Gần đây ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc xuất hiện trường hợp nhiều bệnh nhân COVID-19 dù điều trị hồi phục rồi vẫn dương tính lại với virus SARS-CoV-2.
Chẳng hạn, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, tính tới ngày 16-4, Hàn Quốc đã ghi nhận tới 141 trường hợp bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi nhưng sau đó vẫn dương tính lại.
Hiện các nhà chức trách y tế và các chuyên gia y tế Hàn Quốc đang tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, theo hãng tin Reuters. Và theo họ, có ba cách giải thích chính: Tái nhiễm, tái phát và hạn chế ở quy trình xét nghiệm.
Tái nhiễm hay tái phát?
Dù tái nhiễm có vẻ là cách giải thích nhiều người nghĩ đến nhất nhưng cả Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc lẫn nhiều chuyên gia đều không thiên về khả năng này.
Các cặp đôi cùng nhau ngắm cảnh trong khi vẫn thực hiện giãn cách xã hội, trên núi Nam San ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 7-4. Ảnh: REUTERS
Thay vào đó Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thiên về khả năng tái phát hay “tái kích hoạt” của virus.
Tái phát có thể là một phần virus vốn ở vào trình trạng không hoạt động sau thời gian bệnh nhân được điều trị và khi cơ thể bệnh nhân gặp một số vấn đề gì đó hay hệ miễn dịch suy yếu thì các virus sẽ hồi sinh, theo các chuyên gia.
Một nghiên cứu gần đây của một số bác sĩ Trung Quốc và Mỹ cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể làm hại tế bào bạch huyết T (còn gọi là tế bào T) vốn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể và khả năng chiến đấu với bệnh truyền nhiễm của cơ thể.
Chuyên gia Kim Jeong-ki, nhà nghiên cứu virus tại Trường Dược ĐH Hàn Quốc, hình dung sự tái phát sau điều trị giống như một cái lò xo nảy lên sau thời gian bị nén xuống.
“Khi bạn nén một cái lò xo xuống nó sẽ trở nên nhỏ hơn, nhưng khi lấy tay khỏi nó thì lò xo lại bật lên” - chuyên gia Kim so sánh.
Dù bệnh nhân đã hồi phục dương tính lại do tái phát chứ không phải tái nhiễm đi nữa thì các thách thức đối với ngành y tế cũng rất phức tạp.
“Các nhà chức trách y tế Hàn Quốc hiện vẫn chưa phát hiện các bệnh nhân “tái kích hoạt” này lan truyền virus sang các bên thứ ba, nhưng nếu việc truyền nhiễm này được phát hiện thì sẽ là vấn đề lớn” - theo GS Seol Dai-wu, chuyên gia về phát triển vaccine tại ĐH Chung-Ang.
Do hạn chế ở khâu xét nghiệm
Thường bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc được xem là khỏi bệnh hoàn toàn khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần trong 48 giờ.
Theo chuyên gia Kim, tính chính xác của kết quả xét nghiệm là 95%, như vậy vẫn có từ 2%-5% sai sót, cho ra kết quả âm tính sai hay dương tính sai.
Chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại trung tâm xét nghiệm ở BV đại học Yeungnam ở TP Daegu (Hàn Quốc). Ảnh: REUTERS
Còn theo GS Seol, tàn dư của virus trong cơ thể có thể ở mức thấp mà các thiết bị xét nghiệm không phát hiện được.
Mặt ngược lại, các thiết bị xét nghiệm cũng có thể quá nhạy cảm, đến mức chỉ một số lượng nhỏ virus không đủ sức gây hại cho cơ thể cũng bị đọc ra kết quả dương tính, dù bệnh nhân đó đã khỏe mạnh, theo ông Kwon Jun-wook - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc.
Xét nghiệm cũng có thể cho kết quả không chính xác nếu mẫu xét nghiệm không được lấy đúng cách, theo GS Eom Joong-sik về bệnh truyền nhiễm ở BV Gil thuộc ĐH Gachon.
Theo số liệu từ trang web thống kê Worldometer, tính đến tối 16-4, Hàn Quốc đã có 10.613 ca nhiễm, trong đó 229 người chết. Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên xuất hiện dịch ngoài Trung Quốc. Sau thời gian đầu bùng phát mạnh, những tuần gần đây tình hình dịch ở Hàn Quốc được kiểm soát tốt hơn. Thành tích chống dịch của Hàn Quốc được nhiều nước khen ngợi.