Ngày 14-4 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm ngừng hỗ trợ tài chính trong thời gian tới cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và yêu cầu WHO "phải chịu trách nhiệm" cho những thất bại trong công tác ngăn ngừa đại dịch COVID-19, theo đài CNA.
Theo báo South China Morning Post (SCMP) và hãng tin Reuters, các chuyên gia y tế công cộng thế giới bao gồm cả các chuyên gia Mỹ đã lên án quyết định trên của ông Trump rằng nó gây hại cho nền an ninh y tế của Mỹ và cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu.
WHO chưa biết sẽ thiếu hụt ngân sách thế nào
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 15-4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Chúng tôi cảm thấy tiếc trước quyết định của tổng thống Mỹ yêu cầu dừng tài trợ cho WHO".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh) thấy tiếc trước quyết định dừng tài trợ WHO của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Ông nhắc lại rằng WHO được lập ra và sẽ tiếp tục hoạt động trên nền tảng "không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, kinh tế hay điều kiện xã hội".
Ông Tedros cho biết WHO đang đánh giá những tác động từ quyết định của Washington và chưa thể xác định chính xác mức độ thiết hụt ngân sách của tổ chức này khi Mỹ cắt tài trợ.
Tổng Giám đốc WHO cho biết tổ chức này sẽ làm việc cùng các đối tác để bù đắp sự thiếu hụt về tài chính của mình và đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn.
Ông thừa nhận "còn nhiều bài học cho chúng ta" về các phản ứng trước đại dịch COVID-19 nhưng cả các nước thành viên WHO và các cơ quan giám sát độc lập sẽ xem xét lại cách phản ứng của mình "trong thời gian thích hợp".
Trong một tuyên bố cá nhân trên Twitter ngày 15-4, ông Tedros nói: "Đây không phải lúc để lãng phí thời gian. Trọng tâm duy nhất của WHO là làm việc để phục vụ tất cả mọi người, cứu lấy mạng sống cho họ và ngăn chặn đại dịch COVID-19".
Học giả Mỹ: Bước đi sai lầm có thể gây hại cho chính nước Mỹ
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ - bác sĩ Patrice Harris gọi quyết định của ông Trump là "một bước đi nguy hiểm, sai hướng và có thể khiến thế giới dễ thất bại trước COVID-19 hơn", theo Reuters.
Bác sĩ Patrice Harris, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ. Ảnh: THE ATLANTA VOICE
Tổ chức y tế Protection Our Care (Mỹ) nói rằng "việc cắt nguồn tài trợ giữa lúc cao điểm của đại dịch toàn cầu là vô trách nhiệm" và "quyết định này chắc chắn sẽ khiến người dân Mỹ ít an toàn hơn".
Trong khi đó, đại diện Protection Out Care - ông Chair Leslie Dach cho rằng quyết định của ông Trump "không thể rõ ràng hơn" là một nỗ lực đánh lạc hướng dư luận khỏi việc Washington thiếu chuẩn bị và đánh giá thấp sự nghiêm trọng của COVID-19 khi dịch bệnh vừa bùng phát.
Lãnh đạo chương trình y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ quốc tế (New York, Mỹ) - ông Thomas Bollyky nhắc lại rằng "cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế" và COVID-19 có thể "gây hại cho nền an ninh y tế ở mọi nơi" trên khắp thế giới, theo SCMP.
Bà Olga Jonas - nghiên cứu viên cấp cao của Viện Y tế toàn cầu Harvard (Mỹ) cho rằng việc làm yếu đi khả năng hỗ trợ của WHO không chỉ tác động đến nền y tế toàn cầu, mà còn tác động tới kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế của Mỹ.
"Mỹ có hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, lúc nào cũng có doanh nhân Mỹ bay đến khắp nơi trên thế giới. Cho nên, nếu việc đi lại không được nối lại vì thông báo (của ông Trump - PV) thì đó là một quyết định gây thiệt hại về mặt kinh tế", bà Jonas nói.
Từng giữ vai trò điều phối các kế hoạch của Ngân hàng Thế giới để chuẩn bị ứng phó với các đại dịch, bà Jonas cho rằng việc Mỹ kỳ vọng WHO điều tra thông tin do các nước thành viên báo cáo lên là điều không thực tế.
"Không có khả năng đó, WHO không có đủ tiền và không có quyền đó. Nó là một tổ chức liên chính phủ và ở bất kỳ đâu mà nó hoạt động, WHO luôn cần sự cho phép và lời mời từ chính quyền", bà Ogla nói.
Thậm chí, bà còn so sánh WHO không phải là cơ quan tình báo (như Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA) để có thể hành động bí mật ở khắp nơi trên thế giới.
Chuyên gia dịch tễ học Joseph Lewnard thuộc Đại học California Berkeley (Mỹ) cho rằng cách Mỹ đang hành xử trong đại dịch lần này "theo một cách không thể khắc phục được, sẽ làm tổn hại vị thế của Mỹ như là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng thế giới".
Các tổ chức, chuyên gia thế giới: Nhắm vào COVID-19, đừng nhắm vào WHO
Theo Reuters, Tổng Giám đốc tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) - bà Liesbeth Aelbrecht cho rằng quyết định của ông Trump là "thông điệp sai lầm được gửi đi giữa một đại dịch, khi phản ứng chung của nền y tế công là cần thiết hơn bao giờ hết".
Bà cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của WHO và các tổ chức đa phương trong cuộc chiến chống COVID-19, cũng như bất kỳ tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nào khác.
Ông Howard Catton, Tổng giám đốc điều hành Hội đồng Y tá quốc tế. Ảnh: ICN
Người đứng đầu Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) - ông Howard Catton nói rằng "y tá và các nhân viên y tế khác đang ở tuyến đầu sẽ bị sốc và giận dữ" trước quyết định của tổng thống Mỹ.
"Ngay lúc chúng ta đang đối mặt với đại dịch chưa từng có trong lịch sử hiện đại, chúng ta phải ủng hộ WHO, đừng cắt "nguồn ôxy" của nó. Chúng ta phải nhắm vào con virus, không phải nhắm vào WHO" - ông Catton nói.
Giáo sư Sara Davies, chuyên gia quản trị y tế toàn cầu và ngoại giao y tế tại Đại học Griffith (Úc), cho rằng hành động của Mỹ là kết quả của căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc và nó sẽ gây hại cho WHO, theo SCMP.
"Sự leo thang căng thẳng trong cách Mỹ phản ứng trong tình trạng khẩn cấp về y tế này có thể được xem là sự tuyệt vọng của phần còn lại trong cộng đồng quốc tế", bà nói.
Bà Davies cho rằng "nơi chúng ta có thể nhìn thấy ảnh hưởng của nguồn tài trợ từ Mỹ là ở các chương trình mà WHO sẽ phải cắt giảm", vì WHO có thể buộc phải cắt giảm một số chương trình và tìm kiếm các nguồn tài trợ khác.
Đại diện Cao ủy Liên minh châu Âu về đối ngoại - ông Josep Borrell Fontelles cho rằng "không có lý do nào để biện minh cho động thái (của ông Trump - PV) ngay trong lúc này, khi cần hơn bao giờ hết những nỗ lực của chúng ta".
Còn Giáo sư Stephen Griffin thuộc trường Y khoa, Đại học Leeds (Anh) cho rằng quyết định của ông Trump có lẽ là một trong số những hành động "kém hiệu quả và thiển cận nhất" mà ông từng biết.
"WHO có lẽ là một trong những cách tốt nhất (để thế giới hợp tác với nhau - PV) và xứng đáng nhận được sự ủng hộ và tôn trọng của tất cả các quốc gia", ông Griffin nói.
Quyết định của tổng thống Mỹ được đưa ra khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ và trên toàn thế giới.
Tính đến 12 giờ trưa 16-4, thế giới có hơn 2.083.600 ca nhiễm COVID-19 và 134.632 trường hợp tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.
Trong đó, Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới với gần 644.100 ca nhiễm (hơn 30% số ca nhiễm toàn cầu) và 28.529 người chết vì COVID-19 (hơn 21% số ca tử vong toàn cầu).
Có bốn nước khác cũng đã có hơn 10.000 người chết vì COVID-19, đó là Ý (21.645 người chết/165.155 ca nhiễm), Tây Ban Nha (18.812 người chết/180.659 ca nhiễm), Pháp (17.167 người chết/147.863 ca nhiễm) và Anh (12.868 người chết/98.476 ca nhiễm).