Lý do Mỹ thất bại trong cuộc chiến COVID-19

Tạp chí Foreign Policy hôm 13-4 dẫn lại bài xã luận của tờ New York Times tuần trước nhận định chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phản ứng chậm so với những tín hiệu từ các chuyên gia y tế và cố vấn Nhà Trắng về virus gây dịch COVID-19 từ sớm. Hậu quả là dịch bệnh nhanh chóng lan rộng và khiến nhiều người nhiễm bệnh, tử vong. Hiện số ca nhiễm lẫn tử vong ở Mỹ đang dẫn đầu thế giới sau chuỗi ngày tăng kỷ lục.

Đánh giá không hết ảnh hưởng

Dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc (TQ) từ cuối năm 2019. Báo chí đăng hàng loạt cảnh báo khi dịch chưa lan rộng ra nhiều nước. Các chuyên gia y tế TQ và các nước đã liên tục cảnh báo về khả năng lây lan không thể ngờ của dịch bệnh kể từ tháng 12 năm ngoái. Mỹ không có động thái gì.

Cố vấn thương mại của Mỹ về TQ Peter Navarro đã có một báo cáo ngắn lên Tổng thống Trump về dịch COVID-19. Báo cáo gửi ngày 29-1, khi châu Á đã “ồn ào” về đại dịch, trong khi châu Âu và Mỹ vẫn xem dịch bệnh “là chuyện của TQ” hay của các nước châu Á hơn là chuyện mà các nền văn minh phương Tây như Mỹ phải lo lắng. Thậm chí, ông Trump có lúc còn phát biểu Mỹ nên để COVID-19 diễn biến tự nhiên như cúm mùa, mặc dù đầu tháng 4 vừa qua, người đứng đầu chính phủ Mỹ đã thay đổi quan điểm.

Trong báo cáo lần đầu hôm 29-1, Peter Navarro cảnh báo ông Trump rằng virus gây dịch COVID-19 nguy hiểm, đồng thời đề xuất cấm người từ TQ nhập cảnh. Theo hãng tin AFP, ngày 31-1, chính quyền Mỹ thông báo cấm nhập cảnh với các công dân nước ngoài đã tới TQ trong vòng hai tuần qua để phòng ngừa dịch bệnh. Sai lầm của Mỹ, theo giới quan sát là xem nhẹ việc nhập cư từ các nước khác, ví dụ như châu Âu. Điều này đã được chứng minh trong nghiên cứu mới đây được báo The New York Times dẫn lại vào ngày 9-4: Những ca mắc COVID-19 ở TP New York, ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, phần lớn được xác nhận do khách du lịch mang đến từ châu Âu, không phải châu Á.

Mỹ đã sai khi đánh giá nhẹ sự lây nhiễm của virus gây dịch COVID-19, cho rằng “chuyện từ TQ” nên chỉ cấm người (từng) “đến từ TQ”. Trong khi từ cuối năm ngoái đến đầu tháng 1-2020, số lượng người từ TQ (nhiễm bệnh) sang châu Âu tăng mạnh, khiến châu Âu trở thành ổ dịch lớn. Đó là lý do châu Âu vỡ trận vào cuối tháng 2 đến nay.

Ngày 23-2, Peter Navarro đã có báo cáo thứ hai gửi đến ông Trump. Tuy nhiên, thời điểm đó thế giới ghi nhận gần 80.000 ca nhiễm, châu Âu phát hiện hàng trăm ca nhiễm. Số lượng người ủ bệnh sang Mỹ đã rất cao, điều đó khiến tình hình ở Mỹ trở nên xấu đi. Từ cuối tháng 2 đã xuất hiện các ca dịch không về từ vùng dịch hoặc không tiếp xúc với người từ vùng dịch. Điều đó có nghĩa hiện tượng lây dịch từ người sang người - lây nhiễm cộng đồng - bắt đầu phổ biến.

Bệnh nhân COVID-19 ở BV Lenox Hill, TP New York ngày 13-4. Ảnh: REUTERS

Lúng túng về bài toán kinh tế

Giới quan sát nhận định rằng sự chậm chạp của Nhà Trắng đã khiến Mỹ trả cái giá quá đắt trong cuộc chiến chống COVID-19. Mỹ chẳng mấy chốc vượt mặt TQ lẫn các nước châu Âu, đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, tử vong. Điều đáng lo ngại không kém là nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng mạnh mẽ, không chỉ vì phần lớn thế giới đã “khép cửa”, mà còn vì các hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng kỷ lục.

Tổng thống Trump bắt đầu nao núng khi thiệt hại kinh tế gia tăng, đe dọa một số thành tựu trong nhiệm kỳ của ông, đặc biệt trước thềm bầu cử năm 2020. Tháng trước, ông Trump tuyên bố mở cửa nền kinh tế vào dịp Phục sinh năm nay (12-4). Tuy nhiên, tình hình dịch ngày càng nghiêm trọng khiến ông Trump phải trì hoãn đến ngày 1-5 tới đây. Trong bối cảnh nước Mỹ chưa thể lạc quan trước tình hình dịch bệnh, kế hoạch của ông Trump khiến nước Mỹ chia rẽ.

614.246 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở Mỹ đến tối 15-4, tăng hơn 27.000 người trong 24 giờ qua. Số nạn nhân tử vong ở mức xấp xỉ 26.100 người, tăng hơn 2.400 trường hợp. Hiện tổng cộng đã có hơn 38.000 bệnh nhân hồi phục thành công ở Mỹ. 

BS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, chuyên gia dịch tễ uy tín của Mỹ, nhận định: Mục tiêu nối lại hoạt động kinh tế vào ngày 1-5 tới đây là quá lạc quan. Nguyên nhân là cho đến nay, hệ thống y tế của Mỹ vẫn chưa đủ khả năng xét nghiệm nhanh và chính xác các ca nhiễm, từ đó có biện pháp cách ly kịp thời. Trong bối cảnh đó, kèm theo việc chưa có vaccine ngừa bệnh, giãn cách xã hội - đồng nghĩa là khép kín nền kinh tế - vẫn là giải pháp ưu tiên nếu như Mỹ không muốn để gia tăng số người tử vong.

Thậm chí, dự báo tình hình ở Mỹ còn có thể tệ hơn. Hãng tin CNN dẫn nghiên cứu của ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng: Mỹ có thể phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội đến năm 2022 nếu không sớm tìm ra vaccine ngừa COVID-19.

Mỹ cũng như nhiều quốc gia đứng trước hai bài toán: Thứ nhất, ưu tiên duy trì các biện pháp vận hành kinh tế và thứ hai là ưu tiên an toàn của người dân. Tất nhiên, không thể nghiêng hẳn một phía, bởi “còn người còn của” nhưng trái lại “có thực mới vực được đạo”. Nhiều nước chọn siết chặt giãn cách xã hội để chống lây nhiễm, chết người; sau đó linh hoạt duy trì sản xuất để đảm bảo người dân không thiếu thốn. Lằn ranh giữa hai ưu tiên trên phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nguồn lực của từng quốc gia.

Cho đến khi Mỹ bùng nổ dịch bệnh, ông Trump dường như chọn ưu tiên kinh tế hơn là chống dịch. Trong đó, Mỹ chú trọng vào các gói cứu trợ và các biện pháp duy trì nền sản xuất, đồng thời lần lượt đổ lỗi cho TQ, WHO thay vì vận hành các sáng kiến hợp tác đa phương nhằm chống dịch. Sự lúng túng của Nhà Trắng phần nào dẫn đến tình trạng dịch bệnh tràn lan, không thể kiểm soát.

Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO

Trong họp báo ngày 14-4, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ngừng hỗ trợ tài chính thời gian tới cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do WHO “đã thất bại khi thực hiện các nhiệm vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm”, theo đài CNA.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết sẽ đánh giá tổng thể “vai trò của WHO trong việc quản lý yếu kém và các động thái che giấu sự lây lan của dịch COVID-19”. Ông cũng cáo buộc WHO cố tình phát tán “thông tin sai sự thật” của TQ khiến dịch bùng phát nghiêm trọng trên toàn cầu.

Theo ông Trump, Mỹ hằng năm tài trợ 400-500 triệu USD cho WHO, trong khi TQ chỉ đóng góp khoảng 40 triệu USD. “Với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng liệu sự hào phóng của Mỹ có được sử dụng tốt nhất hay không” - Tổng thống Donald Trump phát biểu.

Một số cố vấn Nhà Trắng được cho là đang lên kế hoạch tìm một tổ chức thay thế WHO. Tuy nhiên, nhiều khả năng giới chức Mỹ ủng hộ cải cách WHO hơn là thay tổ chức mới hoàn toàn.

PHẠM KỲ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm