4. Đến ngày 25-4, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính dù không có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh: BYT
Trao đổi về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng phải đánh giá kết quả xét nghiệm dương tính là do đoạn gen của virus (tức xác của virus không gây bệnh được) hay do virus này còn sống trong cơ thể người bệnh. Nếu được nuôi cấy, virus này sống lại thì chứng tỏ nó vẫn còn tồn tại trong cơ thể người bệnh.
Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố làm cho kết quả xét nghiệm lúc dương tính và lúc âm tính là độ nhạy cảm của xét nghiệm, thao tác phết lấy mẫu.
Tuy nhiên, cần phải tính toán, đánh giá nồng độ của virus tồn tại trở lại trong người bệnh. Nếu xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng thì tải lượng virus trong cơ thể những người này có đủ để lây lan bệnh không?
Theo BS Khanh, do số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam còn hạn chế và nằm rải rác ở nhiều nơi, trong thời gian chờ nghiên cứu từ cơ quan chức năng, những trường hợp chữa khỏi bệnh xét nghiệm dương tính trở lại có lây bệnh không thì mỗi người dân phải tự bảo vệ mình, hạn chế tiếp xúc gần với nhau. Những người đã mắc bệnh và được chữa khỏi cũng phải thực hiện tương tự để bảo vệ cho người khác.
BS Trương Hữu Khanh lưu ý trong khi chờ nghiên cứu về các trường hợp dương tính lại, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác phòng ngừa COVID-19. Ảnh: HL
“Người có triệu chứng ho, sổ mũi, khả năng phát tán virus ra môi trường nhiều hơn người không có triệu chứng. Nhưng hãy xem tất cả đều có khả năng mang virus truyền bệnh để đều mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc thì sẽ tránh khả năng virus, nếu có lây thì không thể lây lan rộng được” - BS Khanh cảnh báo.
Theo BS Khanh, một người nhiễm virus sau khi được chữa khỏi bệnh có thể hoàn toàn hết bệnh hoặc trở thành người lành mang trùng. Đối tượng người lành mang trùng có thể tạo ra kháng thể đủ không cho virus sinh sôi nảy nở nữa. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp lây lan bệnh tùy theo tính chất và tải lượng của từng loại virus tồn tại trong cơ thể người bệnh.
BS Khanh cho biết vào thời điểm đại dịch cúm H1N1 lưu hành năm 2009 (nay đã chuyển thành cúm mùa), nhiều trường hợp đã được chữa khỏi bệnh nhưng kết quả phết lấy mẫu, xét nghiệm vẫn liên tục dương tính nên bị buộc phải cách ly tiếp tục. Điều này cũng gây bối rối cho các cơ sở cách ly bởi bệnh nhân quá đông.
Các nghiên cứu sau đó cho thấy đặc tính của loại cúm này là sau khi hết bệnh, xét nghiệm cho thấy virus vẫn còn trong cơ thể nhưng không lây cho người khác. Vì thế, các bệnh nhân được quyết định sau khi chữa khỏi một thời gian nhất định thì được về luôn. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 là chủng mới nên cần có thêm thời gian nghiên cứu để có câu trả lời.