Khi nói đến đại dịch COVID-19, Hàn Quốc là quốc gia có bước tiến mới trong việc giám sát nguồn lây nhiễm. Khi hành khách đáp xuống sân bay quốc tế Incheon - gần Seoul, họ được yêu cầu phải kiểm tra nhiệt độ và yêu cầu tải ứng dụng y tế để tự khai báo các triệu chứng bệnh tại nơi họ ở mỗi ngày.
Những người có kết quả dương tính sẽ được theo dõi lịch trình dịch tễ; đồng thời, những người xung quanh họ cũng nhận được thông báo qua điện thoại về việc tự cách ly hoặc thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dù trong cảnh rối ren hiện tại thì đối với người Mỹ, kiểu giám sát chặt chẽ như người Hàn Quốc thực hiện lại trái với các giá trị tự do và quyền riêng tư cá nhân.
Cả Mỹ và Hàn Quốc đều xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trong cùng một ngày, nhưng từ đó, số lượng ca nhiễm và tử vong của Mỹ tăng chóng mặt trong khi tỉ lệ tử vong của Hàn Quốc chỉ tương đương 1/3 so với Mỹ.
Ngoài ra, số lượng người được xét nghiệm cũng gấp ba lần so với Mỹ một phần nhờ vào các công ty Hàn Quốc - nơi sản xuất hơn 350.000 bộ dụng cụ xét nghiệm mỗi ngày và dự tính tăng sản lượng lên đến một triệu bộ.
Thời gian là điều tối quan trọng
Hàn Quốc không lãng phí thời gian. Chưa đầy một tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, các quan chức y tế đã gặp 20 công ty y tế để bắt tay sản xuất và phê duyệt bộ dụng cụ xét nghiệm. Chính phủ không do dự khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 23-2. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump mất thêm ba tuần để làm điều tương tự.
Hàn Quốc cũng chú trọng xử lý nhanh gọn. Vào cuối tháng 1, chỉ chín ngày sau trường hợp dương tính đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) và Trung tâm Bảo hiểm y tế quốc gia đã thành lập đường dây nóng “1339” để cập nhật thông tin từ người dân và thu thập dữ liệu. Đồng thời, Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hàn Quốc bắt đầu cung cấp hơn 700.000 khẩu trang tại những nơi làm việc có rủi ro nhiễm bệnh cao.
Nhân viên y tế xét nghiệm hành khách nước ngoài ở sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc ngày 1-4. Ảnh: REUTERS
Trong hai tuần sau trường hợp nhiễm đầu tiên, chính phủ đã phê duyệt và phân phối bộ dụng cụ xét nghiệm có khả năng cho kết quả trong vòng sáu tiếng. Từ đó, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm hơn 20.000 người mỗi ngày.
Phản ứng nhanh có được là nhờ vào những bài học mà quốc gia này rút ra từ đợt bùng phát Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015. Khi ấy, Hàn Quốc có số ca nhiễm cao nhất chỉ sau Saudi Arabia, một phần vì chính phủ phản ứng chậm và không thỏa đáng. Người dân thiếu thông tin, còn hệ thống y tế không đủ dụng cụ xét nghiệm khiến người bệnh phải di chuyển qua nhiều cơ sở.
Để tránh lặp lại những sai lầm trên, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng các hệ thống ứng phó khẩn cấp, huấn luyện cách xử trí cho đại dịch tiếp theo, cũng như thông qua bộ luật quy định về việc phê duyệt nhanh các hệ thống xét nghiệm trong trường hợp xảy ra khủng hoảng y tế. Chính sách này đã cho phép sản xuất nhanh các bộ dụng cụ xét nghiệm trong đợt bùng phát COVID-19.
Một đất nước sáng tạo
Các biện pháp của Hàn Quốc nhằm đối phó với dịch bệnh này mang tính sáng tạo. Có thể kể đến như việc sử dụng các ứng dụng công nghệ cao và camera quan sát (CCTV) để định vị và gắn thẻ người bệnh nhằm cứu sống nhiều người và làm chậm quá trình lây lan của virus gây dịch COVID-19.
Cụ thể, khoảng một tháng sau trường hợp dương tính đầu tiên, các quan chức y tế đã đưa ra ý tưởng xét nghiệm tại các trạm lưu động tiện lợi, cho phép tài xế được xét nghiệm mà không cần rời khỏi xe. Hiện đã có hơn 600 trạm xét nghiệm trên toàn Hàn Quốc, cho phép hàng ngàn người được xét nghiệm mỗi ngày mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội vì họ được an toàn trong xe.
Một ý tưởng đơn giản mà rất thiết thực khác đó là chính phủ phân chia và chỉ định hệ thống các cơ sở y tế để tập trung xử lý các ca nhiễm COVID-19 và các bệnh thông thường khác.
Các địa điểm này được liệt kê trên ứng dụng của chính phủ và được gắn các biển báo lớn. Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ sẽ đứng ở lối vào bệnh viện để trực tiếp dẫn bệnh nhân đến các địa điểm được chỉ định và không được chỉ định. Hệ thống này giúp cách ly các bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi các bệnh nhân khác và giảm lây chéo.
Vai trò quan trọng của chính phủ
Phản ứng của Hàn Quốc sẽ kém hiệu quả hơn rất nhiều nếu không có sự phối hợp của bộ máy chính phủ. Chính phủ đã thúc đẩy khu vực công và tư cùng nhau giải quyết các vấn đề ở cấp quốc gia, thay vì để mỗi địa phương tự giải quyết.
Chính phủ cũng lên phương án phục hồi kinh tế bằng việc thông báo các gói viện trợ cho các tỉnh, thành phố, tạm ngưng thanh toán an sinh-xã hội, và cung cấp tiền mặt cho các hộ gia đình dưới mức thu nhập trung bình.
Nhân viên y tế khử trùng một nhà chờ xe buýt ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 28-3. Ảnh: AFP
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng thiếu hụt khẩu trang như Mỹ dẫn đến việc đầu cơ tích trữ và đẩy giá cao. Vào ngày 5-3, chính phủ đã mua lại 80% khẩu trang được sản xuất trong nước, ưu tiên cho các bệnh viện và xây dựng một hệ thống kiểm soát giá cả và phân phối khẩu trang.
Để tránh việc tích trữ, người dân chỉ được phép mua khẩu trang vào những ngày được chỉ định dựa trên chữ số cuối cùng trong năm sinh của họ. Ngược lại, có thể thấy phản ứng bất cẩn, không đồng bộ của Mỹ đã khiến các bang phải tranh giành nhau kho dự trữ liên bang và thiết bị y tế nhập khẩu.
Quản lý hiệu quả hệ thống giám sát
Mỹ đã chủ quan trong việc phòng dịch ngay từ ban đầu và do đó đã lãng phí rất nhiều thời gian. Dẫu sao thì các giải pháp trước mắt có còn hơn không. Nếu muốn sớm mở cửa lại nền kinh tế, Mỹ nên rút ra một số bài học thực tiễn nhất từ Hàn Quốc nhằm kiểm soát các điểm nóng và ổn định tình trạng ở các bang chưa có nhiều ca nhiễm.
Hiện tại, Mỹ chỉ có thể chọn lựa các biện pháp mang tính xâm phạm quyền riêng tư cá nhân như Hàn Quốc mà thôi. Mỹ cần phải phát triển các bộ dụng cụ xét nghiệm và tìm cách theo dõi nguồn bệnh ở quy mô lớn. Cụ thể, phải huấn luyện và thiết lập một đội ngũ kỹ thuật viên để có thể xác định được mạng lưới tương tác của người bệnh.
Ảnh một ứng dụng theo dõi diễn biến dịch COVID-19 do chính phủ Hàn Quốc phát hành. Ảnh: AFP
Mỹ cũng có thể học theo Hàn Quốc trong việc tận dụng điện thoại di động của người dân (để đưa thông báo). Chắc hẳn các ứng dụng tự chẩn đoán và giám sát của Hàn Quốc cũng có những điểm bất lợi. Người Mỹ coi trọng quyền riêng tư của họ như một quyền theo Hiến pháp và có thể từ chối việc bị theo dõi.
Thay vào đó, họ chấp nhận chờ để có vaccine phòng bệnh, vốn có thể mất hơn một năm để sản xuất. Điều này có thể tạo ra những căng thẳng về tài chính, tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, ứng dụng y tế của Hàn Quốc là một giải pháp khả thi vì nó sử dụng GPS hiệu quả, một công nghệ quen thuộc với hầu hết người Mỹ.
Do chậm trễ trong việc xét nghiệm và theo dõi dịch bệnh, Mỹ phải đành tạm thời thực hiện giải pháp không mấy thoải mái này, hoặc có nguy cơ thêm hàng chục nghìn người nữa mất mạng.
(*) Trợ lý nghiên cứu tại Viện Hoover - ĐH Stanford (Mỹ), nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Bài viết lược dịch từ tạp chí Foreign Affairs, PLO hiệu đính và đặt lại tựa.